Tại các nước miền nam châu Phi, điển hình là zimbabwe , sâu bướm Mopane là một trong những món ăn phổ biến ở cả nông thôn lẫn thành thị. Họ có thể ăn khô hoặc nấu chín cùng nước sốt. Đây là một món ăn có giá trị dinh dưỡng cao và ngày càng được ưa chuộng.
Sâu bướm bám đầy trên cây Mopane nên người dân địa phương dùng tên này để đặt riêng cho chúng. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là cuối giai đoạn ấu trùng và trước khi nở thành bướm và sau mùa mưa.
Kích cỡ trung bình của sâu bướm khi thu hoạch sẽ dài khoảng gần một bàn tay và to cỡ một điếu xì gà. Sâu bướm có thể gỡ dễ dàng bằng tay, nhưng với những con cứng đầu, nó sẽ tiết ra một chất dịch nhầy trơn trượt để trốn thoát khỏi tay người bắt.
Cận cảnh bắt sâu bướm ở Zimbabwe. Ảnh: Tsvangiray Mukwazhi |
Đến giai đoạn sơ chế, Mopane sẽ bị ép bỏ ruột, luộc với nước muối rồi phơi nắng hoặc hun khói để tăng mùi vị. Trong mùa thu hoạch, các cổng và tường nhà sẽ “được” bao phủ bởi hàng nghìn con Mopane phơi khô trong nắng nóng. Cuối cùng, chúng được đóng túi và bán tại các khu chợ nông thôn ở Zambia, Zimbabwe, Botswana, nam phi và Namibia.
Tại các khu chợ địa phương, người dân thường mua một đến hai cốc Mopane và ăn ngay lập tức. Đa phần người bán đều cho phép ăn thử để cảm nhận hương vị. Thường Mopane sẽ được phân loại theo kích cỡ và khu vực thu hoạch. Có nhiều vị khách khó tính thậm chí còn hỏi về nguồn gốc và sau đó chọn mua ở một địa phương khác vì theo họ, sản phẩm ở nơi đó có mùi vị độc đáo hơn.
Sâu bướm phơi khô sau khi đã qua sơ chế. Ảnh: Tsvangiray Mukwazhi |
Một chuyên gia dinh dưỡng người Zimbabwe, ông Marlon Chidemo cho hay: “Sâu bướm Mopane được ưa thích bởi giá trị dinh dưỡng với hàm lượng protein cao gấp 3 lần thịt bò. Thành phần chủ yếu trong món ăn này là sắt và canxi. Thậm chí việc ăn Mopane còn góp phần bảo vệ môi trường và hạn chế việc sát hại động vật”.
Quan trọng hơn, Mopane đòi hỏi rất ít nguồn lực sản xuất ra nó nên dần trở thành một ngành công nghiệp thực phẩm trị giá triệu đô, đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, nạn phá rừng và khai thác quá mức đang là vấn đề then chốt ảnh hưởng đến nguồn cung của món ăn giàu dinh dưỡng này.
Xem thêm: Những món ăn kinh dị trên thế giới
Hải Thu
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet