Chùa Ngọc Bích nằm liền kề cung điện Hoàng gia Campuchia, nhìn ra sông Tonle Sap. Ngôi chùa còn được nhắc đến với cái tên chùa Vàng, chùa Bạc.
Chuyến tham quan thành phố bắt đầu từ chùa Ngọc Bích, một trong những kiến trúc tinh tế nhất của Campuchia. Nền nhà của gian điện chính được lát bằng 5.000 viên gạch bạc. Trong chùa có hàng nghìn tượng phật to nhỏ được đúc bằng đồng, nhưng linh thiêng nhất là tượng Phật bằng ngọc bích và xá lị Phật được thỉnh từ Sri Lanka về.
Hoa sala trước cổng chùa.
Trong một góc vườn, bốn cây sala, loài cây thiêng của đức Phật nở hoa thơm ngát cả khu vực chùa và hoàng cung. Không biết tên cây và sự tích của loài hoa này từ đâu, chỉ biết là hoa nhìn rất lạ, nở đầy từ các nhánh mộc mạc, hương thơm ngọt. Hoa ôm trọn một bức tượng Phật nằm dưới gốc cây. Anh hướng dẫn kính cẩn chiêm bái nói đó là loài hoa sala, hoa thiêng của đất Phật.
Hoa nở quanh tượng Phật.
Sala là loại cây thân gỗ, có thể cao tới 30 đến 35 m. Hoa sala mọc thẳng ra từ thân cây, suốt từ gốc lên, chùm hoa dài ra liên tục có thể tới 2 đến 3 m, quả lớn tròn to đường kính có quả tới 20 cm. Tán cây rậm rạp, hoa sala rất đẹp và thơm, những cánh hoa dày, bung nở vào buổi sáng. Khi kết trái, mùi sala chín rất hôi. Khi trái chín nẫu và nồng nặc là lúc hạt đủ già để tách vỏ, rơi xuống và mọc mầm cây mới. Đó cũng là quy luật sinh diệt mà nhà Phật dùng cây sala để tượng trưng. Tương truyền, Đức Phật đã được đản sinh ở gốc cây sala trong vườn Lumbini (Lâm-tì-ni) và nhập diệt giữa 2 cây sala tại Kusinara (Câu-thi-na). Vì thế ngày nay, ngoài cội bồ đề, cây sala cũng được trồng tại các khuôn viên của các chùa và là cây thiêng của Phật giáo.
Cây sala trong chùa Ngọc Bích.
Ở miền Nam Việt Nam, cây có trồng ở các chùa như chùa Xá lợi, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Tăng Quang ở Huế. Cây sala còn được gọi là cây vô ưu, ngọc kỳ lân, đầu lân hay hàm rồng.
Một cơn mưa đi qua thành phố, những bông hoa sala đón nhận làn nước mưa mát mẻ và càng tỏa hương thơm dịu.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet