Một mẫu áo cưới của David Minh Đức. |
Với tôi, làm đẹp dường như là bản năng. 13 tuổi, tôi đã mê tóc, mê làm đẹp, mê đến nỗi mẹ tôi đi học ở Tiệp Khắc về còn nhớ mang cho cậu con trai một con búp bê vì thấy tôi hay bị các chị hàng xóm tố cáo là toàn đòi tết tóc, chải đầu cho các chị. Tôi cứ tỉ mẩn, hết tháo lại dỡ, làm cho búp bê hết kiểu tóc nọ đến kiểu tóc kia. Thấy tôi chải tóc đẹp, các chị hàng xóm đã chịu làm người mẫu cho tôi. Có chị bây giờ còn là cộng sự của tôi.
Cứ thế tôi tết, bện, chải tóc cho những người thân, bạn bè rồi trở thành thợ lúc nào chẳng hay. 19 tuổi, tôi học năm thứ 2 Đại học Văn hóa, nhưng rồi mê làm đẹp quá nên cứ mải miết, đành phá ngang. Tôi đi làm đầu cô dâu. Hồi đó phải đến tận nhà họ, có ngày phải đến nhà 24 cô dâu cả thảy.
Sau ba năm long đong nhưng vô cùng bổ ích đó, tôi cảm thấy mình chững chạc hơn và quyết định mở hiệu David Minh Đức. Tôi tích cóp được một phần vốn nhưng cũng phải vay 20.000 USD. Có tên hiệu rồi tôi mới thấy hóa ra cái gánh đó thật nặng. Có ngày, tiệm của tôi đón tới 80 cô dâu. Họ đến với nỗi lo âu và ra về đầy mãn nguyện. Họ càng xinh đẹp bao nhiêu thì tôi và đồng sự càng phờ phạc bấy nhiêu.
Có người hỏi các cô dâu mê tôi ở chỗ nào? Có lẽ vì tôi đã làm cho người chồng mê họ hơn. Có lẽ vì tôi đã vẽ họ bằng cả niềm mong ước muốn tạo ra một cô dâu nền nã mà kiêu sang, tự nhiên mà vẫn đẹp một cách đằm thắm với phong cách con gái Hà thành. Muốn vậy phải ngắm để chọn cho họ một kiểu tóc, kiểu váy và phong cách trang điểm phù hợp.
Hiện nay, mỗi tháng, hiệu thời trang của tôi cho ra lò 20-50 mẫu áo cưới. Mùa cưới năm nay, tôi có bộ sưu tập áo cưới thêu tay. Tôi muốn được đi học một khóa đào tạo về làm đẹp ở Pháp, từ trước tới giờ toàn tự học, tự làm mà chưa có thầy chỉ bảo. Tôi muốn người Việt mình có thể đem phong cách văn hóa làm đẹp độc đáo của dân tộc mình, bước ra thế giới đàng hoàng và kiêu hãnh.
(Theo Lao Động)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet