Cũng giống ở Việt Nam, đi tìm vẻ đẹp của mùa lúa chín, người ta thường đến Tây Bắc, nơi “kinh đô” của các nấc ruộng thang vàng nổi tiếng thế giới. Còn khi đến Bắc Âu, “kinh đô” của lúa nằm ở quanh các thành phố Ystad, Lund, Malmo… thuộc vùng cực nam Thụy Điển, chỉ cách Đan Mạch bằng cây cầu băng qua eo biển Oresund.
Trước khi hạ cánh xuống Malmo – thành phố lớn nhất miền cực nam Thụy Điển, tôi đã thấy ngập một màu vàng của lúa chín như tấm thảm khổng lồ trùm lên mặt đất, trải dài đến tận chân trời. Ở vùng đất này khi vào mùa lúa chín, khung cảnh trở nên tĩnh lặng hơn bởi tất cả thiên nhiên bị sắc vàng lấn át, điểm nhấn nơi vựa lúa Bắc Âu, chỉ là những con đường như sợi chỉ vắt qua cánh đồng, cũng vắng tanh vắng ngắt không người qua lại.
Ngôi làng quê lần này tôi đến là Ovraby thuộc thành phố Ystad, cả làng chỉ có 8 gia đình, mỗi nhà cách nhau gần cả cây số, điều lạ là sống giữa vựa lúa, nhưng cả làng chẳng ai làm nghề nông, họ đều là những người thành thị, đã nghỉ hưu, đến từ những thành phố lớn như Stockholm, Gothenburg… chọn xứ bình yên này nghỉ dưỡng mùa hè. Những ngôi nhà trong làng được thuê lại từ một chủ đất, người Bắc Âu gọi đó là “nhà mùa hè” để khi hè đến, họ rời bỏ cuộc sống thị thành, tìm về với tĩnh lặng của thiên nhiên, khi mùa đông đến, họ trở lại thành thị hoặc chu du nước ngoài tránh cái khắc nghiệt mùa đông.
Cả làng đều là những cư dân mới, sống lành, chan hòa, dựa vào nhau, thân nhau đến nỗi con gà nhà nào đẻ cũng là một thông tin lý thú, với rổ trứng đủ để chia cho mỗi nhà vài quả. Những mớ rau thơm, những bó hoa dại mọc ngoài bờ dậu, mỗi lần hàng xóm qua lại thăm nhau, họ tặng nhau những món quà quê bình dị như thế.
Hễ ghé nhà nhau mà không có chủ ở nhà, chẳng mấy nhà khóa cửa, cần mượn đồ đạc hoặc vài thứ rau củ quả, cứ tự tiện vào lấy rồi báo lại sau, mọi sinh hoạt của làng cảm giác cứ như một công xã nguyên thủy. Những ngày tìm đến mùa vàng Bắc Âu, tôi thật hạnh phúc khi có được những trải nghiệm đơn sơ của những người nhà quê ấy.
Cũng từ cái vắng vẻ của làng, chỉ vài lần giới thiệu, cả làng đều biết có sự xuất hiện của khách lạ, nên tôi thỏa chí thong dong đây đó trong làng cứ như quen từ lâu lắm, ai gặp cũng nở nụ cười đầy thân thiện. Và ở Ovraby, ngày như dài thêm bởi chẳng có nhiều việc để làm, gặp những lúc như thế, tôi lại lang thang ra cánh đồng lúa vàng quanh làng. Lúa ở đây hầu hết là đại mạch, cao đến ngang lưng, lại là ruộng khô nên cứ thoải mái đi vào các vệt bánh xe xiên trong ruộng lúa để chiêm ngắm một màu vàng bất tận, uốn lượn theo nhịp lên xuống của sườn đồi, đẹp và thanh bình như một miền tiên cảnh.
Đi ngoạn cảnh lúa ở Bắc Âu, cứ như phải chạy đua với thời gian, bởi cả vạt lúa vàng ươm mới thấy đó, đến hôm sau quay lại nhiều khi chỉ còn trơ gốc rạ. Bởi chỉ trong một buổi là nông dân đã thu hoạch xong nhờ cơ giới hóa được trang bị tận răng, hàng chục, hecta chỉ một người nông dân lái máy gặt đập liên hợp, loáng cái là màu vàng của lúa đã biến mất. Tôi đã không ít lần tiếc ngẩn ngơ như thế nơi những thửa ruộng đẹp mà định bụng sẽ quay lại.
Làm bạn với tôi mỗi khi lang thang ngoài ruộng lúa nhiều nhất là bầy chim, thỉnh thoảng là những chú nai, mễn giật mình giữa cánh đồng khi thấy bóng người, vụt chạy nhấp nhô trên lúa vào khoảng rừng thông kế cận. Ở Việt Nam, thấy được mấy con thú này ngoài tự nhiên là điều không tưởng, thế nên cảm giác gặp thú hoang thật thích thú, về ăn bữa cơm tối cùng gia chủ, rối rít khoe khiến ai nấy cười ồ, lúc ấy tôi mới là gã nhà quê bởi rằng ở xứ này, nai – mễn nhiều vô kể.
Mùa lúa chín, cũng là mùa táo, dâu rừng, phúc bồn tử… mọc hoang dại khắp nơi, cái thú lang thang đi bộ trên cánh đồng, khi chồn chân mỏi gối, nhìn vệ đường thấy thấp thoáng những bụi dâu rừng cao chưa quá gang tay, quả giống y như dâu Đà Lạt xứ mình, nhưng chỉ bé bằng đầu ngón tay, chọn những quả chín thẫm, vị chua nhẹ kéo theo là hậu ngọt thanh, ăn mãi không biết ngán.
Mùa vàng của Bắc Âu kéo dài hết mùa thu, khi những đợt lạnh đầu tiên kéo về ở tháng 9, tháng 10, cũng là lúc mùa vàng kết thúc. Cánh đồng chỉ còn lại những đụn cỏ khổng lồ được máy cuốn tròn, người bản xứ gọi là “trứng voi”, dùng làm chất đốt, hoặc chế biến thức ăn gia súc chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới.
Những ngày ở mùa vàng Bắc Âu dẫu ngắn ngủi, nhưng được trải nghiệm lối sống chậm theo kiểu người miền quê, cảm tưởng như được trải qua một kỳ nghỉ đầy thú vị, để rồi khi về lại chốn thị thành, vẫn hơn một lần nhớ những ngày thong dong, ngao du trên nương lúa đại mạch nơi Bắc Âu xa xôi.
Thiên An - TST tourist
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet