Tôi đã sống ở trong một khu tập thể cán bộ gần 20 năm với bố mẹ tôi. Căn hộ chỉ rộng cho gia đình 6 người nhà tôi. Bà nội, bố mẹ và 3 anh chị em tôi đã sống ở đó hơn 20 năm.
Tôi vẫn nhớ lần đầu chuyển vào căn hộ tập thể đó, niềm vui lớn nhất với chúng tôi lúc bấy giờ, lần đầu có được một ngôi nhà của riêng mình. Mẹ tôi đã khóc. Chẳng bao giờ tôi có thể quên vị mặn mòi của những giọt nước mắt ấy.
Ở nhà chật rèn luyện tính ngăn nắp.
Nhà chật nhưng chúng tôi giữ gìn đồ đạc ngăn nắp nên cũng không có cảnh vướng víu. Mẹ tôi luôn mãi nhắc nhơ chúng tôi sự cần thiết phải ăn ở ngăn nắp. Có khi sốt ruột quá thì mẹ bảo: “Ấy mẹ nói nhiều mày khó chịu, nhưng về sau chồng con được nhờ thì nhớ mà cám ơn mẹ”.
Từng mét vuông trong nhà tôi đều được tính toán đâu ra đấy. Tuy rằng nhà nghèo không có nhiều đồ đạc, nhưng thời bao cấp, mọi thứ đều phải tích cóp nên không thiếu bao tải, thùng chứa gần như nhà nông.
Mặc dù hơi chật nhưng chúng tôi sống tình cảm, khó khăn, sớm khuya anh chị em, bố mẹ, con cái có nhau. Tôi cứ nghĩ nếu gia đình ai cũng sống vậy thì chắc chẳng có trẻ em bị tự kỉ. Nhà tôi vui vẻ lắm, chả bao giờ thiếu tiếng cười và tôi thấy hạnh phúc vì điều đó.
Tiền sinh hoạt của gia đình để ở trong tủ, đến lượt ai đi chợ thì lấy tiền ở đó, ai ở nhà hoặc đi làm/học về sớm thì nấu cơm. Việc nhà thì mỗi người một tay. Bố mẹ tôi làm gương, chăm chỉ làm việc nên anh chị em tôi chẳng tị nạnh nhau bao giờ.
Hạnh phúc của chúng ta không phụ thuộc vào nhà rộng hay chật.
Tối đến, chúng tôi quây quần sinh hoạt chung cho đến khi tắt đèn đi ngủ. Người học bài, người dọn dẹp, đọc sách nhưng không ai làm phiền ai. Mọi người đều có ý thức, chỉ nói chuyện cười đùa khi tất cả đã xong việc.
Năm tháng trôi đi, khi chúng tôi trưởng thành, kết hôn và lần lượt rời khỏi căn hộ tập thể nhỏ bé đó. Bố mẹ tôi vẫn sống cùng nhau ở đó vì các cụ bảo “quen rồi, hàng xóm, láng giềng xung quanh ở mấy chục năm tình cảm nên không muốn đi”.
Sau này bố tôi mất vì bệnh tật, anh trai tôi đón mẹ đến ở cùng với gia đình và các cháu trong căn nhà tầng khang trang rộng rãi. Mỗi thành viên đều có phòng riêng để sinh hoạt cá nhân. Vậy mà đến thăm mẹ, tôi vẫn thỉnh thoảng gặp mẹ khóc mỗi khi nhớ đến căn hộ tập thể nhỏ nhoi ngày trước.
Mẹ khóc vì nhớ cái không gian chật hẹp của gia đình tôi ngày xưa, nhớ những cái khẽ chạm khi mọi người đi lại trong nhà. "Nỗi buồn nhà rộng" và "Niềm vui nhà chật" của mẹ khiến tôi cứ nghĩ mãi. Những gì tôi cảm nhận về bài thơ "Nhà chật" của Lưu Quang Vũ cũng chính là cảm nhận về cuộc sống của chúng tôi trong những năm tháng với căn nhà tập thể chật hẹp:
Nhà chỉ có mấy mét vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.
Nhà chật như khoang thuyền nhỏ hẹp giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình.
Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn là em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui.
Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi
Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió
Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ
Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời.
Cho nên tôi muốn nhắn nhủ với những ai vẫn còn khó khăn và đang sống trong căn nhà chật hẹp: Hạnh phúc gia đình bạn không hoàn toàn tỷ lệ thuận với diện tích ngôi nhà bạn sống. Hãy bỏ công sức vun vén cho tổ ấm của mình, giữ “lửa” không tắt cho gia đình thì dù ở nhà rộng hay chật bạn vẫn thấy hạnh phúc thôi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet