thị trường xe máy việt nam chứng kiến bước chuyển mình khá nhanh kể từ đầu những năm 2000. Đi đúng theo quy luật của những thị trường mới nổi, ban đầu mức giá là yếu tố then chốt quyết định sức cạnh tranh của mỗi mẫu xe. Nhưng sau đó, khi xe máy dần trở nên phổ biến, thu nhập người dân đẩy lên mức cao hơn thì yếu tố giá cả không còn quan trọng nhất, thay vào đó là thiết kế hợp mắt.
Chỉ khoảng vài năm sau, sự xuất hiện của công nghệ cao ảnh hưởng đến vận hành như phun xăng điện tử fi mới là tâm điểm cuộc chơi. Dần dà, khách hàng đặt công nghệ là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn sản phẩm.
honda pcx 2014 lắp động cơ eSP.
Honda giới thiệu động cơ eSP vào tháng 7/2012, eSP là viết tắt của enhanced Smart Power, nhằm hướng tới thế hệ động cơ thông minh bằng việc tích hợp các công nghệ điện tử gồm phun xăng điện tử PGM-FI, bộ đề tích hợp máy phát ACG, Idling Stop tự động tắt máy khi dừng xe quá 3 giây cùng công nghệ giảm thiểu ma sát.
Mục đích Honda khi sản xuất eSP là tạo ra loại động cơ hiệu suất cao, tiết kiệm nhiên liệu và vận hành êm ái trên nền tảng sử dụng các công nghệ điện tử hỗ trợ. Cũng có mục đích như Honda, nhưng Yamaha lại chọn cách đi khác, tối ưu hóa ngay từ thiết kế từng chi tiết động cơ để đạt hiệu quả mà không sử dụng công nghệ điện tử hỗ trợ.
Động cơ Blue Core ra mắt hồi đầu tháng 7 nhưng thai nghén từ tháng 12/2009 và chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên sau đó sẽ dùng cho nhiều phân khúc khác trên toàn cầu. Về cơ bản Blue Core là động cơ 125 phân khối , 4 thì, xi-lanh đơn, làm mát bằng không khí, phun xăng điện tử. Đường kính xi-lanh 52,4 mm, hành trình piston 57,9 mm, tỷ số nén 11:1.
Phía bên kia, Honda eSP là loại 125 phân khối, 4 thì, xi-lanh đơn, làm mát bằng dung dịch, phun xăng điện tử. Đường kính xi-lanh 52,4 mm, hành trình piston 57,9 mm, tỷ số nén 11:1.
Như vậy về cơ bản, eSP và Blue Core có thiết kế xi-lanh tương đồng khi có đường kính và hành trình piston giống nhau, tỷ số nén đều là 11:1. Điểm khác biệt lớn nhất là eSP làm mát bằng dung dịch trong khi Blue Core làm bát bằng không khí, eSP sử dụng loạt công nghệ điện tử hỗ trợ còn Blue Core thì không.
Động cơ Blue Core sắp lắp trên mẫu xe ga mới của Yamaha.
Yamaha cho biết Blue Core có hệ thống làm mát không khí đã tối ưu vì thế không cần dùng dung dịch. Công nghệ đúc xi-lanh DiASil, tăng số lượng lá tản nhiệt, ốp quạt cấu trúc mới và hệ thống rãnh dầu làm mát piston là các yếu tố kết hợp giúp đạt hiệu suất tản nhiệt.
Để tiết kiệm nhiên liệu, ngoài FI thì eSP còn nhấn mạnh vào hệ thống Idling Stop - tự động tắt máy khi dừng xe quá 3 giây, khởi động lại khi khẽ nhích tay ga. Blue Core cũng có FI nhưng không tích hợp thêm công nghệ, mà tiết kiệm nhiên liệu chính thông qua việc thiết lập vòng tua thấp ở dải tốc độ thực tế, giảm lượng tiêu hao đặc biệt trong các tình huống tắc đường.
Thực tế eSP trên các mẫu xe như SH, SH Mode, PCX hay Air Blade cho mức tiêu hao nhiêu liệu giảm 20-30% so với thế hệ động cơ trước đó. Yamaha chưa có mẫu xe thực tế lắp Blue Core, nhưng khẳng định sẽ giảm khoảng 50% so với những xe ga hiện hành của hãng.
Sự êm ái của eSP đến từ bộ đề tích hợp máy phát ACG, giảm tối đa các liên kết dẫn động, vừa có chức năng khởi động, vừa như máy phát điện giúp xe khởi động và tái khởi động dễ dàng. Trong khi đó Blue Core có thiết kế thiết kế vòng tua thấp khiến máy không rung giật khi chạy ít ga, giảm tiếng ồn.
Blue Core của Yamaha cho biết đạt mức công suất tối đa sớm hơn 2.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại sớm hơn 1.500 vòng/phút so với các xe ga hiện nay của hãng. Nếu so với Luvias FI 2014 đang là 9.000 và 6.500 vòng/phút thì Blue Core sẽ đạt các chỉ số trên ở khoảng 7.000 và 5.000 vòng/phút, tức đều sớm hơn SH 125i với công suất tối đa ở 8.500 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại ở 6.500 vòng/phút.
Cả eSP và Blue Core đều sử dụng các công nghệ giảm thiểu ma sát giữa các chi tiết máy, đốt cháy hoàn hảo với dòng hỗn hợp nhiên liệu đi vào buồng đốt ở tốc độ cao. Muốn có được so sánh chính xác về vũ khí của hai hãng xe, khách hàng phải chờ tới khi Yamaha áp dụng Blue Core lên mẫu xe đầu tiên để có trải nghiệm thực tế.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet