Nội dung

“Vạn niên đại cát” với nước nguồn thủy ngọc

Bài 15 vua tự đức với nỗi niềmvạn niên đại cát

Vua Tự Đức sinh giữa mùa thu, ngày 25.8 năm Kỷ Sửu (22.9.1829), thể chất vốn yếu ớt, lại hay ốm đau từ nhỏ, lớn lên không thể có con được, nhà vua buồn bã nghĩ đến lẽ tử sinh của đời người như chính vua nêu trong phần mở đầu của một bài ký dài, đại ý:

- Mây bay trên trời không có hình tướng cố định nhưng tồn tại mãi. Còn những thứ có tướng trạng rõ ràng, to lớn như mặt trời mặt trăng, cứng chắc như núi cao rừng thẳm, hoặc vàng đá đất đai, song tất cả đều phải chịu cảnh sáng – tối, tròn – khuyết, lành – vỡ, huống chi con người “sống nay chết mai” chẳng biết khi nào.
Sống thì mỗi người mỗi khác nhưng chết thì đều giống nhau ở chỗ tấm thân mục rữa, nên cần chôn cất tươm tất, vừa khác với loài vật ở chỗ có lễ, lại vừa do cái tình mà nên như thế.
Hãy ngẫm lại từ xưa các vị hoàng đế sau thời  đăng quang đã sai đóng trước quan tài cho mình. Rồi cứ mỗi năm một lần đem quan tài ấy ra sơn mới lại, tự nhắc nhở mình trong 100 năm của đời người thì có 1 năm “đã chết” – đã trôi qua mất. Nay ta không thể trái lệ xưa của các tiên vương được.
Vả lại những người cường tráng sức khỏe dồi dào còn phải lo lúc qua đời đột ngột, huống là ta thể trạng vốn không khỏe khoắn gì mà lại dám hờ hững xem thường chuyện ấy sao?
Bài 15 vua tự đức với nỗi niềmvạn niên đại cát
Sơ đồ Lăng Tự Đức

Vì lẽ đó, Tự Đức muốn xây lăng mộ cho mình và tìm được một nơi có mạch nước tự nhiên từ trong lòng đất chảy ra (hữu thủy tự địa trung lưu xuất). Nước chảy khoan thai, từ tốn, êm đềm, nhỏ nhẹ, tránh được điều tối kỵ theo thuật “sơn thủy pháp” mà cụ Tả Ao cảnh báo: núi gồ ghề chứa ác khí là không tốt – nước chảy bộc phát rộn ràng thành tiếng kêu như khóc là rất xấu (Sơn tha nga, ác khí, bất cát – Thủy bộc lộ, khấp khốc, tối hung). Màu nước nơi đó lại trong xanh như thủy ngọc, ứng với phép địa lý: nước chảy dạt dào mà trong suốt (thủy dương dương nhi triều cực thanh). Chảy như vậy ngày đêm chẳng lúc nào ngừng (nhật dạ bất đình) có thể ví như một “thủy khẩu” đưa nước từ trên bờ đá đổ xuống khoảng ruộng trũng nằm trên địa bàn làng Dương Xuân Thượng (sau thuộc xã Thủy Xuân – TP. Huế).

Dựa vào thế tự nhiên sẵn có ấy, các nhà địa lý và ứng dụng phong thủy cho đào sâu xuống thành một cái hồ giữ nước rất rộng, xem tựa như chỗ “thủy tụ”. Đào đến nửa chừng bỗng đâu có nhiều đàn cá đến quần tụ sinh sống, chưa cần tay người thả nuôi, vua cho là một trong các điềm lành của “thủy hồ” nên sai tiếp tục đào sâu hơn.
Hồ được tạo dáng khác với mực thước vuông hoặc tròn thường thấy ở các công trình trước đó, mà phá thể trông tựa như hình trái tim với các cuống tim và động mạch chủ từ phía bên phải đang vươn về phía bên trái để ôm lấy khu lăng mộ xây bằng gạch đá trên bờ. Nhìn bao quát, mặt nước không bị đóng khung thẳng tắp theo các cạnh hình chữ nhật của các hồ thường thấy, mà chảy uốn khúc khiến người ta liên tưởng đến dạng “thủy lưu” theo phép địa lý: “nước chảy uốn khúc quanh co mà đến là chỗ đất quý” (thủy quý kỳ khuất khúc nhi chi).

Bài 15 vua tự đức với nỗi niềmvạn niên đại cát

Sung Khiêm Tạ, nơi thư giãn của vua Tự Đức

Đào xong, vua Tự Đức đặt tên là hồ Lưu Khiêm, bên hồ dựng hai nhà mát Sung Khiêm và Dũ Khiêm, đắp hòn đảo lớn Tịnh Khiêm giữa hồ, bắc ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm, Do Khiêm và trồng sen hồng trong hồ. Trên bờ, ở khu lăng mộ cho xây các công trình để đời như: Minh Khiêm đường được xem là nhà hát xưa nhất Việt Nam tồn tại khá nguyên vẹn đến nay, Hòa Khiêm điện như một bảo tàng cung đình chứa đồ ngự dụng cùng một số tác phẩm tạo hình mỹ thuật thời Nguyễn.
Ngoài khu vực lăng, long mạch được các núi đưa từ xa đến gần địa cuộc, mỗi ngọn núi được đặt tên riêng như Long Khiêm, Dần Khiêm, Lao Khiêm, Đạo Khiêm, Cư Khiêm, Lý Khiêm. Ngọn núi nằm phía bên phải có mở một cửa thông thoáng gọi Khiêm Cung môn. Nằm phía sau để làm chỗ tạm dừng chân nghỉ ngơi những lúc du ngoạn gọi Lương Khiêm. Nhà để các đồ dùng của vua khi đi dạo ghé qua, nằm về phía Tây gọi Ôn Khiêm.
Lại có bốn nhà khác để các quan cũng như thợ thầy trú ngụ gọi Công Khiêm, Cung Khiêm, Lễ Khiêm, Pháp Khiêm. Lại lập bốn viện để phi tần mỹ nữ tháp tùng theo nhà vua có nơi ăn ngủ gọi Tùng Khiêm, Dụng Khiêm, Y Khiêm, Trì Khiêm.
Dựng một căn lầu ở vị trí cao để có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật quanh vùng gọi Ích Khiêm. Lại có nơi để hương khói cho các cung nữ đã qua đời gọi Chí Khiêm…

Bài 15 vua tự đức với nỗi niềmvạn niên đại cát

Bi đình, với tấm bia bằng đá thanh, nặng 20 tấn, có khắc bài Khiêm Cung Ký do vua soạn thảo

Gần 50 chữ “Khiêm” cho một cuộc đất

Trên cuộc đất rộng khoảng 12 hecta của lăng Tự Đức có gần 50 công trình kiến trúc và tạo dáng phong thủy bao gồm mấy chục tòa nhà lớn nhỏ hợp thành một hệ thống cung điện và khu lăng mộ đều được đặt tên có chữ “Khiêm”, vì sao vậy?
Chuyện liên quan đến những chuyển biến của thời thế xảy đến khi nhà vua lên ngôi được khoảng hơn 10 năm như: Đà Nẵng bị thực dân Pháp tấn công (năm 1858), đánh chiếm Gia Định (1859), lấn tới các tỉnh Nam Kỳ (1862).
Ông mệt mỏi và cho bắt tay xây lăng tháng 10.1864, dự tính trong 6 năm sẽ xong và giao biện lý Nguyễn Văn Chất, thống chế Lê Văn Xa cùng trông coi. Cả hai vị ấy muốn rút gọn thời gian xây lăng khoảng 3 năm là xong.
Vì gấp gáp như thế, nên 3.000 lính thợ ở công trường Vạn niên bị thúc bách, dẫn đến cuộc nổi dậy do Đoàn Trưng và Đoàn Trực lãnh đạo, tiến đánh hoàng cung nhưng bị chặn đứng và dập tắt (1866).
Vua Tự Đức thoát hiểm, song uy tín của triều đình vốn bị mất mát nhiều sau những tổn thất trước thực dân Pháp thì bấy giờ lại xuống thấp hơn nữa. Vua thừa nhận:“Quân nổi loạn đã tìm cách lôi kéo dân binh dám xâm phạm tới cửa ngõ hoàng cung, ấy là do ta không có tài, không có đức, nên mới bị trời trách và người oán, vì thế ta phải khiêm thôi” và đổi tên công trình trên đất “Vạn niên đại cát” là Khiêm cung (sau gọi Khiêm lăng) cũng như các kiến trúc trực thuộc của lăng đều lấy chữ“Khiêm” để đặt tên với giải thích của vua, hàm nghĩa: “Khiêm” là khiêm nhường, kính cẩn, có địa vị cao hơn kẻ khác mà không lấy đó làm điều, chỉ muốn tự đặt mình khiêm tốn ở dưới vị thế của người mà thôi.

Bài 15 vua tự đức với nỗi niềmvạn niên đại cát

Cá chép hóa rồng trên mái ngói của Sung Khiêm Tạ

Khiêm lăng hoàn tất tháng 8.1867, ngày nay đã cùng các lăng vua Nguyễn khác trở thành một phần sống động trong quần thể di tích Huế thuộc Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Địa cuộc phong thủy và yếu tố nhân văn ở những nơi ấy được các tác giả nước ngoài như Henri Guibier nhận xét: “Các lăng tẩm ở Huế thường nép mình dưới các bóng cây cổ thụ, hoặc được bao quanh bởi sắc hoa và màu cỏ mượt trên các đồi núi xa xa, tất cả đã trở thành chứng tích không những thuộc quá khứ mà còn tác động đến hiện tại, chứa đựng trong đó sức mạnh siêu nhiên và bí ẩn từng ảnh hưởng sâu đậm đến con người và cảnh vật nơi đây” (BAVH 1916).
Hai năm sau, nhà văn học giả Phạm Quỳnh khi đến thăm lăng các vua Nguyễn đã viết: “Không những mấy nơi đó là những thắng tích đệ nhất của nước ta, mà lại có thể liệt vào bậc những nơi thắng tích của cả thế giới nữa” (Tạp chí Nam Phong số 10, tháng 4.1918).
Đến cuối thế kỷ 20, nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’Bow đã phát biểu: “Giữa lòng Huế, Thành Nội lịch sử là mẫu mực về cấu trúc cân đối, mà sự hài hòa rất tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã sáng tạo ra nó. Phía Nam, các lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn, rải ra dọc hai bờ sông Hương. Là tác phẩm của những người dân lao động và những thợ thủ công khéo tay nhất trong nước, những hệ thống kiến trúc ấy biểu hiện những biến tấu độc đáo trên một chủ đề thống nhất. Mỗi một lăng vua, với tính cách riêng biệt của nó, là một thành tựu tuyệt mỹ của nền kiến trúc cảnh vật hóa; và mỗi lăng tẩm khêu gợi trong cảm xúc của khách tham quan một âm vang đặc biệt. Lăng Gia Long giữa một khu rừng thiên nhiên bao la gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản; lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm; và lăng Tự Đức gợi cho khách du ngoạn hồn êm thơ mộng” (bản dịch của văn phòng Việt Nam cạnh UNESCO).

Đúng vậy, lăng Tự Đức mang “hồn êm thơ mộng” như chính tâm hồn đa cảm của nhà vua, vốn là tác giả của hơn 4000 bài thơ chữ Hán, 100 bài thơ chữ Nôm với bài “Khóc Bằng phi” nổi tiếng trong đó có hai câu: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” sau này còn âm hưởng trong ca từ của tình ca vượt thời gian như “đập gương xưa tìm bóng” (Gửi gió cho mây ngàn bay) và thống thiết ở hai câu cuối: “Mối tình muốn dứt càng thêm bận. Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi” nhắc nhớ một Nỗi lòng: “Yêu ai yêu cả một đời”.

Thơ văn của ông không chỉ thể hiện nỗi buồn và bi kịch của một hoàng đế đương quyền bị sa sút, mà còn của một nhà văn hóa, một trí thức thất vọng trước mọi dự tính và mưu sự không thành. Ông nhận lỗi của mình qua các bài như: Sầu ngâm nhị thủ, Muộn tác nhị thủ, Bệnh nhị thủ, Tự vấn, Hư sinh…

Bài 15 vua tự đức với nỗi niềmvạn niên đại cát

Tượng voi đá, ngựa đá trong sân lăng

Ngày nay, văn hóa tâm linh và nhu cầu tìm hiểu phong thủy khiến chúng tôi đứng trước sơ đồ lăng Tự Đức không khỏi suy ngẫm đến những chỉ dẫn của cụ Tả Ao với lời bàn của nhà nghiên cứu dịch lý và phong thủy học Cao Trung sau đây:

“Nơi nước tụ trước huyệt thì chỗ ấy gọi là Minh Đường… điều đáng kỵ là mùa thu mà Minh Đường cạn nước… Thực ra thì nước chảy theo chiều Tây Bắc, Đông Nam nên huyệt quay về hướng Tây Bắc, đã thu được tất cả thủy từ cao xa về lòng rồi. Tuy nhiên phương Đông Nam thiệt có thủy tụ, nhưng nếu sâu quá cũng đáng kỵ, mà thông thoáng rộng lớn, chảy xuôi cũng đáng kỵ”.

Cũng cần nhắc lại, trong bài Khiêm cung ký dài gần 5.000 chữ do vua Tự Đức viết và sai khắc vào tấm bia đá nặng khoảng 20 tấn dựng ở Bi đình của lăng có đề cập đến hồ Lưu Khiêm mùa Hè không cạn, mùa thu không tràn bờ, do nước được dẫn thông ra bên ngoài bằng các ống cống nằm dưới những con đường lót đá thanh.
Bọc quanh khu vực lăng có vòng la thành được xây chạy dài thuận theo thế núi ở đó. Lại có thêm vòng “la thành tự nhiên” khác gồm những ngọn núi nhấp nhô tựa hồ như rồng lượn xa xa để che chắn bảo vệ cho lăng Khiêm. Vua Tự Đức qua đời ở tuổi 54, sau 35 năm ở ngôi (1848 - 1883) với nhiều nỗi sầu muộn chưa tan…

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Gia Tiến, Tư liệu

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục

Những hiện tượng “tâm linh” khoa học đang lý giải (P.1)

Các nhà khảo cổ, các nhà sử học và nhân chủng học đã khám phá ra nhiều bằng chứng về sự phát minh và phát triển của ma thuật từ thưở con người còn ăn lông ở lỗ. >> Phần 2: Chuyến bay kinh hoàng và ngôi biệt thự bị "ám" >> Phần 3: Câu chuyện huyền bí nơi Tây Tạng >> Phần 4: Những câu chuyện huyền bí còn bỏ ngỏ...

Xem thêm  

Giới thiệu về Kinh Dịch

Không có bộ sách nào kỳ dị như kinh dịch, là một kiệt tác của không biết bao nhiêu người nối tiếp nhau bao ngàn năm biên soạn không đầy trăm trang. Kinh dịch vẫn trên đường tiếp diễn hoàn thiện, bình quân hằng trăm năm được vài ba trang sách. 

Xem thêm  

Kỳ 1: Những bí mật chưa tiết lộ về bùa ngải

Bùa ngải ở nước ta không phải là một khái niệm quá xa lạ. Hầu hết mọi người đều từng nghe đến việc dùng bùa ngải để mưu cầu điều tốt cho mình hoặc để ám hại người khác. Vậy bùa chú có thật sự mang công dụng vô biên hay không? >> Kỳ 2: Đẳng cấp “thầy bùa” và cái giá phải trả

Xem thêm  

Đẳng cấp “thầy bùa” và cái giá phải trả

Huyền thuật cũng có tính 2 mặt và tùy vào mục đích người sử dụng. Thông thường là với mục đích tốt, nhưng cũng có người tà tâm sẽ sinh ra tà thuật, và thông thường, sau đó, họ phải trả cái giá rất đắt. >>Kỳ 1: Những bí mật chưa tiết lộ về bùa ngải

Xem thêm