Đua MotoGP có 3 phân hạng: MotoGP 800cc, 250cc và 125cc. Tuy nhiên những chiếc xe đua hạng MotoGP mới là những tuyệt phẩm về tinh hoa công nghệ kỹ thuật của nhà sản xuất.
NHỮNG THÁCH THỨC VỚI NHÀ THIẾT KẾ
Xe đua MotoGP được thiết kế, chế tạo để sử dụng đặc biệt trên đường đua, không bán ra thị trường. Nó là những cỗ máy 2 bánh thần tốc, có thể vượt hơn 340 km/h hay tăng tốc 0 - 100 km/h khoảng 2,5 giây. Theo quy định, xe đua MotoGP bị nghiêm cấm sử dụng hệ thống supercharge hay turbocharge và hộp số không quá 6 cấp. Năm 2002, ngoài kiểu động cơ 2 thì 500cc, lần đầu tiên động cơ 4 thì 990cc tranh tài. Đến 2007, phân hạng MotoGP giảm dung tích xuống còn 800cc.
Xe đua ở MotoGP thường được làm từ các vật liệu siêu nhẹ và đắt tiền như titan và plastic gia cường sợi carbon. Những cải tiến về công nghệ này không được tiết lộ rộng rãi, tuy nhiên cũng có ngoại lệ như Ducati đã áp dụng công thức 990cc để chế tạo chiếc xe phổ dụng Desmosedici với số lượng giới hạn và bán ra thị trường US với giá thành tận 85.000 USD.
Năm 2009, Yamaha đã giới thiệu chiếc R1 ứng dụng cấu hình trục khuỷu và thời điểm đánh lửa khá tương đồng như ở cỗ máy M1 của mình. Đây là những ví dụ về việc áp dụng công nghệ xe đua vào những mẫu xe thương mại, một xu hướng đã diễn ra nhiều thập kỷ qua và hẳn sẽ còn tiếp diễn.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với cả các tay đua và nhà thiết kế là làm thế nào để chuyển tải tối đa lượng công suất đồ sộ, hơn 240 mã lực, thông qua phần tiếp xúc của lốp sau mà ước chừng diện tích chỉ bằng bàn tay người. Để so sánh, những xe đua F1 có thể tạo công suất tới 750 mã lực từ động cơ 2.400cc, nhưng bề mặt tiếp xúc của lốp lớn hơn gấp 10 lần. Bởi vậy mà MotoGP rất đặc biệt trong các môn đua xe thể thao hiện đại mà các đội phải thường xuyên cân nhắc rất kỹ càng những điều chỉnh về động cơ để cho phép các tay đua của mình có thể kiểm soát chúng hiệu quả.
Trong kỷ nguyên xe 2 thì, nhiều cỗ máy 500cc đã không thể tạo hơn 180 đến 190 mã lực dù công suất tối đa tiềm tàng từ động cơ của chúng là cao hơn. Hiện nay, điều này được thay đổi nhờ vào cải tiến của hệ thống kiểm soát lực kéo. Một công nghệ mới khác được sử dụng là cảm biến góc nghiêng cho phép điều chỉnh công suất ra dựa trên cơ sở góc nghiêng ngang của xe. Hệ thống này làm việc kết hợp với kiểm soát lực kéo để giữ cho bánh sau không bị mất độ bám đường.
HỆ THỐNG PHANH XE
Khi bóp phanh trước, 90% tổng trọng lượng đè nặng lên bánh trước, do đó dễ thấy phần đuôi xe có xu hướng hất lên khỏi mặt đường về phía trước. Hệ thống phanh đĩa xuất hiện lần đầu tiên vào đầu thập niên 70 và ban đầu nó được cấu tạo bằng thép, nên kém hiệu quả khi trời mưa. Cùng với sự phát triển về công nghệ kỹ thuật, đĩa carbon xuất hiện với ưu điểm nhẹ và ổn định nhiệt, cảm giác phanh bằng đĩa carbon ở vòng đua thứ 25 không khác biệt so với ở vòng đua thứ 2. Nếu cùng đường kính và độ dày, nó chỉ nặng 750 - 800g so với 1,2 - 1,6 kg của đĩa bằng thép. Tuy nhiên, đĩa carbon có trở ngại lớn là phải đạt đến mức nhiệt độ nhất định mới bắt đầu hoạt động hiệu quả.
Vì vậy, trước màn đua chính thức, vòng chạy khởi động (warm-up) rất quan trọng. Trời mưa xem ra là kẻ thù của đĩa phanh carbon. Dù duy trì nhiệt độ rất tốt nhưng khi chưa đạt đến nhiệt độ hoạt động thì nước có thể làm nó mất tác dụng. Một điều lưu ý là loại đĩa phanh này khá đắt (khoảng vài nghìn Euro) và hoạt động kém trong môi trường ẩm ướt, bởi vậy nó không được ứng dụng phổ biến trên các dòng xe thương mại. Brembo (Italy) và Nissin (Nhật) là hai hãng chính cung cấp hệ thống phanh cho các xe đua MotoGP. Trung bình, một đội đua cần ít nhất 6 - 8 bộ phanh cho cả mùa giải.
LỐP XE
Bí mật ấn tượng nhất của xe đua MotoGP là toàn bộ sức mạnh hơn 240 mã lực của động cơ được phát huy thông qua bánh sau trong khi tiết diện tiếp xúc giữa bánh sau và mặt đường không lớn hơn một bàn tay. Hiện có 2 nhà cung cấp lốp xe chính cho hệ thống MotoGP: phân hạng MotoGP là Bridgestone và phân hạng 125cc - 250cc là Dunlop. Tuy nhiên, theo điều chỉnh mới nhất năm 2009 thì chỉ còn duy nhất là Bridgestone. Sau khi thống trị F1, giờ đây hãng lốp xe danh tiếng này tiếp tục xâm chiếm lãnh địa MotoGP.
NHIÊN LIỆU
Elf - Shell - Repsol là ba nhà tài trợ nhiên liệu chính thức cho MotoGP. Đến kỷ nguyên của loại động cơ 800cc, dung tích bình xăng quy định còn 21 lít, ít hơn 1 lít so với thế hệ 990cc. Tuỳ thuộc từng trường đua mà các đội đua bơm lượng nhiên liệu vừa đủ. Một chiếc xe đầy nhiên liệu sẽ xuất phát chậm và chạy một cách ì ạch so với các đối thủ, nhưng nếu ước lượng không chính xác, tay đua có thể phải bỏ cuộc giữa chừng. Nhờ dữ liệu từ các buổi chạy thử và chạy phân hạng, đội đua tính được mức nhiên liệu tối ưu nhất.
Nhiên liệu sử dụng cho xe đua MotoGP không quá khác biệt so với loại nhiên liệu được sử dụng phổ biến trên thị trường và được chấp nhận bởi FIM. Thành phần tương tự 99% xăng phổ thông, nhưng thêm một số phụ gia đặc biệt để chống oxy hoá, chất tẩy hay giảm sự ma sát. Ngoài ra, nhớt đóng vai trò rất quan trọng cho vận hành của máy. Một loại nhớt phù hợp sẽ giảm bớt sự ma sát và tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Tương tự như xăng, nhớt cũng dựa trên nền tảng của nhớt tiêu chuẩn.
TRANG BỊ AN TOÀN
Trang bị an toàn không thể thiếu đối với các tay đua là mũ bảo hiểm. Mỗi tay đua có ít nhất 4 chiếc mũ cho mỗi mùa giải, trong số đó có loại mũ đặc biệt dùng khi trời mưa có khả năng chống mờ và đọng nước. Mũ bảo hiểm được chế tạo từ các vật liệu cao cấp như sợi thuỷ tinh, carbon, Kevlar và nhựa tổng hợp polyurethane.
Tiếp đến là bộ áo liền quần làm bằng da kangaroo để đạt độ bền, độ co giãn và nhẹ hơn da bò, trọng lượng dao động từ 3 - 3.5 kg. Phía ngoài đầu gối có miếng đệm bằng nhựa dẻo, làm điểm tựa khi chiếc xe vào cua nghiêng tới sát mặt đường. Trong cả mùa giải, một tay đua MotoGP sử dụng khoảng 100 cặp đệm gối này. Bên trong bộ áo bảo vệ còn có hệ thống làm mát, duy trì nhiệt độ cơ thể ôn hoà, hệ thống này vận hành một vòng tuần hoàn gel lỏng, từ ngực ra sau lưng, được đẩy bằng một chiếc bơm nhỏ và hệ thống pin nằm trong phần “gù” phía sau lưng - nơi cũng chứa nước uống dẫn lên mũ bảo hiểm và cung cấp trong quá trình đua. Bộ áo còn gắn thêm các cảm biến ghi nhận dữ liệu trực tiếp từ cơ thể của người mặc. Nhờ đó các chuyên gia phân tích những tác động sinh lý ảnh hưởng đến tay đua trong suốt thời gian cuộc đua diễn ra.
Ngoài ra, còn có trang bị bảo đảm an toàn khác như giầy, găng tay, áo mưa mặc ngoài chống thấm nước.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet