Chợ hoa Tết từ sau ngày 23 tháng
Chạp Từ sau 23 tháng Chạp, người dân quanh vùng chở hoa bày bán dọc bờ bắc sông Hương, công viên Nghinh Lương Đình, Trung tâm VHTT tỉnh, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Đó là hoa huệ Nguyệt Biều, hoa cúc Bãi Dâu, thược dược Phú Thượng, hoa mai Dương Xuân…
Chợ hoa Tết ở Huế
Ở Phong Điền còn có chợ mai xuân Điền Hòa và Hội hoa xuân. Tất cả tạo nên một không gian hoa rất riêng, đặc trưng cho xứ Huế. Khoảng chục năm nay, đi dạo chợ Hoa đã trở thành một thói quen không thể thiếu đối với người Huế và du khách mỗi khi Tết về trên mảnh đất cố đô.
Chợ 30 Tết
Ngày 30 Tết, các gia đình ở Huế phải chuẩn bị cho mâm cơm cúng tất niên ngày cuối năm, sắm sửa các mặt hàng bánh mứt, thực phẩm chuẩn bị cho mấy ngày Tết nên lượng người đi mua sắm Tết tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Huế, các chợ vùng quê tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Đến các chợ trong dịp này, du khách có thể chiêm ngưỡng những nét đặc trưng của văn hóa Tết xứ Huế như tranh thờ làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, bánh tét làng Chuồn…
Bắn pháo bông đêm Giao Thừa
Đúng 0 giờ, 0 phút, 0 giây, pháo bông sẽ rực sáng trên bầu trời Đại Nội, tạo nên một cảnh sắc vô cùng tráng lệ. Du khách có thể cùng hòa vào dòng người dân xứ Huế để ngắm vẻ đẹp “có một không hai” trong năm này và lưu giữ cho riêng mình những tấm hình, thước phim kỷ niệm đáng nhớ.
Lên chùa lễ Phật ngày mùng 1 Tết
Vào những ngày Tết, vạn vật đâm chồi nảy lộc, hoa nở rộ đủ sắc màu làm cho những ngôi chùa Huế như chốn bồng lai tiên cảnh. Ngoài việc đi chùa để cầu sức khỏe, may mắn và làm ăn thịnh vượng, du khách còn có thể tham quan cảnh trí của chùa ngày xuân, thưởng thức trà bánh, xin chữ đầu năm.
Đi lễ chùa đầu năm
Một số ngôi chùa du khách nên đến viếng thăm ở Huế ngày Tết là chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế, chùa Huyền Không Sơn Thượng…
Xem đua ghe ngày mùng 2 Tết
Người Huế thường chọn ngày mùng 2 Tết để tổ chức cuộc đua ghe. Bấy giờ, những chiếc ghe đủ màu sắc, từ các thôn làng tập hợp về một quãng sông để tranh tài. Hai bên bờ sông, dân chúng tụ tập đông đúc, luôn miệng hò reo cổ vũ cho đội nhà trong tiếng trống dồn dập, náo nức. Cuộc đua kéo dài từ sáng cho đến tận xế chiều.
Đua ghe trên sông Hương
Đua ghe là một trong những là trò giải trí lâu đời, có mặt ở Huế từ buổi đầu người Việt theo chân các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi. Đến xem đua ghe, du khách có thể thụ hưởng thêm một nét văn hóa độc đáo của Huế trong những ngày Tết Âm lịch.
Đi chơi chợ Gia Lạc ngày mùng 3 Tết
Đây là một phiên chợ đặc biệt, chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa, ứng xử của người dân Huế. Chợ mỗi năm chỉ họp đúng ba ngày Tết. Người ta đến chợ không phải vì nhu cầu mua bán, mà vì thói quen, vì một tập tục đẹp đã có từ lâu đời. Họ lấy vui, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp. Họ không tranh luận, không to tiếng như các phiên chợ trong năm. Đó là tinh thần mong muốn sự hoà đồng, tốt đẹp trong các mối quan hệ xã hội mỗi khi năm mới đến.
Chợ xuân Gia Lạc
Nhiều lễ hội hấp dẫn
Từ mùng 1 Tết cho đến rằm tháng Giêng, ở Thừa Thiên – Huế có hàng loạt lễ hội như: lễ hội đu tiên ở Điền Hòa (huyện Phong Điền) và thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền); lễ hội cầu ngư ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và ở Thuận An (huyện Phú Vang); hội vật làng Sình (huyện Phú Vang) và lễ hội vật làng Thủ Lễ ở thị trấn Sịa; lễ hội đền Huyền Trân ở phường An Tây, TP Huế…
Lễ hội vật làng Thủ Lễ
Thưởng thức ẩm thực ngày Tết xứ Huế
Trong những ngày Tết, những khách sạn, nhà hàng ở Huế đều có một hệ thống ẩm thực chay – mặn để du khách lựa chọn, tạo điều kiện cho du khách đón một cái Tết Âm lịch đầm ấm như ở nhà.
Bánh tét làng chuồn - Huế
Mặn thì có bánh tét làng Chuồn, dưa món, giò heo bó, nem chả, hành muối, kiệu chua…; ngọt thì đủ loại mứt bánh: mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt bí đao, mứt hạt sen, mứt me, mứt cốc, mứt xoài, bánh in, bánh thuẫn, bánh dẻo, bánh bó, chè xanh đánh, chè đông sương, chè khoai tía…
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet