Bùa ngải có nhiều dòng phái nhưng tựu trung lại là dùng phương pháp làm phép “gửi lệnh” điều khiển âm lực vào một vật cụ thể nào đó để trấn yểm, phục vụ mục đích người dùng. Việc khai triển bùa ngải vì vậy phải thông qua thầy bùa hay còn gọi là pháp sư. Pháp sư có pháp lực càng cao thì “thương hiệu” càng lớn và dĩ nhiên được nhiều người tin tưởng thỉnh bùa.
|
Bùa yêu có rất nhiều loại và rất "thịnh hành" trong giới bùa chú hiện nay |
Mất nhiều tháng thuyết phục, người viết bài mới được diện kiến ông T., một pháp sư có tiếng ở Sài Gòn và được ông chia sẻ những sự thật về bùa ngải.
Nhà pháp sư T. nằm ở mặt tiền đường trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Căn nhà rất rộng nhưng cửa đóng then cài quanh năm, chỉ một mình ông ở. Cả gia đình ông đều định cư ở nước ngoài, riêng ông vẫn ở lại. Ông năm nay 40 tuổi, từng tốt nghiệp cử nhân luật nhưng 20 năm qua ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu bùa ngải.
Phải thuyết phục lắm, chúng tôi mới được ông T. cho phép vào tham quan căn phòng nơi ông nghiên cứu và thực hành bùa pháp. Căn phòng nhỏ đốt nhang trầm nghi ngút. Ở chính giữa là bàn làm việc có mực tàu và giấy vẽ bùa. Xung quanh bốn bức tường là 8.000 đầu sách đủ thứ tiếng chuyên về bùa ngải. Trên các bức tường treo nhiều ảnh mà theo ông là cao tổ của các trường phái bùa ngải. Tất cả đều là người Trung Quốc, Thái Lan hoặc Ấn Độ. Theo lời ông, bùa ngải chỉ là một trong những hình thức khai triển huyền thuật, ngoài ra còn có trù ếm, thần thông, thôi miên…
Huyền thuật có lịch sử ít nhất đã 8.000 năm, bất cứ tôn giáo nào, dân tộc nào cũng có huyền thuật. Ở nước ta, có rất nhiều loại huyền thuật tự sinh hoặc du nhập. Cơ bản nhất vẫn có thể kể đến các dòng Nam Tông (Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia…), dòng Tiên Đạo (Trung Quốc, Tây Tạng…) hay huyền thuật của các dân tộc (như người Mường)… Mỗi dòng đều có thế mạnh thế yếu nhưng trước đây dùng để chữa bệnh, trừ ma diệt quỷ chứ không dùng hại nhau như bây giờ.
|
Pháp sư phù phép “yểm bùa” |
Bùa ngải dùng đủ thứ chất liệu từ cây cỏ đến vật dụng, tùy phép yểm và mục đích. Lá bùa có loại nhỏ bằng ngón tay, có loại to như mặt bàn. Loại chôn, loại đốt, loại uống (trực tiếp hoặc đốt), cũng có loại vô hình vô trạng… Ở miền Nam, huyền thuật chủ yếu thịnh hành dòng Nam Tông, đặc biệt là bùa chú của Thái hoặc Miên (Campuchia).
Trong đó, phương pháp “trù ếm” được sử dụng nhiều nhất với “hình nộm thế thân”. Chiêu thức vô cùng tàn độc nhắm đến người bị sát hại (đâm, cắt, bẻ gãy, dìm nước…). Rất nhiều người bị hại không chỉ tán gia bại sản mà tinh thần, thể xác còn bị tổn hại ghê gớm. Huyền thuật tôn chỉ là điều chỉnh quan hệ giữa con người với cõi siêu nhiên. Vì vậy, xuất phát điểm của bùa ngải đơn thuần là vì mục đích tốt.
Dòng huyền thuật nào cũng có “bùa hại”. “Bùa hại” từ sơ khởi cũng đã có nhưng chỉ mang tính chất để răn đe, trừng phạt những người xấu và giúp họ quay đầu chuyển ý. Dần dà, nhiều người tà tâm đã khuếch đại, phát triển bùa hại lên tầm cao mới. “Từ lâu, việc dùng bùa phép ám hại nhau là có thật, dù nhiều người chưa tin” - ông T. khẳng định.
(Kỳ 2: Đẳng cấp bùa và cái giá phải trả)
Trường Tiến