A Pa Chải nằm tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, là nơi đặt cột mốc đánh dấu lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Đường đi ở đây đầy khó khăn và thử thách nhưng vẫn là sự lựa chọn của nhiều người. Với sự chuẩn bị kỹ càng cùng những gợi ý tham khảo dưới đây, bạn vẫn có thể chinh phục cột mốc này.
Niềm vui của các phượt thủ tại nơi : " gà gáy ba nước cùng nghe". Ảnh: Thanh Tuyết
Thời gian
Thời điểm tốt nhất để đi A Pa Chải là mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4 Dương lịch. Vào lúc này, đường sá không bị sạt lở hay trơn trượt, thuận lợi cho việc di chuyển. Trong đó, khoảng thời gian này còn có tháng 2 Âm lịch với lễ hội Cúng bản đầy hấp dẫn của người Hà Nhì.
Di chuyển
Phương tiện tốt nhất để khám phá A Pa Chải là xe máy. Tùy điều kiện thể chất và thời gian, bạn có thể đi thẳng từ Hà Nội hoặc gửi xe theo ô tô.
Ô tô: Từ Hà Nội, du khách bắt xe giường nằm tại hai bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát, chuyến tới Điện Biên. Thời gian di chuyển khoảng 14h. Giá một vé ít nhất 350.000 đồng một người.
Máy bay: Bạn có thể đáp chuyến bay thẳng từ Hà Nội. Đi theo cách này, thời gian rút ngắn xuống còn 1h.
Xe máy: Từ Hà Nội, bạn đi theo quốc lộ 6, qua thị xã Hòa Bình, Cao Phong, thị trấn Mộc Châu, Yên Châu, Lai Châu, Thuận Châu, Tuần Giáo, quốc lộ 279 đến Điện Biên Phủ. Từ đây, tiếp tục di chuyển lên Mường Chà, Mường Nhé là đến A Pa Chải.
Tại Lào Cai, du khách có thể chọn xe máy đến Sa Pa, qua đèo Ô Quy Hồ, Tam Đường, Phong Thổ. Tiếp tục theo đường 12 tới Sìn Hồ, Mường Lay, Mường Chà, Mường Nhé, A Pa Chải.
Hiện nay, việc di chuyển từ Điện Biên đến A Pa Chải đã dễ dàng hơn. Đường rộng và thoải mái, các đoạn offroad, sạt lở vẫn còn nhưng không nhiều. Bạn có thể đi xe máy tới thẳng chân núi để bắt đầu hành trình chinh phục. Ảnh: Diệu Huyền.
Thủ tục
Trước đây, lên A Pa Chải cần có giấy xin phép của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên. Hiện nay, bạn chỉ cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, bằng lái xe... Nếu đi theo đoàn đông, bạn nên cẩn thận xin giấy giới thiệu từ công ty.
Nghỉ đêm
Tùy vào lịch trình, bạn có thể nghỉ đêm tại các khách sạn ở Điện Biên, Mường Nhé, bản Sín Thấu hoặc đồn biên phòng 317.
Ở bản Sín Thầu, trước khi xin nghỉ, bạn nên gặp trưởng bản để trình bày và đăng ký tạm trú.
Tại đồn biên phòng 317, hãy lưu ý thời gian để tiện cho việc đón tiếp và bố trí chỗ ăn nghỉ.
Giá nhà nghỉ, khách sạn dao động 250.000 - 500.000 đồng một phòng, tùy chất lượng.
Vật dụng chuẩn bị khi lên cột mốc:
Ngoài thuốc men, áo mưa, thiết bị điện tử..., bạn nên chuẩn bị thêm các vật dụng sau đây:
Bọc khớp mắt cá (bọc gót) và đầu gối. Vật dụng này giúp bạn tránh được chấn thương khi va chạm và giữ khớp xoay đúng vị trí khi xuống núi.
Nước muối nhạt sẽ giúp không bị mất nước. Chỉ nên uống mỗi lần một ngụm nhỏ và ngậm ở cổ họng trước khi nuốt. Không nên uống liên tục.
Găng tay gai bảo vệ để không bị gai hay cỏ tranh cào.
Đồ ngọt sẽ duy trì sức khỏe cho bạn trong suốt hành trình.
Bạn nên chọn loại giầy đế kếp có khả năng bám đường cao. Ảnh: Diệu Huyền.
Lưu ý:
Nên chuẩn bị cơm trưa nếu bạn không đăng ký tại đồn biên phòng.
Giữ vệ sinh chung tại những nơi bạn lưu trú, đặc biệt là đồn biên phòng hay bản Sín Thầu.
Không vứt rác, chai lọ dọc đường đi.
Thời gian lên cột mốc mất khoảng 4h và xuống là 3h. Do vậy, bạn nên bắt đầu hành trình vào buổi sáng để thuận tiện cho việc đi lại, nghỉ ngơi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet