Bim bim chứa chất cấm
Mới đây nhất thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị này phối hợp cùng Công an thành phố Hà Nội, vào trung tuần tháng 9/2012 đã kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH SaSa Hà Nội (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức), trong quá trình sản xuất bim bim đã trộn đường Cyclamate.
Loại đường bị cấm dùng trong thực phẩm, có độ ngọt gấp 1.000 lần đường trắng thông thường. Sử dụng đường Cyclamate, khi vào cơ thể chúng không sinh năng lượng, không mang lại giá trị dinh dưỡng nào mà còn có thể tích luỹ gây độc cho gan, thận... thậm chí gây ung thư bàng quang.
Bim bim bị phát hiện có chất cấm
Hoa quả Trung Quốc dư thừa hóa chất
Trong quá trình kiểm tra rau quả, nông sản nhập vào Việt Nam từ tháng 8 đến nửa đầu tháng 9/2012, cơ quan kiểm dịch tại các cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn đã phát hiện 4 mẫu trái cây có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép từ 1,5-5 lần, gồm: 2 mẫu nho, một mẫu lựu và một mẫu mận. Trước đó, cũng đã phát hiện có hai mẫu nho và một mẫu khoai tây nhập của Trung Quốc có dư lượng vượt 3-5 lần.
Hoa quả Trung Quốc dư thừa hóa chất độc hại
Không những thế, Loại táo Fuji có xuất xứ từ Yên Đài, Trung Quốc rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Nhưng thông tin táo Fuji được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng quay lưng với loại táo này.
Chất bột trong các bọc nhựa chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen). Nhiều nông dân Trung Quốc trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu này.
Giá đỗ ủ hóa chất
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), sau khi dư luận thông tin về việc một số cơ sở sử dụng hóa chất để làm giá đỗ, Cục đã vào cuộc xác minh và phát hiện có việc sử dụng hóa chất này.
Theo đó, đoàn thanh tra củaCục Bảo vệ thực vậtđã kiểm tra đột xuất 7/33 cơ sở sản xuất giá ăn ở TP.HCM. Kết quả phân tích, rà soát, hóa chất có nguồn từ Trung Quốc do công ty TNHH Phú Dung, ở Giang Tô sản xuất. Các chất phát hiện gồm hoạt chất 6-benzylaminopurine thuộc nhóm cytokinin và gibberelin A28.
Cả 6-benzylaminopurine và gibberelin A28 mà người dân huyện Hóc Môn sử dụng để ủ giá đỗ chưa được phép sử dụng ở Việt Nam. Các hoạt chất này Việt Nam chưa nghiên cứu, khảo nghiệm nên được xem là không rõ nguồn gốc.
Giá đỗ cũng chứa hóa chất. (Ảnh minh họa)
Măng tẩm lưu huỳnh
Ngày 23/9, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) phối hợp với quản lý thị trường bắt giữ nhiều tấn măng cùng hàng trăm kg hóa chất độc... tại cơ sở của ông Lữ Văn May (xã Xuân Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Tang vật gồm 25 tấn măng tươi đã ngâm, tẩm lưu huỳnh, cùng 80 kg lưu huỳnh dạng cục, 0,4 kg thuốc nổ công nghiệp.
Trước đó, ngày 18/9, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng bắt giữ hơn 500 kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh và 118 kg lưu huỳnh ở hai cơ sở chế biến măng khô tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân.
Măng được tẩm lưu huỳnh. (Ảnh minh họa)
Theo các cơ quan chức năng, dùng lưu huỳnh sấy sẽ làm cho măng khô, có độ bóng, không bị ẩm mốc. Tuy nhiên đây là hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chứa lưu huỳnh nồng độ cao, lâu dài sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi; ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực; ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết. Nếu cấp tính thì có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực..
Trứng vịt bắc thảo ngâm hóa chất không rõ nguồn gốc
Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm Quận Bình Tân – TP.HCM hồi tháng 8/2012 đã phát hiện hàng nghìn quả trứng vịt bắc thảo ngâm hóa chất độc hại tại số nhà 60/3 đường Đất Mới, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân chưa kịp tiêu thụ.
Tại số nhà trên đoàn kiểm tra đã phát hiện có 1.426 trứng bắc thảo thành phẩm và hàng ngàn bao bì, nhãn mác mang nhãn hiệu Minh Trí. Theo đoàn kiểm tra, toàn bộ số trứng trên đều không có giấy phép kinh doanh, giấy kiểm dịch và không đăng ký chất lượng.
Trứng vịt bắc thảo ngâm hóa chất không rõ nguồn gốc. (Ảnh minh họa)
Nguồn trứng này không được chế biến bằng phương pháp truyền thống mà được ngâm bằng hóa chất không rõ nguồn gốc nên có thể tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm cho người sử dụng.
Dư thừa kháng sinh trong gà nhập lậu
Trong những tháng đầu năm 2012, việc nhập lậu gia cầm (gà thải loại không rõ nguồn gốc) đã có những diễn biến phức tạp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua kiểm tra các mẫu gà nhập lậu cho thấy, số mẫu có dư lượng thuốc kháng sinh quá giới hạn cho phép chiếm tới 20%. Vì vậy, loại gà này không an toàn nên các nước khuyến cáo người dân không ăn.
Gà nhập lậu chứa nhiều dư lượng kháng sinh. (Ảnh minh họa)
TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, khi ăn phải thịt gà có tồn dư kháng sinh chắc chắn sẽ có những tác hại đến người tiêu dùng bởi đây đều là những kháng sinh cấm dùng trong chăn nuôi. Nếu ăn nhiều loại thịt này, cơ thể con người sẽ tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, nhờn thuốc kháng sinh nên khi chúng gây bệnh cho người thì rất khó điều trị.
Hải sản nhiễm virus độc hại
Qua tiến hành khảo sát và xét nghiệm 40 mẫu hải sản các loại tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, mỗi loại 5 mẫu, số lượng 300g/mẫu, gồm nghêu, sò huyết, sò lông, chem chép, sò vẹo, sò đá, móng tay, hàu… cho thấy, có 12/40 mẫu hải sản nhiễm Noro virus nhóm GI và GII.
Một số mẫu hải sản nhiễm virus độc hại. (Ảnh minh họa)
Noro virus là một trong những tác nhân gây tiêu chảy hiện nay ở người lớn và trẻ em (chủ yếu là người già) với tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt trẻ em thường bị mắc Nori virus (virus này là nguyên nhân thứ 2 sau rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ em).
Theo TS. Nguyễn Vân Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Khi ăn phải hải sản tươi sống hoặc thức ăn, nước uống có nhiễm vi rút này, với thời gian ủ bệnh từ 24 đến 48h, một số người có thể bị tiêu chảy cấp dữ dội, đi tiêu 10-20 lần trong ngày, trong vòng 1-2 ngày rồi tự khỏi. Vi rút này có thể gây nhiễm không có triệu chứng (người lành mang trùng).
Triệu chứng chung của bệnh do NoVs là nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau nhức các bắp cơ, sốt nhẹ và nóng lạnh. Trong đó, trẻ em thường nôn mửa nhiều hơn người lớn.
Con đường truyền nhiễm chính của loại vi rút này là qua thực phẩm, nước, không khí và lan truyền từ người sang người. Thậm chí, thực phẩm nấu chín rồi nhưng bát đĩa, nồi xong mà không hợp vệ sinh thì cũng là nơi nảy nở sinh sôi, truyền nhiễm vi rút này. Ở nước ta cũng đã có trường hợp nhiễm vi rút này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet