Một khung cảnh đẹp đang chờ đón bạn
Rời thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) đến ngã ba Lùng Phình, chúng tôi rẽ vào con đường đi Xín Mần (Hà Giang) dài 32km. Đứng ngay ngã ba nhìn vào con dốc đất đá lởm chởm, không ai tin rằng đó là con đường nối huyện với huyện.
Một người dân cho biết đường đi xấu lắm, đá xanh lăn lóc bằng đầu gối, nhiều đoạn vẫn đang sửa chữa. Tôi hỏi có thể đi xe máy được không, người ta bảo được. Thế thì đi thôi!
Tin tưởng vào sự chỉ đường của bản đồ Google, chúng tôi đi vào con đường nhỏ của xã Lùng Cải (Bắc Hà, Lào Cai). Đến khi ra đến điểm C mới biết mình đã bỏ qua một ngã ba quan trọng tại điểm B.
Tuy nhiên, nhờ sự nhầm lẫn này mà chúng tôi đã đi qua bao nhiêu bản làng, gặp gỡ bao nhiêu con người và thưởng lãm bao nhiêu cảnh đẹp ít người chứng kiến được. Trong đó, hào hứng nhất là việc đi lạc vào con đường cùng khiến ai cũng bối rối lo lắng.
Ấn tượng đầu tiên đến với đoàn chúng tôi là hình ảnh hai chị em đi học về nhỏ xíu trong cảnh núi rừng Tây Bắc. Em bé trai thơ ngây được chị dắt tay đi trên đoạn đường đất đỏ, hai bên cây rừng bao phủ. Khi người chị dừng lại nhận bánh kẹo, em bé nhỏ vẫn cứ đi lững thững như một chú thú con vừa rời lòng mẹ.
Chứng kiến bước đi chập chững này, một thành viên nữ của đoàn chúng tôi bật lên khóc nức nở: “Thấy thương quá! Thấy thương quá!”. Cả bọn cứ lặng người nhìn hai chị em nắm nhau tay đi, cảm xúc dâng trào trong lòng mỗi người theo nhiều hướng khác nhau. Chỉ khi một đám trẻ em reo hò xin kẹo chúng tôi mới trở lại thực tại và hòa niềm vui cùng các em nhỏ.
2 chị em lững thửng bước đi
Lúc này là giờ tan học, trẻ em túa ra đường đi về nhà
Một gia đình rất vui khi tôi đưa máy lên chụp hình. Nếu có cơ hội đi ngang đây một lần nữa, chắc chắn tôi sẽ rửa hình tặng họ
Các em trai chạy quanh đùa giỡn không biết mệt
Chúng tôi tặng bánh kẹo, em nhỏ tỏ ra dửng dưng. Chỉ đến khi chị lại nắm tay nói chuyện thì em mới hiểu đây là thứ ăn được
Chia tay các bạn nhỏ ở đoạn đường rừng, chúng tôi gặp đàn trâu hàng chục con đang ung dung gặm cỏ trên đồi. Anh chăn trâu bảo rằng mỗi con trâu giá 20 - 40 triệu đồng, một gia tài lớn của người dân tộc miền núi.
Anh đang là môi giới buôn bán trâu cày ruộng cho người dân. Trong khi đó, một bên đường là những thửa ruộng bậc thang đang được thu hoạch. Xa hơn nữa là bức tường núi khổng lồ, cao tít, chẳng biết đang che giấu gì ở bên kia.
Mục đồng nhí mang giày boot rất oách
Đàn trâu đang ung dung gặm cỏ
Quá hứng khởi, chúng tôi cứ chạy mãi quanh co từ con đồi này sang con đồi nọ đến nỗi không để ý một ngã ba đường nhỏ hẹp. Cũng may, con đường chỉ độ hơn 1km đã bít lối đi. Mấy anh dân tộc đang chở lúa đi bán vui vẻ báo rằng “nhầm đường rồi”.
Quay lại ngã ba nhỏ hẹp, chúng tôi bắt đầu đi vào con đường vừa dốc vừa lởm chởm đá xanh. Nhiều đoạn bạn đồng hành ngồi sau phải xuống đi bộ hoặc đẩy hộ xe lên. Càng đi chúng tôi có cảm giác như càng lạc vào trong rừng.
Không một bóng người, không một con dê, không một con trâu gặm cỏ. Càng cố dùng điện thoại tìm đường đi chúng tôi càng rối. Chỉ khi gặp một người thanh niên chạy xe đi chợ Cốc Pài, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Anh bảo rằng chỉ còn 1 km nữa thôi là ra đường tốt rồi, lâu lắm anh mới đi lại đường này để xem đường đã sửa chữa chưa.
Vài ngôi nhà bên sườn núi chênh vênh
Một bản làng nhỏ, có cả trường học, nằm cheo leo bên sườn núi
Đoạn đường dốc và đầy đá cục lởm chởm
Một trong hằng chục cua quẹo khó khăn
Ra được xã Nàn Ma (Bắc Hà, Lào Cai), tôi muốn dừng lại, chẳng muốn đi thêm nữa vì biết rằng thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần, Hà Giang) sắp tới rồi. Liệu ở đó còn có những khoảnh khắc đáng yêu nào như chúng tôi vừa trải qua?
Từ Bắc Hà sang đến đây, hầu như chúng tôi phải leo dốc để lên đến đỉnh núi Nàn Ma. Từ đây xuống thị trấn đường tốt, tay lái chỉ cần bóp thắng đổ đèo. Trên cao nhìn xuống, con đường quanh co thật duyên dáng. Chúng tôi ai cũng lặng lẽ hít hơi thật mạnh để nhận vào lồng ngực đầy khí trời trong sạch của vùng núi thân thương lần đầu tiên đặt chân đến.
Đã ra được đường tốt thuộc xã Nàn Ma
Nín thở trước cảnh núi non Nàn Ma hùng vĩ
Những chiếc xe win dựng bên đường mà không biết chủ nhân đang ở đâu trong đồi núi này
Vào trung tâm của xã
Tôi hỏi một năm làm được bao nhiêu ngô, người phụ nữ trả lời 3 tạ. Tôi chỉ vào phần ngô đang phơi bảo rằng không đủ 3 tạ, người phụ nữ nói rằng đã bán một phần, chỗ còn lại để dành ăn. Cuộc sống của người dân miền cao còn rất nhiều khó khăn
Quá đẹp, quá thơ mộng Xí Mần ơi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet