Giàu năng lượng, nghèo mỡ
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn của người Việt trong 30 năm qua hầu như không thay đổi với tổng lượng thức ăn bình quân đầu người dao động từ 790g-880g/ngày. Tuy nhiên lượng thức ăn từ động vật (thịt cá) tăng gấp đôi từ 90g lên 190g. Cụ thể, lượng thịt một người sử dụng năm 1985 là 13,6g/ngày nhưng năm 2010 đã lên đến 84g/ngày, cá tăng từ 40g lên 60g/ngày; trứng sữa từ 1,7g lên 32,3g/ngày. Xu hướng tiêu thụ chất béo ở Việt Nam tăng từ 4,5g mỡ động vật lên 15g/ngày.
Trẻ em dư thừa dinh dưỡng nhưng lại thiếu mỡ là nghịch lý khó tin nhưng lại đang xảy ra cả thành thị và nông thôn (ảnh minh họa). ảnh: VIẾT THÀNH
Ăn thịt, ăn mỡ tăng gấp 2-3 lần so với trước, tuy nhiên “chuyện lạ” là theo nghiên cứu năm 2015 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, mức đáp ứng nhu cầu khuyến nghị trong một khẩu phần ăn của trẻ từ 1-12 tuổi, mỡ (lipid) lại là một trong những chất có mức đáp ứng thấp nhất. Ở lứa tuổi 1-3, khẩu phần ăn chỉ đáp ứng 64% nhu cầu mỡ của trẻ; tuổi 3-6 là 69%, tuổi 6-9 là 61%, tuổi 9-12 chỉ đạt 53%.
“Khi con ăn giặm, không muốn con ăn mỡ động vật nên tôi xay thịt nạc và cá cho vào bột, cháo, rồi cho thêm dầu ăn. Lớn lên tôi cũng cho con ăn đa dạng, nhiều trứng sữa, thịt cá… Nhưng không hiểu sao cháu vẫn hơi gầy, thấp hơn bạn cùng lứa, lại hay ốm vặt nên đưa đi khám dinh dưỡng. Nào ngờ, bác sĩ lại bảo: Con tôi thiếu mỡ… Thật vô lý” – chị Nguyễn Thu Lan (phố Linh Lang, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
Theo PGS-TS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận định, trẻ em ngày nay ăn nhiều đạm, dư thừa dinh dưỡng nhưng lại thiếu mỡ là nghịch lý khó tin nhưng lại đang xảy ra ở nhiều nơi, cả thành thị và nông thôn. “Không phải gia đình nghèo túng, không có điều kiện cho con ăn uống, mà do thói quen ăn uống của người Việt nên dẫn đến nuôi con sai lầm” – PGS Mai nhận định.
Ngăn cản việc hấp thu 4 vitamin
PGS Mai phân tích, người Việt quen ăn mặn còn mỡ thì ngấy, thậm chí cho rằng trẻ ăn mỡ sẽ đầy bụng, khó tiêu. Vì thế khi con ăn dặm thì thường dùng thịt nạc, cho thêm 1 thìa dầu ăn vào bột, cháo. Tuy nhiên, giai đoạn trẻ dưới 6 tuổi là lúc não đang phát triển, 1 thìa dầu không đủ. Não chứa 64% mỡ, do đó rất cần mỡ để tăng trưởng về kích cỡ. Việc thiếu mỡ trong khẩu phần ăn có nguy cơ khiến não trẻ phát triển kém, ảnh hưởng đến trí thông minh. Trong cơ thể có 4 vitamin tan trong môi trường chất béo là A, K, E, D. Do đó, cơ thể thiếu mỡ cũng ngăn cản việc hấp thu 4 vitamin này, dẫn tới nhiều nguy cơ khác như còi xương, mờ mắt, dễ nhiễm trùng, dễ chảy máu, sức đề kháng kém…
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc hấp thu nhiều đường, đặc biệt là đường trong nước ngọt cung cấp năng lượng nhanh, hấp thu nhanh làm tăng đường huyết làm cơ thể dễ rối loạn chuyển hoá, tích luỹ nhiều mỡ trong cơ thể là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, tắc nghẽn động mạch… Nước giải khát giàu năng lượng nhưng lại nghèo vi chất, vì thế, trẻ dùng nhiều nước ngọt có thể béo phì nhưng lại “đói” vi chất. Ngoài ra, nước có gas tạo môi trường axit khiến cho răng của trẻ bị hư hại. Nước có gas cũng làm tăng đào thải canxi trong cơ thể, khiến trẻ không hấp thụ đủ canxi.
Ngoài ra, theo PGS Mai, một trong những sai lầm của cha mẹ là cho con ăn thịt cá, bổ sung thực phẩm chức năng có canxi nhưng lại “nhốt” trẻ trong nhà. Đây cũng là nguyên nhân khiến 62,1% trẻ ở thành thị và 53,7% trẻ ở nông thôn (số liệu năm 2015) bị thiếu canxi – nguyên nhân khiến cho chiều cao trung bình của người Việt vẫn “lè tè” ở mức 163cm (nam) và 153cm (nữ) – thấp hơn chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới 13,1cm (nam) và 10,7cm (nữ) và thuộc top thấp nhất ở châu Á. “Các bậc cha mẹ đừng kỳ vọng cung cấp canxi cho con từ thực phẩm. Vì muốn bổ sung đủ nhu cầu canxi, trẻ cần ăn 13 lòng đỏ trứng gà và 3 lạng thịt cá hồi/ngày. Canxi chủ yếu đến từ ánh nắng, chỉ cần cho trẻ “phơi nắng” là đủ” – PGS Mai nhấn mạnh.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet