Danh tiếng phở Thìn Lò Đúc không chỉ giới hạn ở thủ đô, thương hiệu này đã được “xuất ngoại” và làm hài lòng du khách quốc tế. Tuy vậy, phở Thìn ngon hay không đủ ngon, hương vị giống hay không còn như xưa vẫn là điều gây tranh cãi.
Ở Hà Nội, có những gia đình suốt bao nhiêu năm vẫn giữ thói quen đi ăn phở thìn lò đúc mỗi sáng cuối tuần, lại có những thực khách kiên quyết tẩy chay địa chỉ này sau một lần đến ăn thử. Quán không giữ khách, nhưng không có ai phủ nhận đây là một trong những quán phở đông khách nhất nhì Hà thành.
Trong khi các quán phở khác phục vụ từ phở gà đến phở bò, từ tái gầu đến chín nạm, ở đây chỉ có duy nhất món phở bò tái lăn . Ảnh: Phiêu Linh |
Thịt bò của món phở ở đây không được nhúng tái mà mang xào nhanh trên chảo lớn với đủ gia vị, hành tỏi, gừng tươi rồi mới cho vào bát. Bởi vậy mà không chỉ thịt thơm, đậm đà, nước dùng còn khá ngậy với lớp mỡ nóng già bên trên. Không có sự chiều khách nào ở đây, quán chỉ phục vụ một món cho những ai thực sự muốn thưởng thức nó.
Hành lá cắt thành cọng dài, phủ xanh ngập cả mặt bát phở, nhưng khi trộn lên bạn mới thấy thịt bò được cho khá nhiều ở dưới. Nguyên liệu này rất tốt cho sức khỏe, đồng thời là thành phần quan trọng trong việc tạo nên hương vị đầy đủ của món ăn.
Quán áp dụng phương thức “trả tiền trước, phục vụ sau”. Ảnh: Phiêu Linh |
Nhiều thực khách đến quán lần đầu khi đang lớ ngớ nhìn quanh tìm chỗ thì đã bị nhân viên chặn ngay ở cửa với một câu gọn lỏn: “Năm mươi ngàn một bát, trả trước!” Nhiều người khá phật ý bởi thái độ này, bởi quán trông bình dân đến nỗi nếu chỉ đi lướt qua sẽ không nhận ra. Bức ảnh một suất phở cùng giá niêm yết cũng được treo ngay ở khu bếp, cạnh lối vào.
Những ngày hè, ai nấy mướt mải mồ hôi nhưng vẫn cúi mặt xì xụp bát phở một cách ngon lành. Không gian quán hẹp, người đông đúc, quạt không đủ mát, bếp lại ở ngay gần chỗ ngồi. Thực khách ăn xong là rời quán ngay chứ không ngồi lại chuyện trò, nghỉ ngơi như ở nhiều không gian khác. Hỏi một vị khách quen nhà ở cách vài con phố, ông cho biết mình tìm thấy hương vị xưa cũ ở đây, và “cái văn hóa ăn uống khổ sở kiểu hà nội nhiều người không thích nhưng tôi lại cảm thấy gần gũi”.
Ngoài bàn ghế thông thường, quán còn thiết kế một dãy bàn ốp đá hoa sát tường để có thêm chỗ cho khách. Ảnh: Phiêu Linh |
Gọi trà đá để dùng kèm bữa ăn cho đỡ nóng, phục vụ lại tiếp tục buông lời cụt lủn: “Không có!” Do vậy, một khi đã yêu thích bát phở ở đây, lần sau đến ăn hãy cứ thong thả gửi xe rồi ngồi bên hàng nước gần đấy, nhờ nhân viên sang gọi bát phở mà ung dung thưởng thức. Có thể gọi thêm trứng chần và quẩy để ăn cho tròn vị theo cách của người Hà Nội.
Giá đắt hơn các quán phở bình dân khác, thái độ phục vụ vẫn không mấy cải thiện sau nhiều phản ánh của khách hàng, hương vị có người thích người không, vậy mà khách cả Tây lẫn ta vẫn nườm nượp kéo đến quán. Có thể nói ở Hà Nội không có quá nhiều những hàng ăn nổi tiếng lâu đời có sức hút đến thế, ai không thích thì không đến ăn, ai đã thích thì không thể đi xa mà không nhớ quay quắt một bát phở ngậy thơm vị bò.
Xem thêm: Hàng phở gà ba đời nổi tiếng ở Hà Nội
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet