Sony Cyber-shot T200 là một trong những máy ảnh đẹp nhất hiện nay. Ảnh: Dpreview. |
Nếu phải kể tên những mẫu máy ảnh đang khiến các tín đồ thời trang xôn xao nhiều nhất trong thời gian gần đây, hẳn Sony Cyber-shot T200 xứng đáng được nhắc đến. Không được trang hoàng bằng những màu vỏ mới, chỉ được cải tiến về bộ khung so với bậc tiền bối T100, nhưng chiếc máy ảnh thời trang này lại gây ấn tượng mạnh với màn hình cảm ứng 3,5 inch.
Thiết kế
Khi mua những đồ số như điện thoại di động hay máy ảnh, người mê thời trang thường không quan tâm nhiều đến những cuộc đua về công nghệ. Chỉ cần có ngoại hình đẹp, một chiếc máy ảnh 3 Megapixel có khi còn được đánh giá cao hơn những chiếc máy ảnh độ phân giải cao hay zoom "khủng".
Các tin liên quan |
*Sony A700 - thành viên mới của gia đình Alpha |
*Sony T20 - thời trang hơn, chất lượng cũ |
*12 'chấm' chưa phải đã hay |
Giống như người tiền nhiệm T100 của mình, Sony Cyber-shot T200 cũng có một vẻ đẹp lung linh, với sức hút cực lớn. Nhiều chi tiết từng làm nên danh tiếng cho T100, từng giúp nó giành chiến thắng trong rất nhiều cuộc bình chọn khác nhau giờ đây vẫn được Sony "truyền" lại cho T200. Trong số đó, phải kể đến đầu tiên là chiếc nắp đậy ống kính dạng trượt, với cơ chế chuyển động rất êm và mượt mà. Không chỉ bảo vệ ống kính, chiếc nắp đậy này còn bảo vệ luôn cả đèn flash và micro cho máy. So sánh với nhiều đối thủ, chiếc nắp đậy ống kính dạng trượt của Sony vẫn được đánh giá cao hơn về chất lượng cũng như tính thời trang.
T200 có nắp đậy ống kính dạng trượt. Ảnh: Cnet. |
Tuy nhiên, chiếc máy ảnh mới này cũng được cách tân ở một số chi tiết, như những phím bấm ở mặt sau đã biến mất hoàn toàn, nhường chỗ cho chiếc màn hình cảm ứng có đường chéo lên tới 3,5 inch. Ở mặt trên của máy vẫn được bố trí một số phím bấm, nhưng trông chúng khá chật chội, tù túng.
Cảm giác đó sẽ nhanh chóng trôi đi khi màn hình cảm ứng được bật lên. Không chỉ khiến người dùng có cảm giác như đang xem TV, góc nhìn khá lớn của màn hình còn giúp người chụp có thể ngắm được những bức ảnh ưng ý ngay cả khi đang đứng gần như vuông góc với vật thể cần chụp. Nếu những tay máy kinh nghiệm không đánh giá cao màn hình LCD như kính ngắm quang, thì những người chụp phổ thông sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi ngắm qua màn hình có kích thước lớn. Không những thế, màn hình này còn cho phép người chụp lựa chọn điểm lấy nét bằng cách "chạm" vào vị trí muốn lấy nét trong khung hình. Vì là màn hình dạng cảm ứng nên T200 cũng có nhiều phím nóng hơn so với T100, giúp người dùng cũng dễ sử dụng hơn.
Chạm tay vào màn hình để chọn khu vực lấy nét. Ảnh: Dpreview. |
Tính năng
Màn hình LCD có đường chéo lên tới 3,5 inch là điều mà bất cứ một chiếc máy ảnh nào cũng thèm khát. Tuy nhiên, Sony Cyber-shot T200 không sử dụng toàn bộ màn hình để ngắm, mà chừa ra hai dải đen ở hai bên để dành cho các phím chức năng dạng cảm ứng. Ngay cả khi xem lại ảnh, người dùng cũng không thể xem ở chế độ toàn màn hình.
Trong cả hai trường hợp kể trên, T200 chỉ sử dụng một phần màn hình có đường chéo 2,8 inch để hiển thị. Như vậy, trên thực tế, khả năng hiển thị của T200 vẫn thua kém T100, bởi T100 có thể hiển thị toàn màn hình với kích thước đường chéo 3 inch. Thêm vào đó, tuy được trang bị một chế độ hiển thị theo định dạng widescreen, nhưng màn hình của T200 chỉ đơn thuần thực hiện việc cắt ảnh về tỷ lệ 16:9, khiến cho khá nhiều chi tiết bị mất đi.
Màn hình của T200 có chế độ hiển thị widescreen. Ảnh: Letsgodigital. |
Trong chế độ xem lại ảnh, người dùng có thể điều chỉnh màu sắc, sửa lỗi mắt đỏ, và thêm vào bức ảnh những hiệu ứng khác nhau như mắt cá hay thêm các lớp bóng. Tất cả đều được thực hiện ngay trên máy. Hầu hết những tính năng này cũng đều đã xuất hiện trên T100, nhưng với màn hình cảm ứng của T200, việc vận hành chúng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
Sony Cyber-shot T200 cũng có thể truy xuất các bức ảnh hoặc các file nhạc MP3 ra TV thông qua dây cáp. Ngoài ra, những chức năng chính của T200 vẫn được thừa hưởng nguyên vẹn từ T100, bao gồm cảm biến 8 Megapixel, độ nhạy sáng tối đa ISO 3.200 và ống kính zoom quang 5x. Tuy nhiên, T200 hơn người tiền nhiệm ở chỗ được Sony trang bị cho 10 chế độ cảnh mặc định khác nhau.
T200 được trang bị 10 chế độ cảnh mặc định. Ảnh: Imaging-resource. |
Hoạt động
Đáng tiếc là trong các lần chụp thử nghiệm, T200 đã không duy trì được tốc độ hoạt động vốn được cho là cao của T100. Chiếc máy mất 1,98 giây để khởi động. Khi chụp xong bức ảnh đầu tiên, tổng thời gian lên tới 3,8 giây. Như vậy, tốc độ hoạt động của T200 còn chậm hơn cả Lumix FX-33 mới ra của Panasonic (2,9 giây).
Tốc độ chụp trung bình 1,58 giây/bức ảnh với điều kiện không bật flash cũng chỉ được xếp hạng xoàng nếu so với những đối thủ có cùng cảm biến 8 chấm khác. Trong khi đó, trễ mở cửa trập lên tới 0,9 giây cũng khiến T200 trở thành một trong những chiếc máy ảnh có tốc độ "rùa" nhất hiện nay. Tuy nhiên, chiếc máy ảnh thời trang này cũng gỡ gạc lại chút danh dự với tốc độ chụp liên tiếp 2,1 khung hình/giây, một trong những tốc độ chụp liên tiếp nhanh nhất đối với một chiếc camera 8 "chấm".
Tốc độ hoạt động của T200 khá kém cỏi. Ảnh: Cnet. |
Chất lượng ảnh
Tuy có chất lượng ảnh khá cao, nhưng Sony Cyber-shot T200 vẫn bị chỉ trích về lượng nhiễu trong những bức ảnh chụp được. Ngay ở ISO 400, nhiễu đã xuất hiện với số lượng khá nhiều. Mặc dù có độ nhạy sáng tối đa là 3.200, nhưng trên thực tế, 800 có lẽ là mức ISO cao nhất mà người dùng chiếc máy ảnh này có thể sử dụng nếu muốn có một bức ảnh xem được.
Tuy nhiên, các tua diềm màu tía thường gặp ở nhiều đối thủ khác thì lại không thấy xuất hiện trong những bức ảnh chụp bởi Sony Cyber-shot T200. Thêm vào đó, khả năng canh nét tự động của chiếc máy ảnh này cũng rất chuẩn, mang đến độ sắc nét rất cao cho bức ảnh chụp được.
Ảnh chụp bởi T200 bị nhiễu khá nhiều. Ảnh: Gadgetell. |
Khả năng cân bằng trắng tự động của T200 cũng rất đáng khen. Trong hầu hết các điều kiện ánh sáng, dù là trong môi trường ánh sáng đèn huỳnh quang hay đèn vonfram, máy cũng cân bằng trắng khá chuẩn. Tuy nhiên, Sony lại không trang bị cho chiếc máy ảnh này khả năng cân bằng trắng chỉnh tay.
Giá tham khảo tại Việt Nam: 415 USD.
Anh Linh (theo Cnet)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet