Những con đường lên Điện Biên, đường nào cũng khó khăn và dài hơn 500km. Vào thời điểm đèo Pha Đin (Phạ Đin) nối giữa Sơn La và Điện Biên chưa hoàn thành, con đèo này là "cơn ác mộng" với cánh lái xe bởi những đèo dốc trùng trùng với những dốc dựng đứng suốt 32km chiều dài.
Dưới chân đèo còn lác đác vài bản, lên gần đến đỉnh đèo thì hầu như không còn bản làng nào nữa. Chỉ có trời xanh và núi rừng thăm thẳm hoà quyện lấy nhau, vô cùng hùng vĩ. Sau khi đèo hoàn thành, con đường nối với Điện Biên trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn trước. Những ngày tháng ba, mọi cánh rừng đều nở trắng hoa ban, loài hoa của riêng mảnh đất này.
Tháng ba, cả Điện Biên trắng trời hoa ban.
Con đường khác đến với Điện Biên là chạy dọc sông Mã anh hùng, qua Điện Biên Đông, vắt qua Mường Luân. Đó là con đường tôi đã vượt để tránh đèo Pha Đin thời điểm đó đang làm. Một con đường sẽ làm nản lòng bất cứ tay chạy xe máy nào khi đi xuyên qua những làng bản sát biên giới Việt - Lào. Đường cấp phối lổn nhổn đá sỏi không kém khó khăn.
Một con đường khác rẽ từ ngã ba Tam Đường sang Lai Châu rồi chạy về Điện Biên. Con đường này một phía vòng từ Lào Cai vượt đèo Ô Quy Hồ sang và phía kia vượt đèo Khau Phạ, xuyên Than Uyên tới, đều bắt đầu rẽ vào ngã ba Tam Đường. Đường nào cũng xa và đi giữa bát ngát mây trời, giữa núi non muôn trùng.
Đường lên Điện Biên nay đã sửa sang đẹp đẽ mà vẫn khó khăn như thế, huống hồ những năm chiến tranh sẽ khó đến nhường nào. Vậy là từ A Pha Chải, tôi cùng những người bạn vòng về đất Điện Biên ngay khi vừa đặt chân xuống núi. Quãng đường không ngắn nhưng thấy lòng náo nức vì lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất nổi tiếng lịch sử này.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ngay trung tâm thành phố. Ảnh: Wiki.
Thành phố Điện Biên Phủ không lớn với quy hoạch tổng thể đơn giản, một vài con phố chạy ngang dọc. Phố xá rộn ràng vào buổi sớm khi mọi người bắt đầu đến giờ đi làm. Mấy đứa chúng tôi sau một vài phút café với chủ nhà, lắng nghe những câu chuyện Điện Biên xưa và nay, cùng nhau chạy xe một vòng quanh thành phố.
Cả mảnh đất này là khu di tích khổng lồ cho một chiến tích đã ghi danh lừng lẫy trong lịch sử nước nhà - chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Nào những nghĩa trang, những ụ pháo, những giao thông hào và bảo tàng về trận chiến. Ở bất cứ nơi đâu, hình ảnh của vị tướng chỉ huy Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn luôn hiện hữu.
Không khó để tìm đến những địa chỉ nổi bật cho lịch sử hào hùng. Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, trên đỉnh Tây Bắc có đài kỷ niệm. Trên đỉnh đồi, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Cạnh đó là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà viên quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam.
Giao thông hào và đường hầm nay đã phủ màu thời gian. Ảnh: Lam Linh
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát thuộc cánh đồng Mường Thanh, cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Bảo tàng Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.
Ấn tượng nhất với chúng tôi trong chuyến đi này là di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25km. Đây là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt chiến dịch Điên Biên Phủ hào hùng năm 1954. Nơi đây vẫn còn lưu giữ chòi canh, đài quan sát, căn hầm chỉ huy và thông tin liên lạc xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.
Mọi chứng tích đều im lìm dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ. Chúng tôi đi lặng lẽ giữa những chiến tích huy hoàng và đọc cho hết những tấm biển ghi về nơi đến. Lịch sử không phải ai cũng học thuộc, nhất là với những người con sinh sau và được sống trong hòa bình, nhưng niềm tự hào được sinh ra trong một dân tộc kiên cường và đang được đứng trên một mảnh đất anh hùng khiến ai nấy đều cảm thấy vinh dự. Đi bên chúng tôi, một nhóm những người cựu chiến binh tuổi đã xế chiều lặng lẽ tìm về ký ức.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet