Trần Thị Bích Thoa (26 tuổi) sinh ra và lớn lên tại thị trấn Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam). Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã quá quen với cái nghèo, cái khổ của người dân đồng bào. Theo thời gian, cô lớn lên, hình ảnh của những đứa trẻ nước da đen nhẻm, thiếu áo, thiếu quần cứ dằn vặt trong tâm trí.
Cô Thoa vẫn luôn nở nụ cười dù gặp rất nhiều gian khó trong nghề nghiệp
Tốt nghiệp phổ thông, cô thi đậu vào ngành mầm non của một trường đại học. Ra trường, cha mẹ có ý xin cho con gái vào một trường tại miền xuôi công tác. Nhưng hình ảnh những đứa trẻ đồng bào cứ khiến cô gái dằn vặt, băn khoăn. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, cô quyết định tạm gác “chỗ dạy” đáng mơ ước. Thay vào đó, cô nộp đơn xin vào huyện Nam Trà My để công tác.
Đây là một huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Quảng Nam. Cha mẹ cô biết được ý định này đã ngăn cản, cô nhẹ nhàng thưa với bậc sinh thành: “Con biết, vào đó sẽ rất khổ. Nhưng con còn trẻ, cha mẹ cứ để cho con làm theo ý mình. Nếu một thời gian con không chịu đựng nỗi khó nhọc thì xin được trở về, làm theo ý cha mẹ vẫn chưa muộn”.
Và cha mẹ cô đành gật đầu đồng ý. Rồi bạn bè, người thân cũng ngăn cản. Thậm chí, họ cho rằng, cô là một đứa gàn rở. Cô gạt hết tất cả những lời dị nghị ấy ngoài tai. Cô tin vào quyết định của mình.
Năm đầu tiên, Thoa được phân công dạy học tại một điểm trường ở gần đường lớn. Cô thấy vui vẻ vì ở đây, cuộc sống cũng gần giống như ở nhà. Học sinh ngoan ngoãn, phụ huynh khá chăm lo cho con.
Sau khi xin được bốn ngôi trường, cô Thoa phát động phong trào bữa ăn có thịt cho học sinh
Đến năm thứ hai, Thoa nhận chuyển công tác vào thôn 4 (xã Trà Leng). Cô được cán bộ phụ trách giáo dục huyện cho biết, đây là một trong những khu vực khó khăn nhất, đường vào đèo dốc, phải đi bộ. Với sự yêu nghề, cô chấp nhận.
Thoa nhớ mãi hôm ấy trời nắng gắt, cô theo đoàn đi xe từ thị trấn thì phải dừng. Rồi cả đoàn phải đi bộ. Gần bốn tiếng đồng hồ vượt đường rừng, những con dốc bỏ lại sau lưng. Tới nơi, đôi chân cô như rã rời. Nhìn bản làng thiếu thốn, những ngôi nhà nhỏ xíu được cất lên bằng cây rừng, không có điện… cô ứa nước mắt.
Đêm đầu tiên ở vùng đất lạ, Thoa thổn thức giữa ở và về. Nếu ở thì có quá nhiều chướng ngại phải vượt qua. Là thân gái dặm trường, ở vùng núi hẻo lánh như thế rồi sẽ ra sao? Nhưng, nếu trở về, các em nhỏ ở đây sẽ thất học. Chúng sẽ không được tiếp cận với con chữ… Cô chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Quyết định cuối cùng, cô bám bản.
Đúng như những gì Thoa dự đoán từ trước, cuộc sống ở đây thiếu thốn quá nhiều thứ. Ngược lại, cô được sự quan tâm, hỗ trợ của đồng bào. Khi thì bó rau rừng, lúc lại búp măng… Cô sống nhờ tình cảm của mọi người. Cô dần quen với mọi thứ. Đặc biệt, cô thích thú, nhận thấy trong ánh mắt của những đứa trẻ vùng cao một niềm vui khi nhìn mình.
Điều Thoa trăn trở nhất là lớp học mẫu giáo mình dạy chỉ là tre nứa dựng lên. Nắng chiếu vào, mưa tạt ướt hết, chẳng khác một chiếc chuồng bò. Cô mong ước một ngày nào đó ngôi trường ấy được thay thế bằng lớp học đàng hoàng. Đầu năm học 2014 – 2015, cô nghĩ ra cách, chụp hình ngôi trường “chuồng bò” và những đứa trẻ đưa lên facebook.
Hình ảnh ấy khiến dân mạng vô cùng bất ngờ. Mọi người không thể tin ở thời đại này lại có một nơi như thế. Lượt chia sẻ tăng lên nhanh chóng. Lượng người quan tâm ngày một nhiều. Trong đó, có không ít thành viên của các câu lạc bộ từ thiện.
Vào ngày mưa cuối tháng 9/2014, chị nhận được điện thoại của tổ chức từ thiện Ong Vàng cho biết sẽ đến xem xét, nếu những hình ảnh ấy đúng thì sẽ hỗ trợ xây trường. Đang nghe điện thoại nửa chừng thì mất sóng. Chị vội chạy đến chỗ khác để hứng sóng, cảm ơn lòng tốt. “Đó là cảm giác tôi không thể quên được. Tôi hạnh phúc đến khóc”, chị nói.
Chuyến khảo sát thành công, tổ chức từ thiện quyết định thực hiện lời hứa. Vì đường sá xa xôi, chị trở thành người dẫn đường cho những người đưa vật liệu xây dựng vào Trà Leng. Từng bao xi măng, cân sắt… được gùi vào thôn. Chị nhờ vả đồng bào giúp. Nhận thấy lòng tốt của cô giáo trẻ, chị được bà con giúp đỡ tận tình.
Đến nay, với những tấm hình, lời xin trường trên facebook, bốn ngôi trường dù không quá khang trang bằng ở miền xuôi nhưng vẫn là điều đáng mơ ước của bà con Trà Leng đã được cất lên. Bà con Trà Leng cho biết, rất biết ơn cô Thoa vì đã kêu gọi xây trường. Họ đặt tên những ngôi trường này là “Trường cô Thoa” như một lời cảm ơn.
Bữa ăn có thịt được xem là thành công mới của cô Thoa
Từ cuối năm 2015, chị Thoa bắt đầu khởi xướng bữa ăn có thịt cho học sinh mầm non Trà Leng. Nhờ được sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm, đến nay, mỗi tuần, cô đã có thể tổ chức một bữa ăn có thịt cho học sinh. Đây được xem là một niềm vui và bước thành công mới của cô giáo trẻ .
Qua tìm hiểu, điều đáng tiếc là cô Thoa vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng, chưa được vào biên chế. Bà con tại Trà Leng mong mỏi, trong thời gian tới, chính quyền sẽ đưa trường hợp của cô Thoa vào diện hợp đồng biên chế như một lời tri ân.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet