Rau nhút (còn gọi là rau rút), nổi bồng bềnh thành đám trên mặt nước và mọc nhiều ở khắp các đồng quê. Hình ảnh bát canh cua rau nhút đã trở nên gần gũi, thân thương khi nhớ về bữa cơm xum họp nơi làng quê mỗi chiều hè tắt nắng.
Rau nhút thuộc loại thân thảo, mỗi đốt quanh thân có phao xốp (màu trắng lúc thân còn non, ngả màu vàng lúc thân đã già), lá kép hình lông chim giống như lá loài hoa trinh nữ. Hoa họp thành đầu màu vàng, quả dẹp chứa 6 hạt dẹp, nhẵn.
Theo dân gian rau nhút có vị ngọt, tính mát, giải nhiệt ngày hè, an thần gây ngủ, mạnh gân cốt v.v. Rau nhút là loại rau sạch được dùng làm rau ăn như rau muống, có mùi thơm tựa như nấm hương. Theo “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của Võ Văn Chi, rau nhút được dùng làm thuốc chữa sốt cao không ngủ được, nóng ruột, tiểu tiện không thông, chữa bướu cổ v.v.
Rau nhút hái dưới ruộng lên và bó thành từng bó để mang ra chợ bán
Ngoài công dụng nêu trên, rau nhút đối với các bà nội trợ là một nguyên liệu “chủ đạo” không thể thiếu trong chế biến các món ăn như: ăn sống, luộc chấm nước cá kho hay thịt kho, làm dưa, nấu canh chua, nhúng lẩu mắm v.v. Nhưng, món ăn độc đáo đã “chễm chệ” đi vào nhà hàng, quán ăn và làm “say đắm khẩu vị” của mọi người vì ngon, bổ, giải nhiệt trong ngày hè, đó là: Gỏi rau nhút trộn tôm thịt.
Trước hết, rau nhút mua ở chợ về lựa cọng non, vuốt bỏ phần phao xốp, bỏ lá và những mắt (đốt) rau. Nhúng tay ngắt rau thành từng đoạn cỡ 5 cm, rửa sạch, để ráo. Cho rau nhút vào nồi chần nhanh qua nước sôi, vớt rau ra ngâm trong nước lạnh (để giữ đươc màu xanh và độ giòn) lấy ra để ráo. Kế đến, cho tôm sú, thịt ba rọi cùng nước dừa tươi (thêm chút muối) vào nồi luộc chín, vớt ra để nguội. Lột vỏ tôm và chẻ đôi (nếu tôm lớn), thịt ba rọi xắt miếng mỏng bày ra dĩa. Pha nước mắm chua ngọt vừa khẩu vị, rồi cho nước mắm vào nguyên liệu trên (rau nhút, tôm, thịt ba rọi) trộn đều, múc ra dĩa.
Nếu muốn dĩa gỏi có màu sắc hấp dẫn và hương vị thăng hoa, có thể thêm vào củ cải đỏ, rau càng cua sẽ rất bắt mắt. Cuối cùng, cho đậu phộng rang giã giập, hành phi vào, làm thêm chén nước mắm chua ngọt, dọn lên bàn là xong!.
Gỏi rau nhút trộn tôm thịt
Thử gắp cọng rau nhút cùng miếng tôm sú, miếng thịt ba rọi đưa vào miệng nhai giòn tan, tôi đoán chắc bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, béo của tôm, thịt; vị chua chua và mùi thơm đặc trưng của rau nhút lan tỏa vào tận chân răng…; nếu thêm “chất cay” vào nữa, thì càng tuyêt vời và thực sự "thăng hoa" hơn!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet