Quốc lộ 1A rộng thênh thang chào đón xe của chúng tôi từ Cà Mau đến với năm căn và km 2301 + 340m - điểm cuối cùng của tuyến đường huyết mạch xuyên đất nước.
Hoàng hôn cực đẹp trên Cà Mau
Khắp thị trấn, những con đường mới đang vươn dài, nhiều công trình còn đang dang dở. Chúng tôi kết thúc buổi tối ở Năm Căn với món cháo cá kèo đậm đà, rồi chụm đầu vào bàn bạc về hành trình ngày hôm sau, hành trình tới mũi đất cực nam của Tổ quốc.
Đi thuyền dọc sông Cửa Lớn là con đường duy nhất từ Năm Căn đến với Đất Mũi
Mới sáng sớm, bến tàu khách Năm Căn đã nhộn nhịp lắm rồi. Ca nô, xuồng máy, tàu cao tốc tấp nập ra vào đón khách chẳng khác gì xe buýt trên đất liền. May mắn gặp vài người bạn cũng đang trên đường đi Mũi, chúng tôi cùng thuê một chiếc “vỏ lãi”- loại xuồng máy thông dụng ở đây và bắt đầu hành trình riêng của mình.
Từ bến, thuyền đổ ra sông Năm Căn (một đoạn của sông Cửa Lớn) nhanh đến bất ngờ, khiến mỗi chúng tôi không khỏi choáng ngợp. Lại nhớ đến những câu từ trong Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi: “Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận”.
Cảnh tượng thay đổi nhanh chóng, bắt đầu là những dãy nhà sàn lợp lá dừa nước san sát hai bên bờ, rồi thưa dần cho đến khi chỉ thấy một màu của đước, của mây trời và nước sông đỏ cuồn cuộn. Từng hàng đước xanh ngắt nối tiếp nhau, lớp chồng lớp mênh mông không điểm dừng.
Đước là loài cây đặc trưng cho rừng ngập mặn ở đây, rừng đước Năm Căn nối tiếp với rừng tràm u minh từ Đông sang Tây bao bọc cho mũi đất Cà Mau
Cây đước gắn bó mật thiết với đời sống của người dân vùng cực Nam, bên cạnh giá trị sinh thái và kinh tế đặc biệt quý giá
Chiếc vỏ lãi lao đi vun vút trên sông. Quãng đường thủy từ Năm Căn đi Đất Mũi khoảng 60km, cảnh vật lướt qua hai bên mạn xuồng như một cuốn phim chạy thật nhanh. Những đường kẻ thẳng tắp nối tiếp nhau, nhà nối nhà, hàng đước nối hàng đước.
Thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc lưới kéo chắn ngang mặt sông, vài ngư dân đang hò nhau kéo lưới lên ghe. Dưới ánh nắng ngược của buổi sớm mai đầy sương khói, bóng dáng của họ hiện lên đẹp lạ thường.
Những ngôi nhà sàn nối nhau lênh đênh trên mặt nước là hình ảnh đặc trưng trên đường tới cực Nam
Nhà cửa ở đây thường lợp lá dừa nước, trước cửa nhà hay có chòi lá để đậu thuyền
Vỏ lãi, hay vỏ tắc ráng là phương tiện di chuyển chủ yếu, giống như những chiếc xe máy trên đất liền
Mọi cửa hàng ở đây đều quay mặt ra sông và có đủ mọi loại dịch vụ: bán nông sản, xưởng máy, tạp hóa, quán ăn, và cả trại hòm (quan tài)...
Trạm xăng độc đáo trên sông nước Cà Mau
Đánh cá là nghề mang lại thu nhập chính cho người dân ở đây
Càng tới gần Đất Mũi, kênh rạch càng chằng chịt, rừng đước càng khép lại hẹp hơn. Chiếc vỏ lãi nhô lên hụp xuống giữa những lớp sóng, nước tung trắng xóa bắn cả vào khoang.
Mở điện thoại, nhìn chấm mũi tên trên bản đồ đang di chuyển dần ra phía biển. Không hẹn mà nhìn nhau, chúng tôi biết trong lòng mỗi người đều dâng lên những cảm xúc thật khó tả, nửa xúc động, nửa hứng khởi.
Ngày đi học, khi nghe những vần thơ về mũi Cà Mau, tôi đã tưởng tượng ra một nơi nào đó thật xa xôi, một vùng đất ngoài tầm bước chân. Rồi những ngày lang thang, tôi vẫn nhớ cảm giác khao khát được tới đây, để nhìn ngắm và cảm nhận một phần “máu thịt” của đất nước mình.
Chỉ có cảm xúc về cái tên Đất Mũi là vẫn còn nguyên vẹn. “Tổ quốc tôi như một con tàu. Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”, từ nơi này, theo từng nhịp sóng vỗ, Tổ quốc ta đang ngày một vươn xa hơn, rộng hơn về phía biển cả.
Tượng đài hình con thuyền biểu tượng cho mũi Cà Mau ở xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) với tọa độ 8º37’30” vĩ độ Bắc, 104º43” kinh độ Đông
Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0) ở mũi Cà Mau
Từ đài quan sát cao 21m, tôi ngắm không chán khung cảnh mênh mông của vùng biển trời. Một bên là đảo Hòn Khoai, có phải một ngày nào đó sẽ được nối với đất liền nhờ phù sa cần cù bồi đắp? Một bên là rừng đước, rừng mắm trải dài ngút ngàn.
“Mắm trước, đước sau”, mắm đâm tua tủa bám đất, rồi đến đước, tràm giữ đất bồi ngày một chắc chắn hơn, trái rụng xuống, cây lại mọc lên không bao giờ ngừng nghỉ.
Khi con người đặt chân đến đây, cây dừa nước lại cho thân mình tạo nên những ngôi nhà che mưa nắng. Chuyện về đất Cà Mau có lẽ là câu chuyện kể không bao giờ hết về những loài cây thô mộc, gần gũi ấy.
Mỗi năm từ mũi đất này đất bồi ra biển hàng chục mét
Những hình ảnh sinh hoạt đời thường của người dân đất Mũi
Theo chân người lái đò vui tính, chúng tôi ghé nhà một người bạn của anh, cùng ngồi trong căn nhà lá nhỏ bé, nhấm nháp ly rượu đế cay nồng với tôm, hà đước và vài con cá khô đậm hương vị biển. Phóng khoáng, cởi mở, đôi vợ chồng trẻ kể cho những người khách phương xa nghe chuyện cha ông mình khai hoang lập ấp, rồi từng lớp người sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ở tại nơi này.
Rẫy (ruộng) lẫn với vuông tôm cá, những nóc nhà ngày một thêm dày, xóm làng ngày một đông vui. Làm nhà thì không kể, nhưng làm đường thì thật khổ cực, đất mùn từ phù sa và bùn cây đước mục nát ở nơi này vừa xốp vừa mềm, chẳng thể tồn tại qua mùa nước lũ.
Người dân đất mũi cần mẫn bồi đắp từng ngày, trộn vào từng vuông đất cả tâm hồn và khát vọng của mỗi người, tạo nên những con đường chắc chắn có thể đứng vững qua thời gian.
Cuộc sống giản dị của người dân đất mũi trong những ngôi nhà lá đơn sơ
Hà bám vào cây đước, một trong những món ăn độc đáo ở Cà Mau
Ra về, khách bùi ngùi mà chủ vẫn còn lưu luyến. Anh bảo thật tiếc khi chúng tôi không thể ở lại qua đêm, mới thực biết thế nào là cuộc sống ở đất Cà Mau này.
Ngồi yên vị trên xuồng cho gió ùa vào mặt, bỗng nhiên tôi lại nghĩ đến một buổi tối thật yên bình, xắn quần lội bùn theo anh đi bắt ba khía, cá thòi lòi, ngồi bên hiên căn nhà lá dừa, vừa hít hà mùi cá nướng nức mũi, vừa nhìn ra rừng đước mênh mông dưới ánh trăng.
Giữa tiếng sóng vỗ rì rào, tôi tưởng như mình nghe văng vẳng đâu đấy có tiếng chim kêu, tiếng đờn ca tài tử da diết. Ai bảo mũi Cà Mau xa xôi, tôi nghĩ rằng khắp trên đất nước này chẳng có nơi nào là quá xa lạ.
Cà Mau, miền đất này dường như khiến người ta đến một lần là không thể quên, thế nhưng ký ức ấy chẳng cụ thể về một con người, một cảnh vật nào.
Chia tay những người bạn mới quen, rời Năm Căn, rồi rời thành phố Cà Mau, chúng tôi xuôi về Bạc Liêu, nơi những dòng nước đen nhường chỗ cho những cánh đồng lúa đang thì con gái, hương thơm ngọt ngào vương lên từng nỗi nhớ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet