Trong khi các tín đồ âm nhạc trong nước đang vui mừng thưởng thức những tính năng mà Spotify mang lại khi nó đến Việt Nam, bản thân Spotify lại đang cố gắng giãy giụa trong cuộc chiến với nhiều đối thủ khác. Gã khổng lồ này cũng đang nằm trong tình huống rất giống với Uber: sau 12 năm hoạt động, họ vẫn chưa có lợi nhuận.
Dù sắp được đưa lên sàn chứng khoán, Spotify phải thông báo lỗ 1,5 tỉ USD trong năm 2017 và đang có một vài vụ kiện cáo lơ lửng trên đầu. Trong số đó, Wixen Publishing, một hãng phát hành nhạc nổi tiếng vừa kiện Spotify là sử dụng hàng ngàn bài hát không phép và đòi bồi thường 1,6 tỉ USD.
Daniel Ek, CEO của Spotify.Cụ thể, Wixen cho rằng Spotify “không trả công thích đáng cho Wixen hoặc các tác giả mà họ đại diện” và dựa trên điều luật về bản quyền mechanical của luật bản quyền 1909, Spotify không thông báo cho tác giả các ca khúc bằng giấy trắng mực đen rằng tác phẩm của họ đang được đăng tải trên Spotify.
“Chúng tôi không tìm kiếm một khoản phạt lớn. Nhưng chúng tôi dự tính rằng các thân chủ của chúng tôi chiếm từ 1-5% số lượng bài hát mà các dịch vụ này phân phối,” Chủ tịch Wixen Publishing, ông Randall Wixen nói.
“Spotify có hơn 3 tỉ USD doanh thu hàng năm và trả những khoản lương khổng lồ cho các giám đốc, và hàng triệu USD cho những văn phòng xa xỉ ở nhiều thành phố. Chúng tôi chỉ yêu cầu họ bồi thường hợp lý cho các thân chủ bằng cách chia sẻ một phần nhỏ doanh thu họ có được với tác giả của những gì họ bán ra.”
Không có gì là đơn giản trong bản quyền, đặc biệt là bản quyền âm nhạc. Thật ra, không phải chỉ có một bản quyền âm nhạc, mà có… 4, 5 hoặc 6, hoặc không thể đếm hết được.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản: bài hát nổi tiếng “Girls just want to have fun” của Cyndi Lauper được viết bởi Robert Hazard. Có hai bản quyền ở đây: người viết bài hát và người biểu diễn. Trong khi luật về quyền tác giả đã có từ năm 1909, luật về người biểu diễn chỉ có vào năm 1976.
Đôi khi cả hai quyền này là của cùng một người – nếu Britney Spears viết bài hát và tự biểu diễn nó, cả hai bản quyền bài hát đó là của cô ấy. Nhưng trong giới âm nhạc, thường có nhiều người dính líu đến một bài hát. Để cho đơn giản, hãy cho là mỗi người đều được đại diện bởi một hãng, đã ký tất cả những giấy tờ cần thiết.
Bây giờ, hãy cùng xem sự rối rắm của bản quyền. Trong năm 2018, có hàng tá cách để nghe nhạc. Bạn có thể nghe qua radio, Spotify, iTunes, mua đĩa nhạc,… và mỗi thứ lại phải mua quyền sử dụng bài hát theo những cách khác nhau.
Khi một bài hát được phát qua iTunes, Apple trả cho hãng ghi âm, sau đó hãng đĩa trả tiền cho tác giả và ca sĩ. Riêng với Spotify, họ phải đảm bảo rằng mình trả tiền cho tất cả những tác giả của bài hát, bởi Spotify và iTunes hoạt động theo những phương thức riêng biệt.
Cụ thể, khi bạn mua một bài hát từ iTunes, bạn sở hữu file nhạc. Các phí bản quyền cần thiết, bao gồm cả bản quyền mechanical đã được thanh toán, và bạn có một thứ gì đó để lưu trữ. Trong khi đó trên Spotify, bạn không sở hữu bài hát (dù có thể nghe bất kỳ lúc nào). Khi một bài hát bị ca sĩ gỡ khỏi Spotify, bạn không còn có thể nghe nó nữa.
Vì thế, những dịch vụ như Spotify phải vận hành dưới một điều luật khác: Copyright Royalty Board. Mỗi 5 năm, một nhóm thẩm phán sẽ quyết định chi phí cho tất cả các nhạc sĩ và thiết lập mức giá cho mọi tình huống. Các dịch vụ stream phải tuân theo nhiều mức phí khác nhau. Trong khoảng thời gian được nhắc đến trong đơn kiện của Wixen, Spotify phải trả các tác giả “10,5% doanh thu trừ chi phí PRO”.
Và để trả những chi phí này, Spotify phải tìm đến Harry Fox Agency (HFA), tổ chức được thành lập vào năm 1927 bởi Hiệp hội các nhà phát hành nhạc quốc gia (NMPA), một hiệp hội đại diện cho lợi ích của các nhạc sĩ. Nếu một ai đó có danh bạ chứa số điện thoại, email, địa chỉ của tất cả các nhạc sĩ tại Mỹ, đó chính là HFA. Ngay cả khi họ không có cách liên lạc với nhạc sĩ, HFA có trách nhiệm phải tìm đến họ để họ có thể nhận được khoản tiền bản quyền chính đáng của mình.
Tuy nhiên, trong đơn kiện của Wixen, họ nói rằng “Spotify biết HFA không sở hữu hạ tầng cần thiết để thu thập các bản quyền mechanical cần thiết và Spotify biết nó (HFA) không có những bản quyền đó.”
Về cơ bản, đơn kiện của Wixen không phải là về việc Spotify có phải trả khoản tiền “10,5% doanh thu trừ chi phí PRO” hay không, mà là về việc Spotify có gửi một lá thư (giấy trắng mực đen) đến địa chỉ của nhạc sĩ để cho họ biết rằng mình sẽ được trả tiền bản quyền. Và vì Spotify không gửi thư, Wixen yêu cầu Spotify bồi thường thiệt hại 150.000 USD cho mỗi bài hát. Đó quả là những bức thư đắt tiền – và là lý do tại sao đơn kiện này đòi bồi thường 1,6 tỉ USD.
Và bạn cũng cần phải biết rằng vụ kiện Wixen – Spotify không phải là vụ đầu tiên như thế này. Hồi năm 2016, Spotify mất 30 triệu USD để dàn xếp với NMPA. Sang năm 2017, Spotify cũng đã phải trả 43,4 triệu USD cho các nhạc sĩ sau một vụ tương tự, nhưng Wixen tuyên bố rằng con số này là “một hành vi rỗng tuếch khuyến khích sự vi phạm bản quyền và không đủ để đền bù những hoạt động bất hợp pháp trong nhiều năm qua.”
Thật may mắn là người dùng chúng ta không phải đối phó với mớ bòng bong này.Hiện tại, một điều luật mới vừa được trình lên Nghị viện Mỹ có tên Music Modernization Act có thể sẽ giúp ngăn cản những vụ kiện tương tự. Nếu một dịch vụ stream nhạc để sẵn một khoản tiền mà họ dự tính sẽ chi trả cho những nhạc sĩ mà họ chưa thể tìm thấy, họ sẽ không thể bị kiện vì không tìm thấy nhạc sĩ đó.
Điều luật này nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức âm nhạc lớn tại Mỹ, trong đó có Digital Music Association (một hiệp hội đại diện Spotify, YouTube, Amazon, Napster…) NMPA, RIAA. Theo giới chuyên môn, việc RIAA và Napster có thể đồng ý với điều luật này cho thấy tình trạng hỗn loạn của bản quyền âm nhạc hiện tại.
Tham khảo The Verge.
Những tính năng hấp dẫn của Spotify
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet