Lan cẩm cù là một trong những loại cây cảnh được ưa chuộng trồng trong nhà, nhờ vào hình dáng lá độc đáo và những bông hoa đẹp mắt. Đặc biệt, việc chăm sóc cây trong mùa thu đông là rất quan trọng, vì chăm sóc hợp lý sẽ giúp cây phát triển lá dày và nở hoa rực rỡ như thác nước.
Để cây lan cẩm cù duy trì sức sống trong những tháng lạnh giá, bạn nên chăm sóc cây theo quy tắc "3 nhiều, 1 ít" dưới đây.
1. Nhiều ánh sáng hơn
Mặc dù lan cẩm cù thích môi trường râm mát, nhưng nó cũng cần nhận đủ ánh sáng để phát triển. Thiếu ánh sáng sẽ khiến cây phát triển chậm, lá nhỏ và mất đi độ bóng. Do đó, nên đặt cây ở những vị trí nhận được nhiều ánh sáng, bên cửa sổ là lựa chọn lý tưởng, vì ánh sáng mùa thu đông không gay gắt, bạn không phải lo cây bị cháy lá.
Khi được cung cấp đủ ánh sáng, lá cây sẽ nhận nhiều ánh sáng hơn, thúc đẩy quá trình quang hợp và giúp lá lớn hơn, xanh hơn. Nếu có điều kiện, hãy xoay cây định kỳ để đảm bảo ánh sáng chiếu đều, giúp cây không phát triển nghiêng về một phía.
2. Thông gió nhiều hơn
Việc duy trì không khí thông thoáng và lưu thông tốt là rất quan trọng đối với sự phát triển của lan cẩm cù. Trong mùa thu đông, không gian trong nhà thường kín gió và độ ẩm cao, điều này dễ khiến cây bị sâu bọ và bệnh tật tất công.
Để cải thiện tình hình, việc mở cửa sổ định kỳ để thông gió là cần thiết, giúp giảm độ ẩm trong không khí và nâng cao chất lượng không khí, từ đó giúp bảo vệ cây.
Tuy nhiên khi thông gió, cần tránh để gió lạnh thổi trực tiếp vào cây, đặc biệt là vào ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp. Việc duy trì nhiệt độ và độ ẩm ở mức hợp lý sẽ giúp cây phát triển ổn định hơn.
Trong quá trình chăm sóc, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra lá cây, kịp thời loại bỏ những lá héo úa và bị bệnh để đảm bảo không khí lưu thông tốt ở xung quanh cây.
3. Bón nhiều phân
Việc bón phân đúng cách là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của cây lan cẩm cù. Mặc dù vào mùa thu đông, tốc độ sinh trưởng của cây có phần chậm lại, nhưng điều này không có nghĩa là không cần bón phân. Ngược lại, việc bổ sung dinh dưỡng kịp thời sẽ giúp cây lan cẩm cù nở hoa và nở đẹp hơn.
Chọn loại phân bón phù hợp là rất quan trọng. Các chuyên gia khuyên nên sử dụng phân lỏng có tỷ lệ cân bằng giữa nitơ, photpho và kali.
Phân nên được pha loãng theo hướng dẫn và bón cho cây mỗi tháng một lần. Sau khi bón phân, cần tưới nước đầy đủ để giúp rễ cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, có như vậy, sau này cây sẽ nở nhiều hơn và rực rỡ hơn.
4. Tưới ít nước
Trong mùa thu đông, nhu cầu nước của cây lan cẩm cù giảm đáng kể, do đó việc tưới nước quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thối rễ. Vì thế khi chăm sóc lan cẩm cù, bạn cần đặc biệt chú ý đến tần suất tưới nước.
Cách tốt nhất là chỉ tưới khi lớp đất trên bề mặt đã khô, giữ cho đất ở trạng thái ẩm vừa phải và tránh tình trạng nước đọng. Khi tưới, cần đảm bảo nước được phân bố đều, không để nước tập trung ở một chỗ.
Sau khi tưới, nên đặt chậu cây ở nơi thông thoáng để thúc đẩy quá trình bay hơi, giúp ngăn ngừa bệnh tật do độ ẩm cao. Trong những ngày đông lạnh, cần đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của nhiệt độ thấp đối với sự bay hơi của nước, từ đó điều chỉnh thời gian và tần suất tưới cho phù hợp.
Ngoài ra, bạn cũng cần cắt tỉa cây lan cẩm cù hợp lý trong thời điểm này. Việc cắt tỉa định kỳ sẽ giúp kích thích sự phát triển của lá mới, làm cho cây trông khỏe mạnh và đầy sức sống hơn.
Khi tiến hành cắt tỉa, cần sử dụng kéo sắc và đảm bảo dụng cụ được vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm bệnh. Sau khi loại bỏ những lá vàng và lá bệnh, hãy cung cấp cho cây một lượng nước và dinh dưỡng hợp lý để giúp cây nhanh chóng phục hồi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet