Nội dung

Nhắc đến tóc nối, người ta thường nghĩ đến những lọn tóc dài, mềm mại mà luôn bỏ qua nguồn gốc của chúng: những người phụ nữ đã cho đi mái tóc. Arin Brahma - chủ sở hữu công ty Rebelle USA - và Riqua Hailes - chuyên gia về tóc nối danh tiếng ở Los Angeles (Mỹ) - đã hé lộ vài bí mật đằng sau ngành công nghiệp làm đẹp này.

Theo Arin, trước khi tìm hiểu nguồn gốc của tóc nối, điều quan trọng các chị em phải hiểu sự khác nhau cơ bản giữa các loại tóc. Tóc của người châu Á có mặt cắt hình tròn, thường thẳng và dày. Trong khi mái tóc châu Phi có mặt cắt góc cạnh, khiến nó có vẻ thô ráp và xoăn tít. Tóc của hầu hết người da trắng có mặt cắt hình bầu dục. Người Ấn Độ có gốc Á Đông, nhưng sở hữu kiểu tóc giống người da trắng nhất. Điều đó khiến nguồn tóc từ "đất nước sông Hằng" trở thành mặt hàng cao cấp thường được săn lùng.

Làm đẹp bằng tóc nối và mánh khóe ở thị trường chợ đen

nối tóc là xu hướng làm đẹp của nhiều phụ nữ thời hiện đại.

Giới buôn tóc gọi mặt hàng này bằng những cái tên như "hàng sòng phẳng" (fairly trade) hay "hàng đạo đức" (ethical trade). Về bản chất, chúng không có sự khác biệt. Chuyên gia Brahma giải thích rằng, từ "hàng song phẳng" ám chỉ mái tóc được mua đúng với giá trị thực và là dạng trao đổi công bằng. Còn "hàng đạo đức" nhấn mạnh sản phẩm này được thu nhận đúng quy trình và hợp tiêu chuẩn đạo đức. Chuyên gia Hailes đồng tình rằng, hai từ ấy tương đương nhau: "Chẳng hạn một phụ nữ muốn bán tóc để kiếm tiền, trong khi người khác hiến tặng tóc vì mục đích tôn giáo. Hình thức nào cũng là một dạng trao đổi ngang bằng và tự nguyện giữa đôi bên".

Các búi tóc tốt sẽ được bó lại thành từng chùm đuôi ngựa, tỉa tót, đóng gói và bán nguyên vẹn như khi thu mua. Mặt hàng tóc nối được đánh giá chất lượng tốt nhất gọi là "virgin remy" - nghĩa là tóc người tự nhiên, với những sợi xếp đều với nhau và chưa từng trải qua xử lý hóa chất. Kế đến là tóc "remy" cũng được xếp vào loại chất lượng cao nhờ cấu trúc đều đặn, nhưng kiểu tóc này được làm từ tóc từng nhuộm hoặc uốn nên ít nhiều bị hư kết cấu.

Một từ khác được dùng trong giới chuyên môn là "tóc đền" (temple hair), xuất phát từ tập tục từ 5.000 năm trước: cắt tóc dâng hiến lên thánh thần nhằm chứng tỏ lòng thành của các nam phụ lão ấu Ấn Độ. Brahma cho biết, khoảng 15-20 năm trước, toàn bộ tóc đền sau khi cúng sẽ được đốt thành tro vì không có công dụng nào khác. Nhưng bây giờ, với sự phát triển của ngành công nghiệp tóc nối, các tổ chức phi lợi nhuận trong đền chùa quyết định quyên góp tiền cho cộng đồng bằng việc bán tóc, biến tục lệ này trở thành một dạng mới của phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, ba loại tóc cao cấp trên chỉ chiếm khoảng 20% thị trường tóc nối hiện nay. 

80% còn lại được gọi chung là tóc "non-remy" hay "tóc xấu", ám chỉ những mặt hàng tóc kém chất lượng, thường bị pha tạp và khó có thể phân loại. Một bộ tóc bình thường, đồng đều về kiểu dáng và kết cấu mới đảm bảo độ óng ả, suôn mượt. Nếu pha tạp nhiều kiểu tóc với các biểu mô tóc khác loại, sẽ rất khó để vào nếp suôn mượt, nếu không muốn nói là rối nùi, giảm hẳn độ bền. Hơn nữa, một khi đã bị pha tạp, tóc không thể phân loại được nữa.

Làm đẹp bằng tóc nối và mánh khóe ở thị trường chợ đen

Phần lớn tóc nối trôi nổi trên thị trường đều là loại được pha tạp, kém chất lượng, có thể làm ảnh hưởng đến da đầu.

Nguồn hàng xấu từ thị trường chợ đen này do các lái buôn nhỏ lẻ, nghiệp dư thu gom từ tóc của các nhà sư cắt ở đền chùa, hay tóc của nhiều khách hàng cắt ở salon làm đẹp. Chưa hết, lái buôn cũng tìm đến những vùng nghèo khó ở trung quốc , dụ dỗ phụ nữ bán tóc rụng bằng cách trao đổi những món kẹp trang trí, đồ gia dụng hay đôi khi bằng tiền. Thậm chí, họ gạt bỏ cả vấn đề đạo đức khi nhu cầu quá cao mà nguồn cung bị thiếu. Khi ấy, việc bắt cóc phụ nữ để cướp tóc, hoặc lấy tóc từ người vừa qua đời trở thành một vấn nạn.

Brahma và Hailes tiết lộ một trong những chiêu trò của các thương lái: "Họ có thể lấy tóc chết (tóc rụng dưới sàn hoặc mắc vào lược) nhào nặn thành tóc nối hạng virgin remy". Quy trình đầu tiên là ngâm tóc mới thu mua trong một bể acid lớn. Toàn bộ biểu mô tóc xấu sẽ bị phân rã, giúp giải quyết gọn vấn đề tóc rối, không vào nếp nhưng làm tóc mất đi vẻ óng ả, bóng mượt bình thường. Thương lái tiếp tục ngâm sản phẩm vào bể silicone, nhằm tạo một lớp áo mỏng làm giả độ bóng và chắc khỏe của tóc. Mắt thường sẽ không phát hiện được lớp phủ nhân tạo này. Nhưng chỉ cần qua 6-8 lần gội đầu, nếu để ý kỹ người dùng sẽ nhận ra.

Ngành công nghiệp tóc nối có những thay đổi đáng kể chỉ trong vòng 6 năm qua. Lợi nhuận từ việc bán tóc "remy" và "virgin remy" gấp hàng chục lần vốn đầu tư cho việc thu mua tóc xấu và bộ hóa chất tẩy rửa đi kèm. Sự tinh vi của thị trường chợ đen khiến chất lượng tóc giảm thấp mà vẫn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Hailes nhận định: "Nhiều phụ nữ phải trả hàng nghìn USD để mua tóc chết từ các thương lái lừa đảo mà vẫn lầm tưởng rằng đó là tóc hạng virgin remy".

Vấn đề lớn nhất trong ngành công nghiệp tóc nối chính là sự gian dối. Không một thương hiệu tóc giả nào dám nhận mình sử dụng hàng non-remy. Còn thương lái sẽ tận dụng điểm yếu là không thể phân biệt chỉ bằng mắt thường và sờ vào mà phải chờ quá trình sử dụng để kinh doanh có lợi. Không những thế, làm giả nguồn tóc cũng là một điều phổ biến, nhất là "tóc Brazil" - nổi tiếng về độ đen, bóng mượt và chắc khỏe. Rất nhiều bộ "tóc Brazil" được bày bán thực chất có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc, được đóng gói sang Brazil.

Theo Hailes, ngành công nghiệp tóc nối còn quá mới nên vẫn chưa có quy định chặt chẽ. Thương lái có thể dán bất kỳ nhãn hiệu nào có thể và hậu quả không lường trước được. "Là một người trong ngành, tôi thường xuyên phải đi vòng quanh thế giới để tận mắt xem nguồn nguyên liệu của mình thực sự đến từ đâu", cô khẳng định.

Sao Mai

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục