Laptop cảm ứng dạng truyền thống
Đối với người dùng theo xu hướng cổ điển và không thích những kiểu thiết kế đột phá thì dạng laptop này là một lựa chọn tối ưu. Họ dễ dàng chấp nhận những mẫu laptop với thiết kế truyền thống, chỉ khác là được trang bị thêm màn hình cảm ứng nhằm khai thác tối ưu những tính năng chạm trên phiên bản hệ điều hành mới nhất của Microsoft.
Với model laptop điển hình như Asus VivoBook S550, tính năng cảm ứng sẽ được phát huy thông qua một touchpad khổng lồ. Tuy nhiên, việc làm quen và học cách sử dụng touchpad này quả là không đơn giản chút nào do nó khác xa so với touchpad trên các mẫu laptop thông thường khác. Nhưng một khi đã nắm rõ, hẳn đây sẽ là một “trợ thủ” đắc lực giúp người dùng thao tác dễ dàng, thay đổi các thiết lập nhanh chóng.
Laptop truyền thống với màn hình cảm ứng đã bắt đầu được bán ra từ cuối năm 2012. Đến nay giá của chúng hầu như đã giảm khá nhanh, chỉ tầm khoảng hơn 400 USD. Dạng laptop này được kỳ vọng sẽ trở thành chuẩn cho hầu hết các mẫu ultrabook trang bị bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 4. Tuy màn hình cảm ứng không phải là một tính năng nổi bật cũng như đến nay không nhiều người dùng cần đến tính năng này, việc giá thành của laptop cảm ứng giảm nhanh sẽ là động lực cho nhiều người dùng chọn mua dòng sản phẩm này hơn trong tương lai.
Laptop lai tablet dạng biến hình
Lenovo Ideapad Yoga với màn hình cảm ứng có thể xoay 360 độ để biến thành một tablet.
Laptop biến hình thường có thiết kế không khác nhiều so với laptop thông thường khi sử dụng với chức năng laptop. Một đặc điểm độc đáo của dạng laptop này là có thể “biến hình” và sử dụng như một tablet. Laptop biến hình có trọng lượng cũng như các thành phần linh kiện bên trong tương tự như laptop thông thường. Chúng thường có các model màn hình phổ biến là 11,6 inch và 13,3 inch.
Thật ra, laptop biến hình đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Chúng được thiết kế với màn hình cảm ứng có thể gập 360 độ dựa trên bản lề đặc biệt để trở thành một tablet. Các mẫu máy đại diện cho dạng này gồm có Lenovo Ideapad Yoga và Acer Aspire R7. Các model này cũng có thể dựng đứng như một chân đế dạng hình tháp để hệ thống vẫn có thể hoạt động được khi đặt trên bàn hay các bề mặt khác. Trong khi đó, một kiểu laptop biến hình khác như các model Lenovo ThinkPad Twist và Dell XPS 12 lại có màn hình cảm ứng dạng xoay để biến thành tablet khi cần thiết.
Cồng kềnh là một khuyết điểm của laptop dạng biến hình. Bàn phím không thể tháo rời, cấu hình phần cứng thường giống ultrabook nên trọng lượng máy thường khoảng từ 1-2kg. Do đó, khi sử dụng ở chế độ tablet thì người dùng sẽ gặp khó khăn và không thoải mái khi phải cầm máy lâu. Laptop biến hình có vẻ chỉ phù hợp với người dùng có nhu cầu sử dụng nhiều ở chế độ laptop hơn là chế độ tablet.
Laptop lai tablet dạng đế cắm
HP Envy x2 là một đại diện cho dòng laptop lai tablet dạng đế cắm.
Laptop đế cắm là một laptop có màn hình có thể tháo rời hoàn toàn khỏi đế là bàn phím để biến thành một tablet. Phần màn hình chứa các thành phần linh kiện của hệ thống trong khi phần đế chỉ đơn giản là một bàn phím có thể tháo rời. Các mẫu máy laptop đế cắm điển hình gồm có Asus Vivo Tab, HP Envy x2 và Lenovo ThinkPad Helix.
Laptop đế cắm có kích thước cồng kềnh khi sử dụng ở chế độ laptop vì tất cả các thành phần chính của hệ thống đều nằm sau màn hình, làm cho máy sẽ bị nặng ở phần trên. Các hệ thống này thường có xu hướng trang bị màn hình không lớn hơn 12,1 inch, đồng nghĩa với việc bàn phím sẽ nhỏ hơn và cấu hình phần cứng không được mạnh nên chỉ thích hợp người dùng thường sử dụng để duyệt web hay các ứng dụng văn phòng thông thường.
Tuy nhiên, khi sử dụng ở chế độ tablet thì dạng máy này tỏ ra tối ưu hơn cả so với các dòng thiết bị cảm ứng khác chạy hệ điều hành Windows. Việc tháo bỏ đế cắm bàn phím cũng đồng nghĩa với việc làm cho trọng lượng của máy giảm đi nhiều. Và khi đó chiếc tablet này có trọng lượng chỉ còn khoảng từ 0,5-1kg, tương đương với iPad 10 inch hay nhiều mẫu tablet khác. Hiện nay, nhiều mẫu laptop dạng này thường trang bị pin mở rộng trong phần đế cắm, có thể sử dụng để sạc cho tablet hay cung cấp thêm dung lượng pin laptop.
Laptop lai tablet dạng trượt
Sony Vaio Duo 11 có thiết kế màn hình cảm ứng dạng trượt.
Laptop sử dụng kiểu thiết kế này thường có xu hướng nhỏ và nhẹ với màn hình kích thước từ 10,1 inch cho đến 12,5 inch. Chúng thường có trọng lượng tương đương với laptop dạng đế cắm, nhưng phần màn hình phía trên không nặng như vậy. Khi sử dụng ở chế độ laptop, dạng máy này có điểm hạn chế là không gian bàn phím bị thu nhỏ và phần để tay cũng khá chật hẹp do phần màn hình trượt chiếm hết.
Một số mẫu laptop dạng trượt còn không có touchpad, khiến không ít người dùng bối rối do vốn đã quen với thiết kế laptop truyền thống. Nhưng có lẽ điểm hạn chế lớn nhất của laptop dạng trượt là thường cố định màn hình trượt vào một góc nhìn duy nhất, không thể điều chỉnh được. Tuy nhiên, khi sử dụng ở chế độ tablet thì laptop dạng trượt nói chung khá thoải mái nhờ có thiết kế nhỏ gọn và nhẹ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet