Lâu nay, những cái tên Google, apple và Microsoft vẫn nổi lên như là 3 “đại gia” của làng công nghệ Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung, bởi đều có quy mô và tầm cỡ doanh nghiệp lớn cũng như khả năng ảnh hưởng sâu rộng đến các xu hướng công nghệ toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính thường qúy của Google, Apple và Microsoft cũng mang những ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng rất khác nhau đối với mỗi công ty. Nguyên nhân là do sự khác biệt trong việc ghi nhận năm tài khóa. Nếu như google ghi nhận thời điểm bắt đầu năm tài khóa của mình cùng thời điểm bắt đầu năm dương lịch thông thường (tháng 1), thì Apple lại ghi nhận năm tài khóa từ tháng 9 năm trước và sớm hơn cả là Microsoft vào tháng 6 hàng năm. Như vậy, khi bản báo cáo công bố ngày 16/7 của Google trình bày kết quả hoạt động Quý II thì Apple ghi nhận kết quả Quý III còn Microsoft thì chính thức chốt năm tài khóa 2015 với kết quả Quý IV.
Cục diện 3 siêu cường đã có nhiều thay đổi
Như vậy, có thể thấy Google đã xuất sắc hoàn thành nửa chặng đường đầu tiên của năm 2015 với kết quả mỹ mãn. Với các nỗ lực cắt giảm chi tiêu ngân sách và hạn chế tuyển dụng thêm người, doanh thu quý của Google đạt gần 18 tỷ, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái (Google còn đổ lỗi cho biến động tỷ giá làm mức tăng này không được như kỳ vọng). Chỉ sau một đêm, đội ngũ các nhà đầu tư của Google tỉnh dậy thấy mình có thêm …67 tỷ. Nhà đầu tư phấn khởi, các vị lãnh đạo cũng sung sướng, mà đặc biệt vị tân CFO đã cũng nhẹ bớt gánh nặng tâm lý đè lên vai suốt 3 tháng qua.
Trong khi đó, Apple lại có dấu hiệu mất đà ở chặng cuối năm tài khóa, dù vẫn ghi nhận doanh thu quý ấn tượng ở mức 49,6 tỷ đô, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái (cả giá trị lẫn tốc độ tăng trưởng mà Google vẫn còn mơ mới đạt được). Hai quý trước Apple rất thành công, vậy nên chút sa sút phong độ của iPhone trong quý này như một cú hẫng đột ngột khiến giới đầu tư thoáng chút “giật mình”, kéo tụt giá trị của cổ phiếu tới hơn 10 đô chỉ trong chưa đầy ...10 phút! Thêm vào đó, Apple cũng cần phải cân nhắc lại lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, bởi dù có lợi nhuận ăn đứt đối thủ lâu năm song giá trị lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của Táo khuyết hiện chỉ bằng ¼ của Google (dấu hiệu loãng giá cổ phiếu không có lợi cho một doanh nghiệp đại chúng về lâu về dài).
Có thành tích kém cỏi nhất trong 3 đấu thủ là Microsoft, và thực tế này càng nhức nhối khi giai đoạn tháng 4-6, công ty phần mềm sẽ chốt lại một năm hoạt động của mình. Có thể nói năm tài khóa 2015 chứng kiến một cái kết không hoàn thiện của Microsoft, khi hãng này ghi nhận khoản lỗ hơn 2 tỷ đô đến từ màn “rũ bỏ” tốn kém với Nokia và các phí tổn tái cấu trúc bộ máy nhân sự (cả hai sự vụ góp phần đem về “hóa đơn” khủng 7,6 tỷ đô cho hãng). Tuy thế, hãng cũng vớt vát bằng việc chỉ ra lợi nhuận dương 6,4 tỷ khi không áp chuẩn GAAP, phong độ ấn tượng của tablet Surface 3 với doanh thu tăng tới 117% cùng cơn gió mới tốt lành mang tên hệ dịch vụ điện toán đám mây.
Như vậy, chốt lại 6 tháng đầu năm 2015, vui nhất vẫn là Google, hơi lăn tăn là Apple trong khi Microsoft thì buồn vui lẫn lộn: buồn vì kết quả cuối năm tài khóa không như ý, nhưng vui vì chiến lược đầu tư mới có vẻ như đang đi đúng hướng và sắp tới, “đứa con” rất được kỳ vọng là Win 10 sẽ ra mắt.
Qua các màn báo cáo, ba công ty muốn nhắn nhủ điều gì
Bên cạnh các con số biết nói thì các vị điều hành mỗi doanh nghiệp cũng nhắn nhủ khá nhiều điều sau mỗi sự kiện earning call.
Với Google, báo cáo tài chính giữa tháng 7 chính là câu trả lời của vị tân giám đốc tài chính Ruth Porat, rằng những chính sách kiểm soát chi tiêu của bà - bao gồm kiểm toán nội bộ toàn diện, cắt giảm chi tiêu và hạ thấp định mức tuyển dụng – đều có ý nghĩa và giá trị của chúng.
Ngoài ra, Google cũng khẳng định sẽ chuyên tâm với các mảng kinh doanh cốt lõi đem về doanh thu tốt cho hãng lâu nay, thay vì mê mải với những “moonshot project” tốn kém và ít triển vọng doanh thu.
Đặc biệt, Google dường như cũng có nhiều toan tính với YouTube, bởi theo lời Giám đốc Kinh doanh Kodestani, dù đã có cả tỷ người dùng song mạng xã hội video vẫn còn “rất nhiều cơ hội ở phía trước”. Trước sự nổi lên của đối thủ mới xứng tầm Facebook (hiện cũng đang thúc đẩy một nền tảng video hoàn thiện), hẳn Google và YouTube đang có những sự chuẩn bị chu đáo cho riêng mình.
Báo cáo của Apple cũng hàm chứa vô vàn thông tin thú vị.
Dù đang có doanh số iPhone sa sút so với kỳ vọng, song ngài Cook vẫn không quên “đá xoáy” Google: tỉ lệ người dùng bỏ Android để “về đội” iOS đang cao hơn bao giờ hết! Sự tự hào của ngài Cook, cùng thực tế là kết quả kinh doanh iPhone vẫn đóng vai trò quyết định tới niềm tin của nhà đầu tư càng khẳng định vai trò át chủ bài của chiếc điện thoại thông minh trong định hướng phát triển hiện tại – tương lai của Apple.
Bên cạnh việc hay kèn cựa với Google, ngài Cook cũng tiết lộ tôn chỉ “tránh tồn kho” và “không ép chỉ tiêu bằng mọi giá” của mình (một điều hợp lý với các doanh nghiệp dựa nhiều vào doanh thu hàng hóa vật chất). Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục là “mỏ vàng” của Apple nói riêng và các công ty công nghệ nói chung, bởi dù cho nhu cầu sản phẩm công nghệ có phần giảm sút trong thời gian qua và vấn nạn hàng giả hàng nhái gây đau đầu cho nhiều đơn vị sản xuất, việc doanh số iPhone tiếp tục tăng 87% chứng tỏ năng lực xoay chuyển tình thế đáng gờm của thị trường này.
Đặc biệt, sản phẩm mà Táo khuyết dành nhiều tâm huyết phát triển là Apple Watch (có vẻ) cũng bước đầu cho trái ngọt. Vẫn kín tiếng về doanh số và doanh thu chính xác, song Tim Cook khẳng định Apple Watch còn thể hiện tốt hơn cả đàn anh iPhone xưa kia. Chưa kể gần đây, một trong số các nghiên cứu thị trường về thiết bị này chỉ ra rằng 97% khách hàng phổ thông rất ưng ý với sản phẩm mới của Táo khuyết. Nếu đúng là thế thì làng công nghệ nên ca ngợi tài năng của người phụ nữ "quyền lực" Angela Ahrendts, Phó chủ tịch khối bán lẻ và kinh doanh trực tuyến của Apple.
Còn Microsoft thì sao. Ngậm ngùi chốt lại 3 tháng cuối năm, song những nhà lãnh đạo của công ty phần mềm số 1 lại chẳng tỏ ra bi quan hay xuống sức. Dường như những gì ta thấy là không tích cực trong báo cáo hoạt động vừa qua của Microsoft chỉ là bước lùi tạm thời, tạo đà để ông trùm công nghệ tiến xa và nhanh hơn trong tương lai.
Trên thực tế, Giám đốc tài chính của công ty khẳng định, Microsoft đã có một năm tài khóa với những tiến bộ vững chắc. Phải chăng, vị này đang ám chỉ đến bước chuyển mình chiến lược của doanh nghiệp sang 3 mũi nhọn mới là dịch vụ nền tảng đám mây, ứng dụng di động và phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp. Rõ ràng, dịch vụ đám mây đang vươn lên, trở thành nguồn thu mới tiềm năng và ổn định cho Microsoft.
Thêm vào đó, mặc cho những hoài nghi và dự báo không tích cực gần đây, CEO Nadella nói chắc như đinh đóng cột: “Sự ra mắt của Windows 10 sẽ tạo ra những cơ hội mới cho Microsoft và toàn bộ hệ sinh thái.” Kể cũng có cơ sở, bởi với những hướng đi mới nói trên, Win 10 được kỳ vọng không chỉ giảm bớt đà trượt dốc của thị trường PCs, mà sẽ còn là "cánh cửa" đưa người dùng tiếp cận một "vùng trời mây" của Microsoft và các nền tảng dịch vụ Internet tiên tiến, ưu việt.
Như vậy, chắc chắn kỳ báo cáo tài chính quý sau – khi Google chạy đua nước rút, Apple cán đích năm và Microsoft khởi động một chu kỳ mới – sẽ lại có nhiều thứ mới để chúng ta cùng bàn!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet