Khi nhắc tới ô nhiễm không khí, người ta thường nghĩ đến những tác nhân bên ngoài như khói bụi, rác thải,…mà không hề nghĩ đến việc ngay bên trong ngôi nhà của bạn cũng tiềm ẩn nguy cơ này. Mới đây, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cũng khẳng định, mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thường cao gấp 2 - 5 lần so với ở ngoài trời. Bài viết này sẽ giúp các bạn nhận biết những tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà để từ đó có biện pháp khắc phục.
1. Khói từ hoạt động nấu ăn
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng lượng khói lớn tỏa ra từ quá trình xào, rán thức ăn có chứa lượng lớn acrolein và crotonaldehyde - những chất có thể tấn công ADN của người khi hít phải.
Không những vậy, loại khói này còn kích thích niêm mạc mũi, mắt, họng, làm tổn thương tổ chức tế bào của đường hô hấp, dễ dẫn đến các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm khí quản... Thường xuyên hít phải loại khói dầu ăn này còn có thể dẫn đến hen suyễn, từ đó tăng cao nguy cơ ung thư phổi.
2. Xe cộ để trong nhà
Ở các đô thị, do diện tích nhà ở chật hẹp nên đa số các gia đình đều có thói quen để xe cộ trong nhà. Dù đã tắt máy, nhưng những chiếc xe này vẫn tỏa ra nhiều không khí độc hại từ hơi xăng, nguyên liệu bị rò rỉ hay khí thải (nhất là với trường hợp dắt xe vào nhà trong tình trạng nổ máy). Theo các chuyên gia, những chất này sẽ làm ta khó thở, suy giảm trí nhớ, suy giảm miễn dịch, thậm chí là ung thư máu. Cơ quan Y tế Canada cũng đã từng phát đi thông điệp cảnh báo về sự nguy hiểm của benzene từ ô tô khi để nó sát ngay nhà. Chính vì vậy, nếu không có một khu vực để xe riêng, hãy cố gắng để xe gần cửa – giúp các loại khí độc dễ dàng bay hơi, tốt nhất là để ngoài sân, chỉ khi đi ngủ mới đưa vào nhà. Ngoài ra, xe cũng cần bảo dưỡng định kỳ để hạn chế tình trạng rò rỉ nguyên liệu.
3. Thiết bị nhiệt (bếp gas, máy sưởi, bếp lò..).
Thiết bị nhiệt, đặc biệt là bếp gas , bếp lò có thể tạo ra khí carbon monoxide (CO) gây ra nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí tử vong nếu không được thông gió đúng cách. Nó cũng có thể phát ra khí nitơ và các hạt bụi gây ra vấn đề hô hấp và viêm mắt, mũi, viêm họng. Do đó, khi nấu nướng cần mở cửa hoặc bật quạt thông gió để không khí có thể lưu thông trong nhà.
4. Khói thuốc lá
Khói thuốc lá chứa 2.000 - 5.000 thành phần, trong đó có 200 thành phần độc hại và 40 chất được cho là gây ung thư. Nhiều khảo sát cho thấy nồng độ benzene – chất có thể gây ung thư trên con người - ở những ngôi nhà có người hút thuốc thường rất cao. Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đánh giá có khoảng 30.000 trường hợp tử vong do ung thư phổi vì hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động). Không những thế, khói thuốc còn là nguyên nhân gây ra những cơn hen, cũng như làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn ở những trẻ đang mắc bệnh.
5. Sản phẩm điện tử và sản phẩm nhựa mới.
Hầu hết các loại đồ nhựa và vỏ một số sản phẩm điện tử đều được làm từ nhựa PVC – vật liệu có thể phát ra phthalates, chất có liên quan đến sự bất thường nội tiết tố và các vấn đề về sinh sản. Ngoài ra, nghiên cứu trên động vật cho thấy, các sản phẩm PVC có thêm tính năng chống cháy sẽ tạo ra những thay đổi về hành vi do hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng. Bởi thế, khi mua các sản phẩm này về, hãy để nó ở nơi thoáng khí cho đến khi không còn mùi nhựa mới nên sử dụng.
6. Các loại sơn tường
Ngày nay, tuy các nhà sản xuất đều ý thức được chất độc gây ung thư trong sơn tường và đưa ra các sản phẩm ít độc hại, tuy nhiên, thực tế nhưng hầu hết các loại sơn hiện đại ít nhiều đều có chất này. Đối với người lớn, loại chất này sẽ làm hỏng hệ hô hấp, ảnh hưởng đến mắt và gây đau đầu và buồn nôn. Đối với trẻ em, chất độc này có khả năng gây nguy hiểm gấp 10 lần đối với người lớn. Để hạn chế phần nào những tác hại này, nên sơn tường nhà và đồ đạc vào mùa hè, khi sơn phải mở hết cửa chính và cửa sổ. Trong thời gian trang trí nhà, sơn phòng, không nên có người sống trong nhà.
7. Bóng đèn huỳnh quang
Đèn huỳnh quang nếu vỡ ra có thể phát ra thủy ngân, một chất độc hại đối với thần kinh dù chỉ với số lượng nhỏ thoát vào không khí. Vì thế, không nên để đèn ở vị trí dễ vỡ, đặc biệt là nhà có trẻ em hoặc phụ nữ mang thai. Nếu bóng đèn huỳnh quang bị vỡ trong nhà bạn hãy mở cửa sổ, ra khỏi phòng ngay lập tức. Chờ khoảng 15 - 30 phút sau đó mới quay trở lại phòng và dọn dẹp cách mãnh vỡ. Trong quá trình làm sạch không sử dụng máy hút bụi vì nó sẽ đánh tan thủy ngân còn lại trong không khí.
8. Hợp chất hữu cơ bay hơi
Môi trường trong nhà có khoảng 100 hợp chất hữu cơ bay hơi từ nhiều nguồn khác nhau như vật liệu xây dựng, đồ đạc, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu...
Nhiều hợp chất hữu cơ bay hơi có thể gây nghiện và dẫn đến làm suy nhược hệ thần kinh Trung ương gây kích ứng cho mắt, mũi và họng, gây nhức đầu, choáng váng, rối loạn thị giác và nhiều tổn hại khác. Nhiều hợp chất hữu cơ bay hơi đo được trong nhà có khả năng gây ung thư cho người và động vật.
9. Các chất ô nhiễm có nguồn gốc sinh học
Bao gồm bào tử vi khuẩn từ cây, con bọ, lông từ các loài vật nuôi trong nhà, nấm, ký sinh trùng và một số loại vi khuẩn. Các loại này thường khó nhìn thấy trong không khí.
Những tác nhân này gây ra những dị ứng, dẫn đến viêm phổi, viêm mũi, và bệnh hen suyễn, biểu hiện ở hắt hơi, chảy nước mắt, ho, khó thở, chóng mặt, hôn mê sốt và rối loạn tiêu hoá. Trẻ em, người có tuổi, và những người đã có vấn đề về hô hấp, dị ứng, và bệnh phổi đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet