Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp một số vấn đề cơ bản về root điện thoại Android.
Root là gì và vì sao cần root máy?
Nhiều người dùng sử dụng smartphone một cách đơn thuần, nhà sản xuất cung cấp gì thì dùng thế. Nhưng cũng có nhiều người luôn muốn khám phá tận cùng công nghệ, thích mày mò "vọc" đến cùng chiếc smartphone của họ. Thông thường những người vọc smartphone luôn có nhu cầu tìm hiểu sâu vào hệ điều hành, họ muốn vượt qua những hạn chế của nhà sản xuất cài đặt sẵn và hoàn toàn làm chủ thiết bị.
Nếu bạn muốn thực sự làm chủ thiết bị Android như cài đặt một bản ROM đã được tùy biến (custom ROM), điều chỉnh xung nhịp và điện thế cho CPU (Overclocking - chỉnh xung nhịp và Undervoltage - chỉnh điện thế) nhằm tăng tốc độ xử lý hoặc tiết kiệm pin, bổ sung các tính năng mà mặc định trong máy không hỗ trợ (ví dụ cài thêm Beats Audio, xLoud...) hoặc gỡ bỏ hoàn toàn những ứng dụng được nhà sản xuất cài đặt sẵn trên smartphone Android mà bạn chẳng bao giờ dùng tới (bloatware) để tiết kiệm bộ nhớ và cải thiện tốc độ, khi đó bạn sẽ cần phải root máy.
Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản root chính là chiếc chìa khóa giúp bạn tiếp cận những gì đã được nhà sản xuất smartphone Android khóa lại hoặc hạn chế không muốn người dùng can thiệp vào. Một khi chiếc smartphone của bạn được root thành công, bạn sẽ thực sự làm chủ thiết bị của mình. Nếu bạn đã hiểu vì sao cần phải root và muốn root chiếc smartphone Android của mình, hãy đọc tiếp phần sau.
Root như thế nào?
Như đã nói ở trên, root chính là chìa khóa giúp bạn gỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế của nhà sản xuất smartphone áp dụng trên thiết bị nhằm tránh việc người dùng can thiệp quá sâu vào hệ thống. Chính vì những hạn chế này do nhà sản xuất thiết lập nên cách root máy cũng sẽ không bao giờ được nhà sản xuất tiết lộ. Những phương pháp root smartphone Android hiện nay đều do những nhà phát triển phần mềm di động (developer) nghiên cứu và giới thiệu trên các diễn đàn chuyên về phát triển phần mềm dành cho các lập trình viên, dĩ nhiên là sẽ kèm theo những hướng dẫn chi tiết của mỗi phương pháp để người dùng cuối có thể thực hiện được.
Phương pháp root dành cho mỗi hãng sản xuất smartphone là khác nhau, một số smartphone Android có thể root dễ dàng chỉ với một vài click chuột và đợi trong vài phút, nhưng cũng có những smartphone muốn root thành công cần phải trải qua rất nhiều bước trước đó và thời gian hoàn tất cũng khá lâu.
Một trong những cách root smartphone đơn giản nhất hiện nay là sử dụng một công cụ (tool) root máy tự động mang tên . Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng không phải tất cả smartphone Android trên thị trường đều được tool này hỗ trợ mà chỉ có một số smartphone được hỗ trợ (xem danh sách máy hỗ trợ trên website này). Nếu máy của bạn nằm trong danh sách các smartphone được hỗ trợ, bạn hãy làm như sau:
- Bật chế độ USB Debugging mode (chế độ gỡ rối USB dành cho các nhà phát triển phần mềm) trên thiết bị Android (bạn truy cập vào Settings > Applications > Development > chọn USB Debugging mode để kích hoạt chế độ này).
- Kết nối thiết bị Android với PC bằng cáp dữ liệu USB đi kèm máy. Nếu máy hỏi chọn chế độ kết nối nào (chế độ sạc pin, chế độ kết nối ổ đĩa...), bạn chọn chế độ sạc pin.
- Chạy chương trình Unlock Root và nhấn nút Unlock Root là xong.
- Sau khi hoàn tất quá trình root máy, bạn hãy khởi động lại thiết bị Android và sẽ thấy một biểu tượng chương trình có tên SuperUser trong menu ứng dụng. Đây chính là phần mềm quản lý các ứng dụng cần truy xuất quyền root trên máy Android và cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đã root máy thành công.
Một số máy Android mặc định đã bị nhà sản xuất khóa bootloader (như HTC, Motorola) vì thế root những smartphone của các hãng này thường sẽ phức tạp hơn khi bootloader bị khóa. Nếu bạn đang có trong tay một chiếc smartphone HTC, trước khi root máy bạn cần phải mở khóa bootloader trước. HTC đã cung cấp giải pháp mở khóa bootloader trực tuyến tại địa chỉ http://htcdev.com/ để người dùng cuối tự thao tác (lưu ý rằng việc mở khóa bootloader sẽ dẫn tới máy bị mất bảo hành và đồng thời toàn bộ dữ liệu trên máy hoặc thẻ nhớ sẽ bị xóa sạch vì thế bạn cần thực hiện sao lưu tất cả dữ liệu trước khi tiến hành). Sau khi mở khóa bootloader thành công, bạn sẽ dễ dàng root máy. Vì mỗi smartphone của các hãng khác nhau cần có những cách khác nhau để root nên trong phạm vi bài viết này sẽ không đi sâu vào hướng dẫn root cho từng dòng máy cụ thể mà chỉ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về root.
Root máy có rủi ro gì và khi nào bạn nên root máy?
Như đã nói ở phần trên, nhà sản xuất không bao giờ hướng dẫn hoặc cung cấp cho người dùng các công cụ dùng để root máy, những công cụ root máy và các hướng dẫn root đều do các lập trình viên nghiên cứu, phát triển nên điều đó cũng có nghĩa là root máy cũng sẽ có những rủi ro nhất định.
Một trong những rủi ro lớn nhất mà người dùng gặp phải khi root máy đó là mất bảo hành từ nhà sản xuất vì root chính là tự ý can thiệp vào hệ điều hành được cài đặt sẵn và có thể dẫn tới máy chạy không ổn định hay phát sinh các lỗi ngoài ý muốn. Tuy nhiên song song với việc tìm ra cách root, các lập trình viên cũng tìm được cách thức gỡ root (unroot) để đưa máy trở về tình trạng như ban đầu giúp bạn dễ dàng mang máy đi bảo hành hoặc vì lý do nào đó bạn không cần tới root nữa nên bạn cũng đừng quá lo lắng.
Ngoài vấn đề với bảo hành ra hầu như khó có thể tìm thấy rủi ro nào khác khi bạn root máy vì sau khi root xong hầu như smartphone của bạn không có thay đổi lớn nào ngoài biểu tượng SuperUser trong khay ứng dụng, đồng thời bạn có thể cài đặt và sử dụng được các ứng dụng cần có quyền truy cập root access như Titanium Backup, các tiện ích chụp ảnh màn hình cần quyền root hoặc các ứng dụng hệ thống điều chỉnh xung nhịp CPU như SetCPU hay System Tuner...
Vậy bạn đang tự hỏi khi nào mình nên root máy? Bạn nên hoặc cần phải root máy khi bạn muốn làm những việc mà chiếc máy chưa root không thể thực hiện được ví dụ: sử dụng phần mềm Titanium Backup để sao lưu các ứng dụng đã cài đặt hay gỡ bỏ các ứng dụng được nhà sản xuất cài sẵn, sử dụng SetCPU để ép xung CPU của smartphone giúp máy chạy nhanh hơn hoặc giảm xung nhịp để pin dùng lâu hơn, chỉnh sửa các file hệ thống theo ý muốn... Bạn chỉ nên root máy sau khi đã đọc kỹ và hiểu rõ phương pháp root và đồng thời nắm được cả cách gỡ bỏ root (unroot) để trong trường hợp cần thiết có thể khôi phục lại máy về tình trạng ban đầu.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet