Một quyển sách về các phương pháp giáo dục sớm có giá từ 50-70.000 đồng/quyển, một bộ học liệu với các thẻ học chia làm từng chủ đề riêng: dạy con biết đọc sớm, dạy con học toán, dạy con nhận biết xung quanh…có giá từ 1-2 triệu/bộ học liệu. Ngoài ra, nhiều công ty cung cấp học liệu giáo dục sớm còn mở ra các khoá học tập huấn về việc dạy con trong vòng 2-3 ngày với 5 khoá học. Học phí cho mỗi khóa học này dao động từ 5-10 triệu đồng. Với những bậc cha mẹ “lười” dạy con mà vẫn thích theo đuổi giáo dục sớm, thậm chí còn có thể thuê giáo viên đến tận nhà dạy con mỗi ngày. Vị chi để cho con theo đuổi phương pháp giáo dục sớm, số tiền phụ huynh phải bỏ ra khoảng từ 30-50 triệu đồng.
Đây là một con số không hề nhỏ, vậy nhưng không ít các ông bố, bà mẹ trẻ ngày nay vẫn sẵn sàng chi ngàn đô rèn con thành thiên tài từ 0 tuổi. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh trong số đó đang bị lầm tưởng về giáo dục sớm.
Từ lầm tưởng về mục đích….
Giáo dục sớm là dạy con biết đọc, biết làm toán từ 0 tuổi, là đào tạo trẻ trở thành thiên tài – đây là suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ phụ huynh và xã hội khi mới đầu nghe đến khái niệm này. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm.
Trước câu hỏi liệu những bà mẹ theo đuổi việc dạy trẻ sơ sinh thông minh có là đang thúc ép con, muốn nuôi con thần đồng chứ không để trẻ phát triển tự nhiên, bà mẹ 9x Bích Trang (24 tuổi, chuyên viên Sở Ngoại vụ thành phố Hà Nội) – người đã cho con trai mới 60 ngày tuổi của mình xuống nước tập bơi để kích thích trí não trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh cho biết “Trẻ sơ sinh không biết nói, do vậy bé sẽ thể hiện thái độ bằng nét mặt hoặc tiếng khóc của mình. Tôi tập vận động cho bé, dạy bé bơi, đọc sách, kể truyện bé nghe…nếu bé không cảm thấy thích thú, bé sẽ không hợp tác, không tập trung, không kiên nhẫn đến…giây thứ hai đâu.
Theo tôi, cho con phát triển tự nhiên là để bé được sống đúng với bản năng của mình. Chúng ta cứ quan sát các bé yêu của mình thì sẽ thấy, bé phát triển rất nhanh, thay đổi từng ngày, hôm nay mới biết cười, biết ê a trò chuyện, ngày mai đã biết lật lẫy, biết người lạ quen… Bé ở độ tuổi này đang rất muốn học hỏi và khám phá thế giới bao la ngoài bụng mẹ, do đó việc dạy học giai đoạn này là đáp ứng nhu cầu học hỏi và khám phá của bé. Nói cho đúng thì Giáo dục sớm cho bé là giúp bé phát triển tự nhiên theo đúng khả năng của bé, theo đúng thời điểm, giai đoạn phát triển trí não của bé.
Tôi dạy con thông minh, theo đuổi phương pháp giáo dục sớm không vì muốn đạt thành tích hay muốn nuôi con thần đồng, tạo kỳ tích để nhiều người ngưỡng mộ. Điều tôi hướng đến là khơi gợi những tiềm năng trong con. Là bậc cha mẹ, tôi muốn cho con một tình yêu thương trí tuệ tuyệt vời.”
Bích Trang và con trai Pony hồi 3 tháng tuổi
Có cùng quan điểm giáo dục sớm không phải là dạy con thành thần đồng, trong một bài phỏng vấn, chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý từng chia sẻ “Thực ra mọi đứa trẻ đều là thiên tài, bên trong mỗi cháu đều có những khả năng riêng. Thậm chí, có thể có những em bé bị tổn thương não nhưng chỉ cần biết đúng phương pháp và kích hoạt sớm thì mọi tiềm năng sẽ được khai mở. Bí mật quan trọng nhất là vào thời kỳ sinh trưởng của não (0-6 tuổi), chỉ cần một tác động nhỏ đúng cách cũng rất có ý nghĩa.
Thiên tài chỉ có 1% là gen, 99% là phương pháp và sự nỗ lực của bản thân. Đúng thời điểm vô cùng quan trọng, để giúp những khả năng tiềm tàng được phát triển. Bộ não con người mới chỉ khai thác được 5%, với thiên tài cũng mới chỉ khai thác được 10%, tiềm năng não bộ của con người vô hạn mà chưa khai thác được hết. Mục tiêu của giáo dục sớm không phải tạo ra thần đồng mà là phát huy các tố chất của con người trong thời kỳ não sinh trưởng, nghĩa là phải cung cấp nguồn “dinh dưỡng” để khai thác được tiềm năng của não bộ.”
….cho đến cách thức thực hiện
Liệu việc áp dụng đồng thời tất cả những phương pháp giáo dục sớm đang có, mua thật nhiều đồ chơi thông minh, học liệu đắt tiền, cho con đi học những lớp dạy trẻ sơ sinh hay thậm chí thuê hẳn giáo viên về nhà dậy có là cách đúng đắn để kích thích trí não trẻ?
Chị Lê Thu Trang – một bà mẹ Việt hiện đang sinh sống tại Melbourne, Úc, người đã có kinh nghiệm nuôi dạy con theo các phương pháp Giáo dục sớm được gần 1 năm nay chia sẻ “Thời đại thông tin bùng nổ, tôi lại càng không muốn mình trở thành nạn nhân của công nghệ marketing cho bất kì một phương pháp giáo dục nào. Tôi muốn tìm về gốc rễ của mọi vấn đề và tự mình xem xét đánh giá. Con quá quý báu để tôi đem ra thử hết cách này đến cách khác mà không có một hiểu biết cũng như chính kiến riêng.”
Cùng với cơn cuồng phong về đầu tư giáo dục cho con hiện nay tại Việt Nam, và kiến thức đã đọc được cũng như kinh nghiệm 1 năm nuôi dạy con, chị Thu Trang nhận định về những lầm tưởng của cha mẹ Việt về giáo dục sớm như sau:
"1. Khi nhắc đến giáo dục sớm nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ phải nhồi thật nhiều thứ vào đầu con từ sớm, bỏ tiền cho con học các lớp ngoại khoá xịn là có nghĩa mình đã "làm những gì tốt nhất có thể" để giáo dục con từ nhỏ. Nhưng riêng tôi nghĩ học mà không theo sát được kết quả, tiến bộ của con thì việc đi học trường xịn lớp đắt tiền chỉ là để giải quyết khâu yên tâm cho cha mẹ
2. Một vài cha mẹ tân tiến hơn thì tìm đến các phương pháp như Montessori, Glenn Doman, người Nhật dạy con, người Do Thái dạy con, v...v.. mà quên đi một điều chính mẹ đồng hành với con mới là cội nguồn của mọi vấn đề.
Từ khi con 8 tháng, khi tôi ngộ ra được điều đó mẹ đã từng nói đùa "giáo dục con quả là "đắt đỏ" quá, cứ phải có mẹ kề kề ở bên". Chỉ khi bạn thực sự đồng hành cùng con, đặt việc dạy con lên trên hết thì bạn mới thấy được cách giáo dục tưởng chừng như đơn giản này (không cần bỏ nhiều tiền mua sách vở và học cụ) thật ra lại là cách xa xỉ nhất. Nó không chỉ là thời gian mà còn là công sức cũng như sự kiên trì đến tột đỉnh của người mẹ. Có những khi mẹ bị ốm mệt thì vẫn ra nằm cạnh con ở khu con chơi, mẹ không chơi được cùng con nhưng vẫn nhìn con được. Nhìn để biết các kĩ năng nào con đã nắm và kĩ năng nào cần bổ sung thêm
3. Không biết có bao nhiêu các bậc cha mẹ ở Việt Nam và kể cả các nước phương Tây biết được rằng nhiều phương pháp giáo dục sớm hiện nay là phương pháp được nghiên cứu ra để áp dụng cho trẻ em tự kỉ và bị các bệnh về não (như tổn thương và chậm phát triển)?
Tôi không có ý bài xích những phương pháp giáo dục sớm này vì tôi đã từng đọc qua nhiều forum và các bài chia sẻ của các mẹ có con chậm phát triển, ai cũng bảo các phương pháp trên quá tuyệt vời. Bản thân tôi cũng rất thích các ý tưởng về học cụ của các phương pháp giáo dục sớm và thường xuyên tìm tài liệu để áp dụng. Nhưng nếu cứ chỉ nghe theo marketing quảng cáo như một con thiêu thân thì chẳng khác nào uống thuốc mà không đọc kĩ liều và hướng dẫn sử dụng. Chưa ý thức được hết cái mạnh cái yếu, cái hạn chế của từng phương pháp mà đã áp dụng cho con thì e rằng sẽ khó đạt được kết quả cao nhất”
Mẹ Lê Thu Trang và bé Minh An, con gái đầu lòng hiện đang sống tại Melbourne, Úc
Có thể nói, giáo dục sớm không cao xa khó thực hiện, cũng không đắt đỏ tốn tiền, càng không phải là cách để đào tạo ra những đứa trẻ thần đồng. Cần nhớ đây chỉ là một phương pháp biến sự vất vả của việc nuôi con thành niềm vui vô bờ của cha mẹ, giúp con phát huy được hết tiềm năng não bộ và để con sau này không phải chật vật với những bài toán khó, khi ra đời cũng không thiếu trí tuệ để dừng bước trước những thử thách của cuộc sống, dạy con biết yêu thương và cả những kỹ năng sống.
Nếu các bậc cha mẹ cứ nháo nhào theo giáo dục sớm mà chẳng hiểu nó như thế nào chỉ hiều đơn giản là dạy cho con đọc sớm, làm toán sớm thì chỉ nhanh chóng thất bại, tiền mất tật mang. Giáo dục sớm là hành trình lâu dài và bền bỉ đòi hỏi cha mẹ thật kiên trì chứ không thể ăn sổi trong thời gian lâu dài
Vì vậy, trước khi áp dụng phương pháp giáo dục sớm ch mẹ nên nhớ nhất: Cần phải chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, về học liệu, về nội lực và kế hoạch cụ thể trước khi bắt tay vào thực hiện
Kỳ 1: Giáo dục sớm “mê hoặc” cha mẹ Việt hiện đại
Kỳ 3: 5 Nguyên tắc giáo dục trẻ mầm non theo Phương pháp giáo dục sớm "Phương án 0 tuổi", mời độc giả đón đọc trên Làm mẹ, eva.vn vào ngày 28/3
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet