Thời gian gần đây, mốt cắm cành ô mai trở nên phổ biến trong cộng đồng những người yêu thích hoa. Thực chất đây là hoa bạch đàn quế, thuộc họ khuynh diệp nên có hương thơm rất dễ chịu. Sở dĩ gọi ô mai là vì bông hoa có hình dáng lẫn màu sắc giống những viên ô mai.
So với những loại hoa tươi phổ biến thì ô mai trông giống cành khô hơn, thân cây không lá khẳng khiu, phần quả cứng có màu xanh ghi nhưng lại nở ra hoa trắng muốt như bông tuyết. Chính sự tương phản giữa thô mộc và mềm mại ấy đã làm nên nét đẹp riêng biệt và sức hút của cành ô mai.
Bạch đàn quế có sự tương phản giữa thô mộc và mềm mại, hiện đại và cổ kính. (Ảnh: Đỗ Vy Anh).
Được biết, cành ô mai đã xuất hiện trên thị trường từ lâu nhưng chỉ là cành phụ, được cắm xen để tôn lên những loại hoa khác. Thời gian gần đây, ô mai mới được ưa chuộng và vươn lên hàng "chính cung". Anh Đỗ Vy Anh, hiện công tác tại các chương trình sự kiện liên quan đến hoa tươi, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản nhận định: "Hoa này màu sắc ghi xanh tông lạnh vừa hiện đại, khỏe khoắn lại vừa cổ kính cũ kỹ tuỳ khi kết hợp với bình lọ thủy tinh hay gốm sứ và phong cách, không gian trưng bày... Xưa nay ít được đánh giá đúng vì chỉ được xem là hoa phụ, điểm thêm và làm nền nổi bật hoa chính.
Nhưng tôi lại chuộng vẻ đẹp bình dị ấy mà đưa em ý về đúng nghĩa là một loại hoa có thể cắm riêng biệt mà không làm phụ dâu như trước đây".
Một góc chụp khác từ bình hoa ô mai của anh Đỗ Vy Anh.
Loại hoa kinh tế, ẩn chứa nhiều điều thú vị
Trên thị trường hiện nay, hoa ô mai dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/bó, được chị em yêu hoa đánh giá là mức giá khá dễ chịu, vừa vặn túi tiền. Đặc biệt một lọ hoa ô mai trưng được rất lâu, từ 1 tuần đến 10 ngày, thậm chí nếu cắm khô thì có thể để được 3 tháng.
Chị Nguyễn Phương Nga (Hà Nội) chia sẻ: "Vào đầu mùa, ô mai có giá từ 120.000 - 150.000 đồng/bó (5 cành) và hiện nay còn khoảng 100.000 đồng/bó. Theo mình, đây là mức giá khá hợp lý so với việc cắm các loại hoa khác. Ngoài cắm nước ấm để hỗ trợ hoa nở, chúng ta có thể chơi khô được khoảng 2 - 3 tháng, nhiều cửa hàng còn quảng cáo trưng được 1 năm. Sau khi chơi khô, mình còn có thể cắt nhỏ cành, cho thêm chút nước đặt vào đèn đốt tinh dầu giúp cả gian phòng thơm nức. Chúng ta tận dụng triệt để cành hoa này nên tính ra rất kinh tế luôn đó".
Bình hoa ô mai mộng mơ của chị Phương Nga.
Cành ô mai ẩn chứa nhiều điều thú vị làm người chơi mê mẩn. Chẳng hạn như mỗi bó ô mai chỉ nở hoa khoảng một nửa, còn lại là nụ khô xen kẽ hoa trắng, tạo nên bức tranh tương phản xinh đẹp. Mỗi bông đều có một cái nắp, khi bung nở sẽ tạo tiếng "tách" vui tai, vui mắt. Ngay cả việc cắm hoa trong nước hay chơi khô cũng mang đến thú vui riêng.
Nếu cắm nước ấm, hoa sẽ bung nở đúng thời điểm. Còn chị Nguyễn Vân (Hà Đông, Hà Nội) thì chọn cắm hoa khô: "Hoa ô mai có màu sắc lạnh nhưng lại mang lại cảm giác rất ấm, rất hợp với những không gian cổ kính và trầm mặc. Mình thích chơi khô, không cắm nước vì thích dáng hoa, để khô nhưng vẫn mềm mại. Ngoài ra, hoa không bị mốc khi chơi khô".
Không cắm nước, bình ô mai của chị Vân vẫn vô cùng xinh đẹp, trưng được rất lâu.
Hương thơm khuynh diệp dễ chịu
Mùi hương là điều mà hội yêu hoa nhắc đến nhiều nhất khi nói về ô mai. Tò mò về hương thơm được hội chị em bàn tán, chị Huyền Trần (Hải Phòng) đã quyết định tìm mua và cắm thử bình ô mai đầu tiên trong mùa hoa này. "Mùi hương đúng như lời đồn, mình rất thích". Bên cạnh đó, màu sắc và dáng hoa cũng rất thu hút, phù hợp với phong cách vintage mà chị yêu thích.
Được biết, cành ô mai có mùi tinh dầu khuynh diệp dễ chịu và thanh khiết, tạo cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng và giúp dễ ngủ. Ngoài ra, hương thơm này còn có tác dụng xua đuổi côn trùng, thích hợp trưng bày ở tư gia, phòng ngủ, spa,... Trưng ô mai không chỉ trang hoàng không gian mà còn xoa dịu tâm lý, mang lại sự ấm cúng cho góc trưng bày.
Vẻ đẹp cổ kính và hương thơm khuynh diệp của ô mai khiến chị Huyền Trần mê mẩn.
Lưu ý khi cắm hoa ô mai
Hoa ô mai trưng bền, thơm dai và cũng không đòi hỏi sự chăm sóc cầu kỳ. Dù vậy, để hoa nhanh nở cũng nhưng tươi lâu hơn, chị em cần lưu ý cách chọn và cắm hoa. Theo chị Thuỷ Nguyễn (Hà Nội), muốn ô mai ra hoa thì phải chọn quả già vì quả non không thể nở, dù mình có chủ động tách phần nắp vỏ quả. Chị Thuỷ cũng cho biết thêm: "Khi cắm, mình nên chẻ đôi gốc (giống như cắm tuyết mai) và thay nước hàng ngày. Cắm bằng nước ấm sẽ giúp ô mai bung vỏ và nở hoa".
Bình ô mai của chị Thuỷ chớm nở hoa.
Cắm hoa ô mai như thế nào, phối chọn với kiểu bình gì cũng là đề tài được nhiều chị em quan tâm. Chị Thu Thuỷ (Hà Nội, giảng viên - hoạ sĩ), một người yêu hoa và đang sáng tác với chất liệu gốm chia sẻ: "Hoa màu sắc ghi xanh tông lạnh, nên cắm một mình có thể hơi buồn nhưng nếu chọn bình gốm tông nâu sẽ tôn vẻ đẹp của cả hai. Ngoài ra có thể cắm ô mai cùng một số loại lá nhỏ như cúc mốc, cỏ đồng tiền… sẽ tạo sự tươi mới cho loài hoa giản dị và khiêm nhường này.
Nên cắm bình dáng cao, miệng nhỏ. Bình trơn không đắp nổi cầu kỳ mà chỉ chơi men một màu hoặc màu hoà sắc tương đồng".
Ô mai giản dị, không kiêu kỳ, dễ chơi và dễ chăm sóc.
Cận cảnh hoa ô mai bung nở. (Ảnh Thuy Nguyen Thu).
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet