Công dụng của mũ bảo hiểm
Tại sao phải đội mũ bảo hiểm:
Đi xe máy, xe đạp, trượt tuyết, trượt patin hay bất cứ hoạt động nào có liên quan tới chuyển động tốc độ cao trong điều kiện phần đầu không được che chắn, bảo vệ đều có nguy cơ dẫn tới những chấn thương đầu nghiêm trọng, thậm chí là nguy cơ tử vong. Đội mũ bảo hiểm là cách tốt nhất để giảm thiểu chấn thương lên vùng đầu của người chơi.
Mũ bảo hiểm làm việc như thế nào?
Một chiếc mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn thường bao gồm 4 lớp: lớp vỏ cứng bên ngoài, lớp chịu lực, khóa cằm và lớp lót tiếp giáp với đầu. Lớp vỏ cứng bên ngoài có khả năng phân tán lực, ngăn ngoại vật xâm nhập vào trong mũ. Lớp chịu lực bên trong thường được làm bằng EPS (mốp xốp) hoặc các vật liệu tương tự, có khả năng hấp thụ lực va chạm bằng cách vỡ ra. Khóa cằm và lớp lót trong giúp cố định mũ bảo hiểm ở đúng vị trí.
Khi người đi xe máy bị ngã hay va chạm, lực tác động vào phần đầu đang chuyển động sẽ được phân tán đều ra vỏ mũ, và hấp thụ vào lớp chịu lực bên trong mũ, giảm thiểu lực tác dụng lên đầu. Thông thường, phụ thuộc và tốc độ chuyển động của phần đầu (tốc độ của người) và kích thước, trọng lượng và chuyển động của vật va chạm càng lớn, thì lực va chạm càng mạnh. Quá trình va đập và dừng lại này diễn ra rất nhanh, chỉ trong 1 phần triệu giây, các hạt xốp bên trong sẽ hấp thụ lực và vỡ ra, không làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên phần đầu.
Mũ bảo hiểm có dùng được mãi mãi?
Không, mũ bảo hiểm cần được thay thế 5 năm 1 lần.
Đây là khuyến cáo của hầu hết các nhà sản xuất mũ bảo hiểm, và cả tổ chức đánh giá xếp hạng mũ bảo hiểm Snell. Keo dán, chất dẻo và các vật liệu khác dùng trong mũ bảo hiểm có thể tác động đến lớp chịu lực. Dầu bôi tóc, xịt cơ thể và các loại mỹ phẩm khác cũng có tác động làm xuống cấp mũ bảo hiểm. Đó là chưa tính đến các yếu tố va chạm bên ngoài khác có thể tác động đến chất lượng của mũ. Đó là lý do mà bạn nên thay mới chiếc mũ bảo hiểm của mình sau 5 năm sử dụng, dù chúng chưa hề bị rơi vỡ hay vẫn đẹp.
Có cần thay mũ ngay khi làm rơi mũ bảo hiểm?
Thông thường là không, nếu như bạn không làm rơi mũ ở độ cao quá cao, quá nhiều lần hoặc đang chuyển động với vận tốc lớn.
Mũ bảo hiểm như thế nào là vừa với đầu mình?
Ngày nay ai đi xe máy ra đường đều phải đội mũ bảo hiểm, nhưng ít người biết chiếc mũ của mình liệu đã vừa với đầu đúng theo chuẩn hay chưa.
Khi mua mũ bảo hiểm, nhất thiết nên thử để biết nó có vừa và thoải mái khi đội lên đầu hay không. Để kiểm tra liệu mũ có quá to, bạn nên cài quai sát cằm, đúng vị trí. Lắc đầu sang hai bên, di chuyển lên xuống, nếu vị trí mũ di chuyển so với đầu thì chiếc mũ đó quá to với bạn.
Để kiểm tra mũ có quá nhỏ, bạn nên đội mũ trong ít nhất 5 phút sau đó xác định có chút áp lực hoặc cảm giác chật chội lên đầu của mình hay không. Nếu có, nên chọn loại rộng hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet