“Trợ thủ” bếp núc
Với nhiều bà nội trợ, khi chế biến thực phẩm nướng, giấy bạc được coi là một “trợ thủ” đắc lực giúp món ăn không bị cháy xém cũng như có thể giữ lại nhiều dinh dưỡng nhất. Giấy bạc hay còn gọi là giấy nhôm, rất nhẹ, mỏng và đa dụng. Thành phần kim loại của nó giúp dễ tạo hình, từ đó dễ bọc, gói thực phẩm khi chế biến. Nhiều người cũng sử dụng nó để lót phía dưới lò nướng để hứng lượng mỡ thừa hoặc bọc kín thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh, tránh bị mất nước. Chính bởi những lợi ích này, giấy bạc dường như là vật dụng không thể thiếu trong mỗi căn bếp.
“Gà nướng là món ưa thích của gia đình mình. Trước đây, mình cứ cho gà vào nướng trực tiếp trong lò nên thường bị khô, chỗ cháy, chỗ vàng. Được chị đồng nghiệp mách, mình lấy giấy bạc bọc gà rồi mới cho vào lò thì thấy vị ngon ngọt hơn, màu sắc cũng đều đẹp hơn. Từ đó, bất kể món nướng nào mình cũng dùng giấy bạc. Do được chín từ từ mình hay dùng giấy bạc để nướng đồ ăn cho gia đình, vừa đảm bảo dinh dưỡng (do không bị bay hơi), vừa không bị cháy”, chị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Dễ nhiễm nhôm từ giấy bạc
Không chỉ được các bà nội trợ sử dụng trong căn bếp của mỗi gia đình mà ngay ở các nhà hàng, quán ăn, người ta cũng dùng giấy bạc để nướng thực phẩm. Hầu hết tất cả mọi người đều cho rằng “trợ thủ” này chỉ có lợi mà không hại. Tuy nhiên, các chuyên gia lại không nghĩ vậy.
Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), ưu điểm mà loại giấy này mang lại trong việc nướng thực phẩm là điều không thể phủ nhận. Khi nướng, giấy bạc sẽ giúp tạo ra một hình thể đồ nướng rất đẹp, giữ được các chất chứ không bị rơi rớt, biến đổi vì nhiệt độ. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng có thể dẫn đến một số nguy hại do nhiễm nhôm từ giấy bạc.
Vẫn theo PGS.TS Trần Đáng, ion nhôm trong giấy bạc có thể chui vào các tế bào của thực phẩm trong quá trình chế biến và nếu ăn phải, cơ thể chúng ta sẽ bị lão hóa nhanh. Các dấu hiệu có thể nhìn thấy là da dẻ nhăn nheo, đồi mồi, suy giảm tuổi thọ. Không chỉ vậy, khi nhôm tích lũy ở tủy xương, não hay các mô lành, nó sẽ gây tổn thương não, suy giảm trí nhớ. Hơn nữa, khi nướng ở nhiệt độ cao, nhôm trong giấy bạc sẽ phản ứng với canxi trong thực phẩm, tạo thành hợp chất khiến xương của chúng ta yếu đi.
Chính bởi những tác hại trên, PGS.TS Trần Đáng khuyến cáo các bà nội trợ cần dùng giấy bạc một cách thông minh, có hiểu biết. Theo đó, chúng ta không dùng giấy bạc để gói thực phẩm có tính axit, có độ chua vì dễ phản ứng với giấy bạc, khiến nhôm xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn.
Ngoài ra, nếu muốn nấu thức ăn bằng lò vi sóng, tuyệt đối không dùng giấy bạc vì sóng điện từ sẽ phá hoại giấy bạc cực nhanh, đẩy mạnh quá trình xâm nhập vào thực phẩm của các ion nhôm. Không chỉ vậy, việc này còn tạo ra những tia lửa điện, dễ gây cháy, nổ, hỏng lò.
Tương tự, bạn không nên dùng giấy bạc lót dưới lò nướng vì nhôm có thể bị cháy hoặc tan chảy dưới tác dụng của thanh nhiệt.
Cuối cùng, khi dùng giấy bạc trong lò nướng, trước khi cho thực phẩm vào, bạn nên quét một lớp dầu mỏng lên bề mặt giấy bạc. Điều này sẽ khiến thực phẩm không bị dính vào giấy bạc và hạn chế được sự xâm nhập của chất nhôm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet