Razer Moray+
Dĩ nhiên, giống như những thiết bị chơi game khác, mỗi mẫu Gaming Headset khác nhau cũng có những đặc điểm riêng để phân biệt cũng như giúp cho các gamer có sự lựa chọn hợp lý. Dưới đây là một vài trong số đó:
Chất lượng âm thanh
Một chiếc Gaming Headset tất nhiên không cần sở hữu chất lượng âm thanh thuộc hàng “quái vật” như những mẫu tai nghe dành cho dân audiophile như Denon AH-D5000 Sennheiser HD series. Tuy nhiên, để đáp ứng với những tựa game có chất lượng âm thanh cũng như độ phức tạp của âm tăng dần theo thời gian, thì các nhà sản xuất thiết bị ngoại vi cũng phải tự mình nâng cấp cho những đứa con cưng, nhằm biến chúng thành những chiếc tại nghe với khả năng tái tạo âm thanh một cách xuất sắc nhất.
QPad QH-1339
Về cơ bản, trong khi tai nghe nhạc chuyên nghiệp chú trọng vào khả năng tái tạo chất âm của bản nhạc, thì Gaming Headset lại chú trọng vào một hướng hoàn toàn khác: Mô phỏng hoàn hảo nhất nguồn âm với hiệu ứng âm thanh vòm (surround) chính xác nhất. Vì thế, đôi khi những người sành âm thanh (kiêm gamer) sẽ thấy chất lượng âm thanh của các loại tai nghe chơi game khi nghe nhạc rất… tệ! Tuy nhiên, cũng không thiếu những trường hợp các gaming headset mang lại chất lượng âm thanh tuyệt vời khi nghe nhạc. SteelSeries Siberia V2 (khoảng 2.700.000 VNĐ) là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, đừng vì nhận xét này khiến cho bạn bị “lung lạc” tinh thần trong khi quyết định chọn cho mình một chiếc Headset hoặc tai nghe. Thay vào đó, hãy xác định rõ nhu cầu chính của mình là sử dụng tai nghe để nghe nhạc hay chơi game. Nếu như nghe nhạc chỉ là vấn đề thứ yếu, hoặc bạn đã có một dàn loa chất lượng đủ để phục vụ cho nhu cầu âm nhạc của mình, thì hãy đừng ngần ngại mà ‘tậu’ cho mình một chiếc headset như Razer Megalodon (3.000.000 VNĐ) hay CM Storm Cirus (2.600.000 VNĐ).
Siberia V2 (trái) đọ dáng cùng SteelSeries 7Hv2
Như đã đề cập, một chiếc gaming headset tập trung tối ưu vào việc tái tạo lại hiệu ứng âm thanh vòm, giúp game thủ xác định một cách chính xác nhất nguồn và vị trí âm thanh phát ra (footstep là một ví dụ), từ đó giúp chúng ta phản xạ tốt hơn trong mọi tình huống trên chiến trường ảo. Để làm được điều này, phần lớn các mẫu gaming headset cao cấp đều đi kèm với những chiếc soundcard kết nối qua cổng USB giữ vai trò xử lý tín hiệu âm thanh từ game cũng như từ microphone. Mới đây, Razer đã tung ra mẫu headset Tiamat (3.600.000 VNĐ cho phiên bản 7.1, 2.000.000 VNĐ cho phiên bản 2.2) mô phỏng âm thanh vòm 7.1 bằng cách đưa vào mỗi bên tai nghe 4 loa cùng 1 subwoofer riêng biệt.
Tiamat 7.1 Headset
Sự thoải mái
Để “năng suất” cũng như phong độ của bạn trong mỗi trận đấu đạt mức độ cao nhất, thì sự thoải mái trong khi sử dụng các thiết bị chơi game cũng là một trong các điều kiện tiên quyết. Bên cạnh cảm giác chuột và bàn phím, cảm giác khi đeo chiếc headset cũng hết sức quan trọng. Vào mùa hè, một chiếc headset quá dày hay quá kín sẽ khiến gamer bị “bí”, hay trái lại, những chiếc headset sở hữu kết cấu nhỏ gọn đôi khi lại đi cùng khả năng cách âm (noise isolation) kém. Ở một khía cạnh khác, chiếc headset không vừa vặn nếu đeo trong thời gian dài sẽ khiến cho vành tai bị ê nhức, kèm thêm đó là hiện tượng đau đầu sau mỗi lần chơi game.
Roccat Vire
Những mẫu gaming headset hiện nay cũng rất đa dạng về chủng loại cũng như mẫu mã. Bạn có thể tùy chọn cho mình một chiếc headset cỡ lỡn (full-size) như Razer Carcharias (1.600.000 VNĐ), portable size như SteelSeries Flux, Sennheiser PC 330 (3.000.000 VNĐ), hay những mẫu earbud hoặc in-ear nhỏ gọn như Roccat Vire (800.000 VNĐ), Razer Moray+ (1.400.000 VNĐ) hoặc SteelSeries Siberia In-Ear (930.000 VNĐ).
Khả năng cách âm
Trong những giải đấu Esport đỉnh cao, vấn đề cách âm là một trong những vấn đề được các ban tổ chức giải đấu quan tâm nhất. Lý do ư? Nếu bạn là một Counter Strike gamer đang thi đấu, thì hẳn là bạn sẽ chẳng hề muốn đám đông đang cổ vũ cả 2 đội “tọc mạch” hết vị trí của cả đội bạn cho đối thủ! Chưa kể, việc đeo tai nghe giữa môi trường nhiều tiếng ồn sẽ bắt bạn phải đẩy volume của nguồn âm lên cao. Việc đeo tai nghe với âm lượng lớn trong thời gian dài, dần dà, sẽ dẫn đến những hậu quả không đáng có xảy đến với thính giác.
Từ đó, nhu cầu cách âm một cách tuyệt đối trong gaming đã được hình thành.
Rasmus "Gux" Ståhl (SK Gaming) thời còn thi đấu cùng Fnatic
Thông thường, một chiếc headset chủ yếu sử dụng phần đệm mút làm công cụ triệt nguồn âm bên ngoài. Một chiếc headset với phần chụp tai lớn cùng phần đệm mút dày, trong nhiều trường hợp, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó. Tuy nhiên, đôi khi nguồn âm từ bên ngoài quá lớn khiến cho việc chống ồn bằng phần cứng như thế này trở nên vô dụng.
Nắm được điều đó, các nhà sản xuất thiết bị đã mạnh dạn đưa công nghệ ANC (Active Noise Cancelling – Triệt tiêu tiếng ồn chủ động) vào thiết bị của mình. Một cách ngắn gọn, với ANC, chiếc headset của bạn sẽ tự động thu lại tiếng ồn bên ngoài thông qua chiếc microphone được tích hợp sẵn, sau đó phần cứng sẽ tự tạo ra sóng âm có tần số y hệt như nguồn tiếng ồn, nhưng có độ lệch pha 180 độ. Nhờ đó, mọi âm thanh “vô tình” lọt qua chiếc headset cũng sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn.
Một ví dụ khá hay về vấn đề cách âm trong thể thao điện tử: Trận chung kết CS 1.6 giữa Natus Vincere và ESC Gaming thuộc khuôn khổ giải Intel Extreme Masters season 6 tổ chức tại hội chợ CeBIT, Hanover, Đức. Trong trận đấu này, theo quy chế thi đấu, các game thủ buộc phải sử dụng headset in-ear (cụ thể là SteelSeries Siberia In-Ear) và “úp” bên ngoài một chiếc tai nghe Sennheiser Aviation HMEC - 461 (loại tai nghe cách âm chuyên dành cho phi công). Điều này có nghĩa, nếu như không có microphone kết nối cùng headset, thì các gamer sẽ chẳng nghe thấy những gì mà chính họ thốt lên trong khi thi đấu!
Bạn có thể chọn cho mình những chiếc headset với khả năng loại bỏ tiếng ồn bên ngoài tốt như SteelSeries 4H (1.330.000 VNĐ), 5Hv2 (2.300.000 VNĐ), Razer Megalodon (3.100.000 VNĐ), Roccat Kave 5.1 (2.400.000 VNĐ)...
Microphone
Nếu bạn chỉ sử dụng tai nghe để chơi những game không đòi hỏi việc kết nối và trao đổi giữa đồng đội với nhau, hoặc bạn đã sở hữu một chiếc microphone rời thì sẽ chẳng có lý do gì để bạn “tậu” cho mình một chiếc headset đi kèm với micro cao cấp cả. Mặt khác, nếu bạn đang cần tìm cho mình một chiếc gaming headset để trao đổi cùng đồng đội trong những tựa game mang tính chiến thuật cao như DotA hay CS 1.6, thì chiếc microphone trong nhiều trường hợp sẽ là vị cứu tinh của bạn!
Danny "fRoD" Montaner (Evil Geniuses)
Điều kiện tiên quyết để đánh giá một chiếc microphone tích hợp với headset đó là chất lượng âm thanh mà nó thu lại cũng như chuyển qua các thiết bị khác. Ở các mẫu headset rẻ tiền, microphone tích hợp thường có xu hướng “lôi” tất cả những âm thanh mà nó có thể thu được và “phát nguyên văn” tới thiết bị đầu cuối khác. Việc này vô tình tạo ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười” cho các game thủ khi họ cố gắng trao đổi với nhau qua micro nhưng vô vọng!
Ở các gaming headset cao cấp, microphone được tích hợp thêm công nghệ giảm tiếng ồn. Những âm thanh có cường độ thấp hơn một mức mặc định sẽ không được ghi lại cũng như truyền đi. Điều này đảm bảo việc liên lạc giữa các game thủ đạt hiệu quả cao nhất.
Clement "Puppey" Ivanov (Na'Vi)
Thứ hai, vị trí đặt chiếc microphone cũng là điều đáng để mắt tới. Hẳn bạn sẽ không thấy thoải mái gì khi chiếc micro của headset luôn trong trạng thái “dính” lấy miệng của bạn, hoặc đặt quá xa khiến cho giọng nói thu vào không đủ lớn. Giải quyết vấn đề này, những nhà sản xuất đã tạo ra những mẫu headset với microphone có thể uốn cong một cách cơ động hoặc có hình dáng được thiết kế một cách cẩn thận, giúp gamer chủ động tìm ra vị trí đặt micro mang lại hiệu quả cao nhất.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet