Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cung cấp và tiếp tế được coi là vấn đề khó khăn nhất vì khoảng cách xa xôi giữa tiền tuyến và hậu phương, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở cũng như đường xá hư hỏng. Tuy nhiên, để đánh thắng thực dân Pháp, quân đội ta vẫn phải bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men một cách nhanh chóng và liên tục. Hơn nữa, việc tiếp tế cần phải được tuyệt đối giữ bị mật nhằm tránh bị giặc đánh phá trên đường đi.
Với tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, hàng vạn dân công đã được huy động để vận chuyển lương thực và đạn dược ra tiền tuyến với phương tiện thô sơ. Một trong những phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất thời điểm đó là chiếc xe đạp thồ. Chỉ riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta đã sử dụng hơn hai mươi nghìn chiếc xe đạp thồ, đi dọc quãng đường trên 1.500 km.
Thời gian đầu, mỗi xe thồ chỉ chở được 80-100 kg. Về sau, trọng tải được tăng dần lên nhờ các sáng kiến cải tiến gá, buộc. Mỗi xe thồ có thể chở được 2 thùng phuy nhiên liệu loại 150 lít hoặc 15 - 20 can loại 20 lít. Hai chiếc xe thồ “gá” lại có thể chở được 2 thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Các xe đạp có đi-na-mô phát điện còn được sử dụng để chiếu sáng cho các thầy thuốc phẫu thuật trong đêm.
Lợi thế của loại phương tiện này là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, ngụy trang và có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết. So với vận tải bằng gánh gồng, mang vác, xe đạp thồ cũng chiếm ưu thế hơn hẳn.
So với một dân công gánh trung bình 25 kg thì một xe đạp thồ có năng suất gấp 7 – 8 lần. “Kỷ lục” vận chuyển bằng xe đạp thồ thuộc về chiến sĩ dân công Cao Văn Tỵ (đoàn Thanh Hóa) với 320 kg/chuyến. Sau đó, chiến sĩ Ma Văn Thắng (đoàn Phú Thọ) vượt lên, có chuyến chở 325 kg hàng, tức là gấp 13 lần một người gồng gánh.
“Binh chủng xe đạp thồ” được biên chế thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30-40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo , vượt dốc cao. Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở đồ nghề, phụ tùng thay thế, bếp than để sửa chữa và vá chín. Dọc đường, “xưởng sửa chữa lưu động” này sẵn sàng thay lốp , lên vành, hàn khung để bảo đảm toàn đội không bị rơi rớt. Đêm đi, ngày nghỉ. Chiều chiều xe đã được bảo dưỡng, ra trạm nhận hàng rồi “binh đoàn ngựa sắt” lại lên đường.
Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Đây là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường tìm lại độc lập tự do.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet