Vợ chồng ly dị vì… không khí bẩn
Sự phát triển kinh tế tự do của Trung Quốc trong nhiều năm gần đây đã tác động tiêu cực tới môi trường. Ô nhiễm, đặc biệt là khói bụi tại các thành phố lớn khiến cho người dân bất bình, dẫn tới những bất ổn ngày càng tăng cao. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đã thảo luận và đưa ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu, nhưng thực tế, họ chưa hành động quyết liệt trong việc ngăn chặn khói bụi gây tác động xấu tới sức khỏe của hàng triệu người dân.
Cũng chính từ sự ô nhiễm này mà đã có một câu chuyện khiến người ta không biết là bi hay hài. Bởi nghe thoáng qua thì không ít người đã bật cười, nhưng suy sét kỹ càng hơn thì lại có những giọt nước mắt đang rơi. Đó là câu chuyện về người đàn ông họ Wang kết hôn năm 2008. Hai năm sau, vợ chồng ông đón nhận tin vui khi cậu con trai đầu lòng chào đời, tuy nhiên, cậu bé đã gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do ô nhiễm không khí nặng nề tại thủ đô Bắc Kinh. Do đó, vợ của ông Wang đưa cậu con trai tới một khu nghỉ dưỡng tại phía nam đảo Hải Nam để thoát không khí bẩn.
Không khí Ô NHIỄM ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Từ đó, mỗi lần hai vợ chồng gặp nhau, họ đều tranh cãi khá quyết liệt về việc có nên rời Bắc Kinh hay không. Không tìm được tiếng nói chung, chán nản, ông Wang quyết định ly hôn và nộp đơn tới tòa án Bắc Kinh.
“Khói bụi tàn phá sức khỏe của con trai tôi và nó cũng phá hoại cuộc hôn nhân của vợ chồng chúng tôi”, Wang chua xót nói. Trong khi ông Wang đang chờ đợi quyết định của tòa án thì vợ của ông vẫn chưa đưa ra ý kiến về lời đề nghị ly hôn của chồng.
Đến pháo hoa cũng phải hạn chế…
Pháo hoa xuất hiện cách đây hàng nghìn năm. Nó bắt đầu từ những quả pháo thô sơ của người Trung Quốc. Cho đến nay, đất nước này vẫn duy trì truyền thống sử dụng pháo đốt nói chung cũng như pháo hoa nói riêng vào các dịp lễ Tết hay những ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, trước tình hình ô nhiễm không khí đáng báo động ở Bắc Kinh thì… đến pháo cũng được đưa vào danh sách phải hạn chế để bảo vệ môi trường vốn dĩ không được sạch tại thành phố này.
Cụ thể, đợt tết Nguyên Đán chào mừng năm 2016 vừa rồi, theo dự báo thời tiết, độ ẩm không khí tại Bắc Kinh tăng cao và gió nhẹ trong ngày 18/2 (30 Tết âm lịch). Do vậy, chính quyền lo ngại các màn bắn pháo hoa trong đêm giao thừa sẽ khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô trở nên nghiêm trọng hơn.
Người dân Bắc Kinh phải giảm việc bắn pháo hoa trong dịp Tết âm lịch 2016 do vấn đề môi trường. Ảnh:SCMP
“Các chất gây ô nhiễm có thể lưu lại trong không khí một thời gian dài, trong khi điều kiện thời tiết bất lợi khiến các chất độc gây hại cho sức khỏe khó phát tán”, Trung tâm Giám sát Môi trường Bắc Kinh cho biết.
Cuối cùng, để hạn chế sự ô nhiễm không khí, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định cắt giảm 20% số lượng pháo hoa tiêu thụ so với năm ngoái. Họ cũng yêu cầu các cửa hàng bán lẻ cắt giảm thời gian bán pháo, từ 20 ngày xuống 11 ngày.
Không chỉ ở Trung Quốc, tại Milan (Ý), nơi được coi là ô nhiễm nhất Châu Âu, chính quyền cũng kêu gọi các quan chức địa phương hủy bắn pháo hoa truyền thống trong dịp năm mới 2016 để hạn chế ô nhiễm không khí. Điều này, tất nhiên sẽ khiến người dân vô cùng tiếc nuối, thế nhưng, nó là biện pháp thiết thực trong giai đoạn ô nhiễm không khí đang leo thang như thế này.
Cho con ra ngoài cũng trở thành… vấn nạn
Bên cạnh nỗi lo về sức khỏe, trong thời đại ô nhiễm này, các bậc cha mẹ còn một vấn đề đau đầu khác, đó là: có nên đưa con đến các khu vui chơi, giải trí ngoài trời hay không? Bởi lẽ, nếu đưa đi thì sức khỏe của trẻ sẽ bị đe dọa, nhưng nếu chỉ giữ trẻ ở nhà thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con. Bởi lẽ, thông qua các hoạt động ngoài trời, trẻ sẽ được tiếp xúc, gần gũi với thiên nhiên, đồng thời được khám phá thế giới rộng lớn xung quanh, được thoả mãn trí tò mò cũng như phát triển thể chất, ngôn ngữ, sự tự tin, óc quan sát...
Sự mâu thuẫn này khiến các bậc cha mẹ băn khoăn không biết phải làm thế nào mới đúng và thực tế, nó cũng là nguyên nhân gây ra những tranh cãi nảy lửa tại nhiều gia đình. Trong khi tình trạng ô nhiễm vẫn không thể kiểm soát được như hiện nay thì có lẽ, các cuộc tranh cãi sẽ chưa thể có hồi kết và hơn thế nữa là nhiều khu vui chơi chắc sẽ trở nên vắng khách trong thời gian tới.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet