Video: Con trai chị Hà Trang chăm chỉ làm việc nhà giúp mẹ
Mới đây, video chị Đoàn Phạm Hà Trang chia sẻ về con trai lớn Subi mới 6 tuổi đã nấu cơm, rửa bát, lau dọn bồn rửa thành thục gây sốt cộng đồng mạng. Không ít người dành lời khen cho Subi cũng như chị Hà Trang về cách dạy con.
Được biết, chị Trang là một hotmom Việt sang Úc định cư được 7 năm nay, hiện chị đang là giáo viên mầm non sống ở Sydney. Với nhiều bí quyết hay chia sẻ về phương pháp dạy con hữu ích, ngoài Subi, bé Subo mới 2 tuổi cũng đã phụ giúp được vợ chồng chị rất nhiều công việc nhà.
Tổ ấm nhỏ của chị Hà Trang ở Úc.
Cùng trò chuyện với hot mom Hà Trang để tìm hiểu về những bí quyết hay của chị trong chuyện nuôi dạy con.
Xin chào chị Hà Trang, trên facebook có rất nhiều mẹ bỉm sữa dành lời khen tới chị, không biết một ngày của bà mẹ hotmom có tất bật nhiều với hai con trai?
Vợ chồng mình có 2 bé trai, Subi 6 tuổi và em Subo 2 tuổi. Ông xã đi làm từ sáng tới chiều, nên việc nhà và các con mình gần như đảm nhiệm hết. Cuộc sống ở nước ngoài không có sự trợ giúp của ông bà nội ngoại và người giúp việc như ở Việt Nam, do đó bận rộn là điều không tránh khỏi.
Một ngày của mình thường bắt đầu lúc 7h sáng khi Subo thức dậy và kết thúc lúc 7h tối khi hai bạn nhỏ đã đi ngủ. Sau 7h là "me time" của mình.
Nhiều người ngưỡng mộ chị khi dạy 2 bạn nhỏ biết làm nhiều việc, phụ giúp bố mẹ, còn với chị, chị đã cảm thấy hài lòng với thành quả đó?
Thật ra, mình hướng các con tự chăm sóc bản thân và làm việc nhà là cho chính các con. Càng tự làm được nhiều việc bao nhiêu, các con càng ít bị phụ thuộc bấy nhiêu. Cuộc sống sẽ nhờ đó mà tự do hơn, các con cũng từ đó tự tin hơn. Do đó, hai bạn nhỏ ý thức rõ rằng, mình đang làm cho chính mình chứ không phải đang giúp bố mẹ.
Mình nhìn thấy niềm vui trong mắt các con khi được làm việc và thực sự tự hào về bản thân trong các con khi ra những nơi công cộng hoặc đến lớp trường có thể tự làm nhiều thứ. Cho đến thời điểm này, đầu việc Subi, Subo làm được tương đối nhiều. Mình và chồng đều rất vui vì các con yêu lao động. Nhưng gọi là thành quả, mình không dám nhận, vì đó là những điều rất cơ bản của cuộc sống mà các con cần phải biết.
Là bạn đồng hành cùng con từ nhỏ, chị luôn lưu tâm chỉ bảo con kỹ càng, tạo dựng nên những bước đệm trong những giai đoạn chuyển giao của con để mọi việc diễn ra nhẹ nhàng.
Để có thể dạy 2 bạn nhỏ được như hiện nay, chị Hà Trang đã trải qua thời gian vất vả như thế nào?
Mình không dám nhận mình "dạy" con đâu, chỉ dám nhận là "chỉ bảo" thôi. Thật ra, Subi và Subo mới là người thầy dạy cho mình rất nhiều thứ. Có lẽ người vất vả là con vì phải chung sống với bố mẹ ở lứa tuổi khác biệt quá lớn. Việc của bố mẹ là hưởng thụ tuổi thơ của con, mà biết hưởng thụ đúng cách thì rõ ràng nuôi con là một chuyến du lịch đầy thú vị chứ.
Mình làm mẹ nhàn lắm. Có lẽ vì biết sắp xếp công việc và chịu cập nhật kiến thức về trẻ nhỏ. Nhưng mình nghĩ, quan trọng hơn cả là mình chịu khó rủ rỉ nói chuyện với các con từ ngày còn trong bụng cho đến khi chào đời và trong suốt quãng đường lớn đến hôm nay: Mẹ cảm nhận thế nào? Mẹ nhìn nhận sự việc này ra sao? Nếu là mẹ mẹ sẽ làm thế nào?
Trải qua mỗi việc mình đều tâm sự với con như thế. Rồi mình hay chỉ bảo con những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Dần dần các con lớn lên qua những câu chuyện hàng ngày của mình, trở thành hai bạn nhỏ tình cảm, tinh tế, hiểu chuyện và dễ chịu lắm.
Hiện nay, Subi và Subo đã phụ giúp được bố mẹ những công việc gì, thưa chị?
Subi và Subo đã làm được tương đối nhiều việc. Subo đã có thể tự dọn đồ chơi sau khi chơi xong, cho quần áo bẩn vào máy giặt, lấy quần áo từ máy giặt mang ra sân để mẹ phơi, thi thoảng còn giúp mẹ cọ toilet dù tay lóng ngóng, quét sân, tưới cây và cắt cỏ cùng bố.
Subi tự làm tất cả những việc cá nhân như dọn giường, dọn phòng ngủ, giữ phòng luôn sạch sẽ, sửa soạn bàn ăn, thu dọn mâm cơm, rửa bát, cất bát từ máy rửa bát vào tủ, vệ sinh nhà tắm và toilet, lau nhà, đặt cơm, tự chuẩn bị bữa sáng cho mình, pha cà phê cho mẹ,…
Vì được tiếp xúc với lao động từ nhỏ nên điểm đặc biệt nhất ở Subi, Subo khiến mình và ông xã vô cùng ấm lòng đó là thấu hiểu và trân trọng mọi thứ các con có.
Các con biết để đạt được thành quả cần chăm chỉ, cố gắng, biết vượt qua khó khăn và cần quyết tâm. Các con hiểu, con có bữa ăn ngon là do mẹ đã bỏ công sức ra nấu. Vào bữa cơm biết chờ bố mẹ cùng ngồi xuống rồi mới ăn, biết mời, biết ý tứ dọn dẹp sau khi ăn xong. Dẫu món ăn có lúc đậm nhạt cũng biết ý tứ góp ý sau bữa ăn: "Mẹ ơi, Bi thấy món thịt kho hôm nay mình ăn có vẻ hơi đậm một tí mẹ ạ".
Các con biết bố đã đi làm vất vả để kiếm tiền nên bố đi làm về con nhận ra qua đôi mắt bố sự mệt mỏi, liền hỏi thăm: "Bố ơi, bố đi làm mệt lắm không bố?". Hay như Subo mới 2 tuổi, nói một câu dài còn ngắt quãng, nhưng thấy mắt mẹ mệt, ra ôm lưng mẹ, rồi đấm đấm lưng nói: "Mẹ mệt, Bo đấm lưng mẹ", dù mẹ chưa hề than thở tí nào. Đó là điều khiến vợ chồng mình vui nhất. Vì trẻ nhỏ bây giờ lớn lên đủ đầy và sung sướng hơn xưa rất nhiều. Nhưng vì đủ đầy quá, đôi khi các con dễ vô ý và vô tâm.
Subi có thể làm tất cả công việc nhà.
Subo mới 2 tuổi cũng đã giúp mẹ được hút bụi nhà, tự ăn ngon,...
Không biết, chị mất bao lâu để có thể hướng dẫn con làm được những việc nhà này?
Với cả hai bạn mình đều không mất nhiều thời gian hướng dẫn các bạn làm việc đâu. Vì từ nhỏ mỗi lần làm gì, mình đều cho các con cùng ngồi cạnh. Mẹ cứ vừa làm, vừa giải thích cho con. Lúc ấy các con cũng làm, nhưng là nghịch thôi. Nhưng chính giai đoạn nghịch ấy lại là tiền đề để các con lĩnh hội mọi thứ.
Sau đó, khi các con đến tuổi phù hợp để tự làm, mình sẽ mất khoảng vài buổi đứng bên cạnh, chỉ cho các con tỉ mỉ từng bước và yêu cầu cần đạt được với mỗi bước. Nói không với qua loa ngay từ đầu thì các con sẽ làm việc một cách hiệu quả và bố mẹ không phải đi sau để làm lại.
6 năm đầu đời là giai đoạn vô cùng quan trọng dành cho trẻ, chị Hà Trang áp dụng phương pháp nào để dạy Subi và Subo?
Mình đồng hành cùng Subi, Subo theo "phương pháp của mẹ". Là một người gắn bó với trẻ nhỏ, cá nhân mình không khuyến khích những người mẹ quá nặng nề việc giáo dục con theo một phương pháp cụ thể nào.
Làm mẹ là một công việc không dễ dàng. Công việc này đòi hỏi người mẹ phải luôn không ngừng học hỏi và cập nhật mình theo con mỗi ngày. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, đó là mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, chúng cần bố mẹ đón nhận chúng như con người chúng vốn là.
Người mẹ hơn ai hết cần là người biết lắng nghe con, thấu hiểu con theo đúng tần số nhịp đập con tim con. Lắng nghe và thấu hiểu luôn luôn là phương pháp hiệu quả nhất, đồng thời cũng là khó khăn nhất để cùng con trưởng thành.
Hai anh em tự chuẩn bị bữa ăn sáng.
Chị kết hợp ra sao phương pháp dạy hiện đại ở Úc với phương pháp truyền thống của cha mẹ xưa trong việc dạy cho Subi và Subo?
Thời đại thay đổi, quan niệm nuôi con cũng có nhiều thay đổi. Mình trân trọng những gì lớp bố mẹ cũ truyền lại cho con cái. Tuy nhiên, trong quá trình làm mẹ mình cũng loại bỏ đi những điều không còn hợp lý và chỉ cho Subi, Subo khéo léo từ chối những điều không hợp lý ấy nếu gặp phải.
Trong quan niệm cũ "Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời bố mẹ trăm đường con hư". Mình xây dựng cho Subi và Subo rằng, con cần có tư duy độc lập, cần tự tin bày tỏ quan điểm của mình, bố mẹ chỉ là người chia sẻ lại những kinh nghiệm đi trước với con, cho con lời khuyên chứ không áp đặt suy nghĩ và quyết định của mình lên con. Cái giỏi của bố mẹ là làm sao khéo léo định hướng để con nhìn thấy lời khuyên của bố mẹ là hợp lý và hữu ích.
Trong giao tiếp với Subi mình không dùng "phải", thay vào đó mình hay dùng cụm từ "theo mẹ thì" hoặc "mẹ nghĩ là… con nên". Cho con thấy mẹ chỉ bày tỏ suy nghĩ cá nhân của mẹ với con, còn con quyết định thế nào mẹ đang tôn trọng con. Vậy là con vẫn lắng nghe mà vẫn thấy mình được tôn trọng.
Hay như trong gia đình, các con hoàn toàn được góp ý về thái độ, lời nói, cử chỉ của bố mẹ nếu con thấy chưa hợp lý. Tuy nhiên, con cần góp ý với thái độ đúng mực và tế nhị. Bố mẹ cũng vậy. Khi Subi thấy bố nói hơi to, Subi sẽ góp ý với bố : "Bố ơi, bố có thể hạ giọng xuống một chút được không ạ?".
Bình đẳng và tôn trọng là điều mình luôn cố gắng duy trì trong gia đình. Không thể vì các con còn bé mà bố mẹ không tôn trọng hay thiếu bình đẳng với con. Cốt lõi là bình đẳng, tôn trọng và mỗi người cần xác định được giới hạn cho phép của mình.
Chị có những quan niệm nào trong dạy con cho rằng mình đi ngược lại mọi người?
Theo dõi facebook mình, chắc các bạn sẽ thấy mình là người mẹ hầu như chuyên đi ngược dòng đấy.
Mình cho các con ngủ riêng từ khi mới sinh. Mấy tháng đầu là riêng giường. Ba, bốn tháng trở ra là riêng phòng. Mình lắp các thiết bị đảm bảo an toàn cho các con trong phòng. Như vậy các con và bố mẹ đều có giấc ngủ ngon để đảm bảo sức khỏe và mẹ vẫn có thể nắm tình hình con nếu con khóc hoặc có chuyện gì xảy ra.
Mình khuyến khích các con làm việc từ khi còn rất nhỏ. Trong mắt nhiều ông bà có khi là mình đang bắt nạt con vì bé tí mà bắt nó làm. Nhưng quan điểm của mình là "tuổi nào làm việc nấy". Cần cho các con làm quen với lao động phù hợp với lứa tuổi. Chính việc lao động này giúp ích rất nhiều cho phát triển trí não và sự hình thành nhân cách ở trẻ.
Động viên để các con biết nói "không" với những việc chưa đúng và bày tỏ quan điểm khi cần. Khi Subi 3,5 tuổi, một cô giáo ở trường vài tuần liền có thái độ không vui với Subi. Mình phân tích và khuyến khích con tự đến đối thoại và giải quyết vấn đề với cô giáo. Hỏi cô xem lý do gì khiến cô không vui. Mình để con học được cách tự giải quyết vấn đề.
Còn nhiều lắm những việc mà nếu kể ra có thể rất nhiều bố mẹ sẽ nhìn mình với con mắt "lạ đời" lắm. Ngược dòng luôn đòi hỏi phải có một lực khỏe. Và mình sẽ luôn khỏe để đi ngược dòng nếu đó là điều phù hợp và tốt nhất với con mình.
Việc đồng hành cùng Subi và Subo hỗ trợ chị rất nhiều trong vai trò một cô giáo mầm non ở trường.
Vợ chồng chị có khi nào mâu thuẫn trong cách dạy con của mình?
Rất may mắn, chồng mình luôn ủng hộ mình trong việc nuôi dạy Bi, Bo. Trước đây, hồi mới có Subi, cũng có một đôi lần vợ chồng mình không đồng quan điểm.
Khi mình cho Subi ăn dặm theo Phương pháp Bé tự chỉ huy, ăn thô ngay từ đầu. Chồng mình lần đầu nhìn con ăn cũng lo lắng lắm, lo con hóc, không có gì trong bụng. Nhưng khi anh thấy con ăn say mê và hứng thú với từng bữa ăn, anh nhận ra hiệu quả của cách ăn mình lựa chọn là cho trẻ nhỏ luôn có một tình yêu với ăn uống, luôn coi mỗi bữa ăn là một sự hưởng thụ.
Khi mình để cho chồng thấy là mình đang làm những điều tốt nhất cho con và thực sự điều đó mang lại hiểu quả đúng đắn, anh hoàn toàn ủng hộ mình trong những quan điểm nuôi dạy Bi, Bo. Mình cũng luôn trao đổi, bàn bạc cùng chồng trước mỗi việc liên quan đến con. Hai vợ chồng nhất quán quan điểm, mọi việc đều dễ dàng.
Theo chị, bố mẹ Việt nên làm gì để dạy con có trách nhiệm về công việc ngay từ nhỏ?
Có một điều, mình thực sự mong bố mẹ Việt truyền thống sẽ thay đổi quan niệm về việc trẻ nhỏ lao động. Khi nhìn thấy một đứa trẻ làm việc nhà, câu mình thường nghe thấy là: "Thế này thì bố mẹ được nhờ rồi", hoặc "Giúp mẹ được khối việc rồi nhỉ". Đó không phải là mục đích lao động cần gieo vào đầu trẻ.
Cốt lõi của việc để trẻ làm việc nhà đó là để các con được tồn tại là một cá thể độc lập. Tức là các con cần phải biết làm và làm thuần thục những việc rất cơ bản của cuộc sống. Con gái hay trai cũng đều cần biết làm để cho chính các con chứ không phải vì ai, không phải để giúp ai. Khi các con biết làm sẽ tự lập, sẽ biết thấu hiểu, sẽ trở thành những người ý tứ. Việc xác định mục đích của lao động cho trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet