Những ngày gần đây, khu vườn sân thượng nhà anh Võ Xuân Minh (sinh năm 1988) nhận được nhiều yêu mến vì được sắp xếp gọn gàng, cây cối xum xuê, "mát" mắt. Anh Minh chia sẻ, vườn sân thượng nằm trên tầng 4, toạ lạc ở quận Tân Bình, TP.HCM, được gia đình vun trồng từ đầu năm 2021.
Vườn sân thượng nhà anh Minh đẹp mắt, lúc lỉu rau trái.
Leo trăm bậc tháng, vác từng viên gạch xây vườn
Gia đình anh Xuân Minh có 3 thành viên gồm vợ chồng và một cô con gái nhỏ sinh năm 2016. Anh bắt đầu trồng trọt từ khá lâu nhưng sau Tết 2021, anh mới làm vườn lớn và trồng nhiều rau trái hơn. "Gia đình có con nhỏ nên mình bắt đầu trồng rau để sử dụng cho đảm bảo, hạn chế ăn rau phun thuốc bán ở ngoài. Sau này dịch bệnh bùng phát, đi chợ khó khăn, có vườn rất lợi. Từ tháng 4 đến bây giờ, nhà mình chưa phải đi chợ mua rau luôn", ông bố một con cho biết.
Trong quá trình vun đắp cho khu vườn gia đình, anh Xuân Minh gặp không ít khó khăn, vất vả nhất vẫn là công đoạn bưng bê và khuân đất. Anh bộc bạch: "Thời gian đầu vác gạch đá, xi măng lên sân thượng cũng vất vả lắm. Leo gần trăm bậc thang mới vác được chục viên gạch lên. Tính mình thích làm gì thì phải làm cho xong. Thế nên có hôm xây bồn đến khuya mới xuống ngủ, vì đam mê cả. Vợ chồng mình mỗi khi lên ngắm trái lủng lẳng thường đùa nhau, muốn mát con mắt thì phải còng lưng trước (cười)".
Chia sẻ lý do xây bồn gạch thay vì dùng thùng xốp hay chậu nhựa để đơn giản hơn, ông bố Sài Gòn cho biết anh ưu tiên tính lâu dài và an toàn. Dù xây bồn gạch vất vả hơn nhưng lợi thế là giúp tiết kiệm diện tích mặt đất, một bồn trồng được rất nhiều loại cây khác nhau nên chăm sóc tiện lợi hơn.
Tất cả các bồn trên sân thượng đều do anh Minh tự tay thiết kế và thi công. "Mình mua tấm xi măng 1,2m x 2m, dày 16mm làm đáy, kê một viên gạch lên cho khỏi thấm sàn rồi xây gạch cao lên.
Mình xây bồn thì không nên đục lỗ thoát dưới đáy, vì khi mưa lớn sẽ rửa trôi hết chất dinh dưỡng. Thay vào đó, nên để lỗ thoát ở bên hông, cách đáy khoảng 3cm, như vậy sẽ giữ lại được một ít nước, bớt rửa trôi chất dinh dưỡng nhưng không gây ngập úng", anh Minh chia sẻ kinh nghiệm xây bồn trồng rau.
Bồn trồng rau do chính tay anh Minh thiết kế và xây dựng.
Trồng rau trong bồn bền hơn thùng nhựa, tiết kiệm diện tích.
Tổng kinh phí ban đầu cho khu vườn rộng gần 100m2 là khoảng 20 triệu đồng, bao gồm tiền mua phân, đất và xây bồn. Theo anh Minh, đó là khoản đầu tư hợp lý vì khu vườn cho rau trái quanh năm. "Chỉ có đầu tư công sức và cả đam mê vào mới nhiều", 8X thổ lộ.
Mua hạt giống 10 nghìn, được dàn mướp dài cả mét
Vườn sân thượng của anh Xuân rộng 100m2, có nhiều nhóm rau khác nhau như rau xanh gồm cải, mồng tơi, rau lang. Cây leo có bầu, khổ qua, mướp hương, mướp rắn, đậu rồng, đậu ve, bí ngòi. Cây gia vị như ớt, hành, rau húng lủi, húng quế, hẹ. Ngoài ra còn cây ăn quả như ổi, dưa hấu, dưa lưới. Anh Minh đang ấp ủ dự định trồng thử cà chua bạch tuột - giống cây trồng được 2,5 năm và cho ra trái tươi ngon.
Đặc biệt, vườn nhà anh Minh có loại mướp dài khoảng 1,2 mét vô cùng nổi bật khiến nhiều người xuýt xoa, trầm trồ. Ông bố Sài Gòn cho biết đây là giống cây mướp rắn Nhật, hạt giống mua trên mạng chỉ khoảng 10 nghìn đồng nhưng cho trái ngọt, xào tỏi ăn rất ngon, đem biếu hàng xóm ai cũng khen.
Giàn mướp rắn Nhật lủng lẳng, có chiều dài "khủng".
Sau một thời gian làm nông dân sân thượng, anh Minh đúc kết khâu trộn đất là quan trọng nhất. Anh thường trộn 40% đất thịt, 40% đất sạch mua ngoài tiệm với 20% phân bò, phân hữu cơ. Trong khi trồng thì tưới nước vo gạo hằng ngày và phân tự ủ. Anh Minh bật mí: "Mình lấy thùng có nắp đậy, đổ đất vào nửa thùng. Mình bỏ vào đó rác nhà bếp và cho thêm một ít nấm tricodema rồi đậy kín lại. Khi trồng sẽ lấy ra trộn với đất sẽ vừa tốt cây, vừa tận dụng rác để bảo vệ môi trường".
Trồng nhiều giống cây cùng một lúc, anh Minh cân nhắc kỹ khâu bố trí sao cho hợp lý và tối ưu không gian nhất. Hiện tại, anh Minh phân chia khu vực trồng theo đặc tính từng loại cây, cây nào ưa nắng thì trồng ở khu vực nhiều ánh sáng, cây ưa mát thì trồng dưới dàn cây leo.
"Trên giàn mình trồng những cây leo cho bò ở trên. Ở 2 bên, mình làm những bồn lớn để trồng những loại cây leo như bầu, mướp, khổ qua,... rồi cho nó bò vào giàn ở giữa, như vậy sẽ tiết kiệm diện tích".
Khu vườn sân thượng không chỉ giải quyết nhu cầu rau sạch mà còn tạo không gian vui chơi và giải trí cho cả gia đình. Chiều nào, gia đình anh Minh cũng lên sân thượng hóng gió, chăm cây đến tối mới xuống ăn cơm. Khu vườn vì thế trở thành một phần không thể thiếu của cả nhà.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet