Kỳ này thành phố đang rộ mùa xây dựng. Từ trên tầng 7 ngắm xuống phố phường, tất cả chỉ như thước phim không tiếng động. Ở trên này hoa vẫn nở trên những chiếc chậu xinh xắn, những cánh ong vẫn vo ve, tiếng nhạc du dương bên những trang sách.
Nhưng trong căn hộ bé nhỏ, đầy ắp những vật dụng kỷ niệm ấy còn là không gian gợi nhớ những món ăn dân dã, quê mùa gắn với một phần đời lam lũ, vất vả của chủ nhân. Nhớ những ngày đi rừng lấy củi, ăn quả rừng, uống tạm những hớp nước từ thân tre non. Hay là khi đã về với vùng bán sơn địa này, trước cuộc sống khó khăn của những năm cuối bao cấp, là bao món ăn đơn giản mà thú vị.
Món nộm lặc lày (ảnh: Bùi Việt Phương)
Ngày đó, sau nhà tôi có một giàn lặc lày sai quả. Sau này đi dự các bữa tiệc ở thành phố, tôi mới biết món ăn đó được khá nhiều người ưa chuộng. Còn khi ấy, chỉ nhớ những bữa cơm có tép rang, trái lặc lày và nước luộc xanh dịu, uống vào rất mát và lành thay cho món canh.
Thế rồi thị xã cổ với những mảnh đất trồng rau đã chuyển mình lên thành phố. Đường xá khang trang hơn nhưng đất đai như hẹp lại. Những bó rau thành món hàng mà các bà nội trợ phải cân nhắc. Những khi ấy mới thấy giàn lặc lay của nhà tôi thật hữu dụng. Ngoài món luộc, chúng tôi còn được biết đến những đĩa nộm lặc lày. Quả được thái lát trộn với lạc, rau thơm, tỏi, ớt… tạo nên món ăn thú vị.
Rồi chúng tôi lớn lên, ai cũng bận bịu với những công việc riêng của mình. Trái lặc lày héo rụng, giàn lặc lày cũng dần biến mất. Chẳng còn ai đủ thì giờ nhớ đến mà gieo cấy lại. Bữa nay, lên thăm căn hộ bé nhỏ của gia đình cô chú, nhìn đĩa nộm lặc lày bình dị mà chợt thấy nhớ một thời gian khó đến thế. Thời lo từng bữa ăn với những món ăn đạm bạc mà đầm ấm tình người. Một chút bóng dáng quê nhà vương lại trong món ăn đơn giản mà đậm đà kỷ niệm này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet