Tuy nhiên, nếu không xử lý đúng cách, những loại quả này có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Tiềm ẩn nhiều dư lượng hóa chất độc hại
Chị Nguyễn Thị Hòa (Mỹ Đức, Hà Nội) vừa làm xong một lọ quất ngâm đường. Chị cho hay, cả cây quất cảnh mà chồng chị mua về chơi Tết có tới mấy trăm quả, quả nào cũng bóng và căng mọng.
Hôm mùng 10 Tết, vợ chồng chị mang cây ra ngoài vườn trồng. Thấy tiếc số quất còn trên cây, chị mang rổ bứt xuống rửa sạch rồi cho vào ngâm đường.
Chị bảo, quất cảnh vừa dùng chơi Tết vừa có thể ngâm thành nước uống, đây là sự kết hợp “2 trong 1”. “Ngâm từ giờ, đến tháng 5, tháng 6 lúc nắng nóng là có nước quất ngâm để mang ra pha uống, nhất là những hôm đi làm đồng, có cốc nước quất chua chua, mát mát thì còn gì bằng”, chị Hòa hào hứng nói.
Không những thế, với những quả quất vẫn còn xanh, chị Hòa cũng tận dụng “triệt để” để vắt vào nước mắm hoặc muối để chấm đồ ăn, tiết kiệm ít tiền mua chanh về dùng.
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên ăn quất cảnh hoặc phật thủ dùng để chơi Tết vì có thể còn tồn tại nhiều hóa chất độc hại.
Ngoài quất cảnh, chị Hòa còn dự tính sẽ tận dụng nốt quả phật thủ để làm mứt cho mấy đứa nhỏ nhà chị. Chị cho hay: “Mấy năm trước, sau khi dọn ban thờ tiễn các cụ, tôi thường bỏ quả phật thủ đi vì nghĩ không ăn được, chỉ để trang trí thôi. Gần đây, thấy nhiều người mách quả này có thể làm mứt, ngâm rượu hay pha trà đều được. Thế nên tôi dự tính năm nay sẽ làm mứt phật thủ để ăn cho đỡ lãng phí”.
Không riêng chị Hòa, chị Lê Thị Thanh (hàng xóm của chị) cũng thường có thói quen tận dụng quất cảnh để ngâm nước uống. Thậm chí, chị còn ăn trực tiếp vỏ ngoài của loại quất này vì cho rằng có thể trị giúp trị ho, giải cảm, tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của những người có kinh nghiệm trồng cây cảnh, trước khi cây quất hay cây phật thủ ra hoa kết trái các nhà vườn sẽ phun lên đó rất nhiều loại thuốc hóa học, thuốc trừ sâu với nồng độ đậm đặc. Càng tới gần ngày mang đi bán thì chủ vườn càng phun nhiều thuốc hơn để giữ màu, bảo quản quả khỏi rụng...
Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Văn Khải (nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hoá điện hóa), với những loại quả trên, dư lượng hóa chất độc hại đọng lại trên vỏ quả thậm chí ngấm vào cả bên trong quả là rất lớn.
Khi sử dụng loại quả “độc” này, mối nguy hiểm là có thật, nhưng một sớm một chiều người sử dụng chưa thể nhận biết được ngay mà phải qua một thời gian dài mới biết tác hại của nó. Vì thế, để đảm bảo cho sức khỏe, tốt nhất không nên ăn để tránh rước họa vào người.
Xử lý đúng cách để tránh gây hại
Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau.
Nếu vẫn muốn tận dụng phật thủ hoặc quất cảnh sau Tết thì phải sơ chế cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng để tránh gây hại cho cơ thể
Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa… đồng thời chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ…
Còn quả quất chứa nhiều vitamin A, C, B1, B11, và canxi, phốt pho, kali, kẽm... có tác dụng kiện tỳ, thông phổi, trừ đờm, trị viêm họng, ho cảm, giải rượu, có lợi cho người cao huyết áp.
Do vậy, sau Tết, nhiều người thường tận dụng các loại quả trên để chế biến thành đồ ăn như quất ngâm đường, mứt quất, quất làm gia vị hoặc mứt phật thủ, phật thủ ngâm rượu, phật thủ làm si-rô chữa bệnh ho...
Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia, những cách làm trên chỉ đảm bảo an toàn và phát huy tác dụng cho người dùng khi phật thủ hay quất cảnh phải được phát triển tự nhiên chứ không phải loại quất trồng trong điều kiện ô nhiễm, bị phun nhiều loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu độc hại với mục đích làm đồ trang trí trong dịp Tết.
Trong trường hợp vẫn muốn tận dụng những loại quả trên thì phải sơ chế cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng. Nếu chỉ rửa bằng nước lã sẽ chỉ sạch phần bụi bẩn bên ngoài, không có tác dụng khử độc tố.
Có thể ngâm quả qua vài lần nước muối để các chất độc ngấm sâu trong vỏ quả nhạt phai bớt hoặc ngâm trong các dung dịch rửa rau quả. Nếu có điều kiện, nên rửa các loại quả trên trong máy rửa hoa quả của các hãng uy tín sẽ yên tâm hơn. Sau khi ngâm, rửa kỹ, phơi quả ráo nước rồi mới cho vào lọ ngâm đường hay làm mứt tùy ý.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet