Bạn có thể đến thị trấn Sa Huỳnh bằng xe buýt, 45 phút có một chuyến xe buýt xuất bến tại bến xe Quảng Ngãi, giá vé 15.000 đồng.
Văn hóa Sa Huỳnh trên đầm An Khê
Đầm An Khê nay là khu vực du lịch của những người ưa thích về khảo cổ và lịch sử văn hóa. Ảnh: Panoramio.
Đầm An Khê cách thị trấn Sa Huỳnh khoảng 2 km về phía bắc, sát quốc lộ 1A nên rất thuận tiện cho đi lại. Chỉ cần đứng bên lề con đường là có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh vật trong đầm rộng hàng nghìn ha với vẻ bình lặng muôn đời nay. Đây cũng là nơi được nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909 khi tìm thấy một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc).
Văn hóa Sa Huỳnh đã tồn tại hơn 5.000 năm kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đây là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.
Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi (thành phố Quảng Ngãi) hiện lưu giữ và trưng bày hàng trăm hiện vật cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh như rìu đá, đồ trang sức, mộ chum và những bộ hài cốt của người cổ đại....
Bơi trong biển biếc Sa Huỳnh
Bơi xong, lên chòi mắc võng nằm ngủ dưới làn gió mát của biển và hàng dương, cuộc sống thật thú vị và đơn giản biết bao. Ảnh: Sahuynh.
Khu du lịch Sa Huỳnh nằm cách thị trấn khoảng 1,5 km với những đụn cát lớn che chắn đường ra biển và quốc lộ, khiến bãi biển hoàn toàn yên tĩnh. Biển chưa được khai thác nhiều, vẫn còn nguyên nét hoang sơ với những đường cong cong như vầng trăng non. Vốn nơi đây được đặt tên là Sa Hoàng bởi cát không trắng mà có màu vàng óng ánh rất đẹp. Nhưng vì chữ ‘Hoàng’ trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn nên buộc phải đổi thành Sa Huỳnh.
Bơi trên biển Sa Huỳnh, có những lúc chỉ mình bạn với biển xanh vì nơi đây rất vắng người. Lác đác vài ba quán hàng xiêu vẹo trên bờ cát. Có thể bãi biển này từng là nơi người xưa đã dùng làm bãi tắm khi đi biển, khiến cho việc được thỏa thích dưới biển xanh Sa Huỳnh càng thêm ý nghĩa.
Thử sức làm diêm dân
Phương thức làm muối vẫn đơn giản như bao đời nay, những hạt mồ hôi của các diêm dân đổ xuống cùng những hạt muối trắng lấp lánh. Ảnh: Quangngai.
Cách bến cảng Sa Huỳnh chừng 500 m về phía đông bắc là cánh đồng muối nổi tiếng với diện tích khoảng 500 ha, sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Dưới ánh mặt trời chói chang, vô số thửa ruộng nhỏ nối tiếp nhau tạo nên một cánh đồng chuyên dụng làm muối rộng lớn.
Nghề làm muối kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 7 trong năm. Một ngày làm muối bắt đầu từ sáng sớm. Thời điểm này là công đoạn làm đất, tưới nước biển lên sân phơi và rắc muối mồi. Đầu tiên phải ngâm cát và nước biển, sau đó đem cát đó phơi trên sân đất nện. Khi khô trên từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ. Nếu bất chợt có mưa trong ngày thì coi như mất trắng công. Sau khoảng 3 ngày nếu trời nắng to hoặc có gió nồm thì diêm dân (người làm muối) có thể thu hoạch thành quả lao động của mình.
Ngủ đêm trong thị trấn ven biển
Cá ngựa làm quà. Ảnh: Simon.
Sa Huỳnh bé xíu với những con đường làng nho nhỏ dẫn về phía biển. Thị trấn nghèo với nhiều cửa hàng bán đặc sản biển như mực khô, cá khô, tôm khô và một vài nhà nghỉ trọ cùng các khách sạn giá bình dân. Nổi tiếng nhất trong số các loại hải sản bán tại đây là cá ngựa có hình dáng ngộ nghĩnh vốn được các đấng mày râu ưa chuộng như một bài thuốc bổ. Ai đã dừng chân ở đây đều mua vài cặp về làm quà.
Khi đêm đầy sao nhấp nháy, thị trấn chìm trong giấc ngủ yên bình. Chỉ có gió biển không ngừng xen tiếng tàu ghe chạm nhau khe khẽ trên bến cảng và ánh trăng bàng bạc soi tỏ những rặng dừa đung đưa.
Lam Linh
vnexpress.net
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet