Các quan chức cấp cao của Ford và Volvo đã có những buổi đàm phán với đối tác Changan Auto về việc chuyển quyền kiểm soát Volvo sang nhà sản xuất Trung Quốc.
Thông tin được đăng tải trên tờ National Business Daily ngày 9/12, do một nguồn tin thân cận với Changan tiết lộ. Trước đó, tại triển lãm Quảng Châu 2008, Volvo đã đàm phán khá lâu với Tổng giám đốc Changan, Xu Liuping. Thông tin này được phòng quan hệ cộng đồng của Changan xác nhận.
Sau khi Ford toàn cầu tuyên bố kế hoạch điều chỉnh Volvo, Tổng giám đốc Ford châu Á Thái Bình Dương, Ford Trung Quốc và Volvo Trung Quốc đã tới gặp Tổng giám đốc Changan ở đại bản doanh hãng này ở Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên.
Chiếc A6 coupe của Chery, hãng xe nội địa lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Paultan. |
Những buổi đàm phán kín là dấu hiệu cho thấy Ford sẽ công bố bản kế hoạch cải tổ Volvo có liên quan chặt chẽ đến Changan. Và rất có thể, hãng xe Trung Quốc sẽ thay Ford điều hành nhà sản xuất Thụy Điển.
Changan là đối tác thân cận của Ford và Volvo ở Trung Quốc. Vì thế, những thỏa thuận có thể dễ dàng đạt được hơn. Hiện tại, liên doanh Changan Ford Mazda vẫn đang sản xuất các mẫu Volvo S40 và S80.
Theo tờ báo Anh Sunday Mail, ngoài Changan hãng xe Mỹ cũng đang tiếp xúc với Thượng Hải Auto (SAIC) về việc mua lại Volvo.
Không chỉ nhòm ngó thương hiệu hạng sang Volvo, Thượng Hải Auto cùng Dongfeng Motor còn được cho là đang tăm tia hãng xe lớn nhất thế giới. Không đủ tiền mua toàn bộ nhưng SAIC và Dongfeng quan tâm đặc biệt tới những tài sản công nghệ của GM.
Trước khủng hoảng của các ông lớn Mỹ cũng như sự xuống dốc của ôtô Nhật và châu Âu, các chuyên gia nhận định các hãng xe Trung Quốc và Ấn Độ đang có cơ hội thâu tóm thị trường.
Trong blog mang tiêu đề "Hãy cứu lấy Detroit", Martin Eberhard, người đồng sáng lập hãng Tesla Motor cảnh báo "cả thế giới sẽ bị 'đầu độc' bởi xe Trung Quốc".
"Trong những năm tới, chúng ta có thể phải nghe những cái tên như Dongfeng Corvette, Tata Mustang hay mẫu xe mới Hebei Zhongxing Jeep. Công nghiệp ôtô Mỹ có nguy cơ theo bước nước Anh, nơi những thương hiệu nổi tiếng lại nằm trong tay các ông chủ nước ngoài", Martin Eberhard viết.
Nhận định của Martin Eberhard có phần quá ảm đạm nhưng những dấu hiệu cho sự bành trướng ôtô Trung Quốc ngày càng rõ ràng. Các hãng xe nước này vẫn ăn nên làm ra và gần như chưa bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Sở hữu lượng tiền mặt lớn, những SAIC, Dongfeng, Nam Kinh hay Chery hoàn toàn có thể mua một thương hiệu đang đà lỗ như Volvo, Saab hay Pontiac.
Mới đây, sau nhiều lần thỏa thuận, Chrysler và Chery đã đồng ý hợp tác sản xuất xe hạng nhỏ ở đất nước đông dân nhất thế giới rồi xuất sang Mỹ và các nước khác. Như vậy, xe Trung Quốc đã nhận được "giấy bảo đảm" để lăn bánh trên đường phố Mỹ vào năm sau.
Nguyễn Nghĩa (theo Gasgoo, Edmunds, AP)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet