Chị Bắc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn chồng làm bác sĩ ở Đà Nẵng. Cả hai đều chưa từng làm nông nên rất bỡ ngỡ khi bắt tay vào làm vườn. Lúc đầu, anh chị trồng tự phát, chỉ gieo hạt xuống đất để cây tự mọc. Nhưng với kiểu trồng này, cây chỉ được đợt đầu xanh tốt, những đợt sau, rau còi cọc và không lên nữa.
Xem hình ảnh khu vườn nhà chị Bắc
Sau đó, chị Bắc và chồng quyết định nghiên cứu cẩn thận cách thức làm đất, bón phân, diệt sâu bọ... Qua mạng Internet, anh chị tìm hiểu kỹ lưỡng và đầy đủ các kinh nghiệm, kiến thức làm vườn.
Sự tìm hiểu kỹ càng giúp gia đình chị Bắc có khu vườn xanh tốt. Ảnh: Lê Bắc. |
Chị Bắc vừa chia sẻ thành quả và kinh nghiệm trên Facebook và nhận được hơn 1.800 like, 3.300 lượt chia sẻ:
1. Xử lý chống thấm, chuẩn bị đất, thùng xốp
- Xử lý chống thấm: Nếu trần nhà chưa được xử lý chống thấm tốt, bạn nên lót một tấm bạt lớn ở dưới. Tất cả các thùng xốp phải được kê cao lên, chỉ tưới nước vừa phải, từng chút một cho đất ngấm nước, tránh để tràn ra quá nhiều.
- Thùng xốp: Bạn có thể ra hàng hoa quả để mua lại các loại thùng với kích thước khác nhau. Đối với mồng tơi, rau cải, không cần quá nhiều đất, bạn chỉ cần mua loại thùng bình thường. Đối với bầu, mướp, dưa chuột, phải sử dụng thùng to, ghép hai thùng lại với nhau thì lượng đất mới đủ để ra quả.
- Đất trồng: Đây là khâu vất vả của gia đình tôi khi bắt tay làm vườn vào dịp gần Tết, không gọi được bất cứ chỗ nào bán đất chở tới tận nơi. Trong khi đó, tôi muốn phải làm ngay và luôn. Bởi vậy, tôi rủ chồng đi xúc từng bao đất mang về, rồi được sự hỗ trợ của bố mẹ chồng cùng khuân lên tầng thượng. Cả nhà đã hoàn thành vận chuyển khối lượng đất lớn, có lẽ phải hai xe đất, đúng là "có sức người sỏi, đá cũng thành rau".
2. Làm đất
Các lần trước, tôi vội vàng gieo hạt, trồng trọt vì muốn thấy thành quả ngay lập tức. Lần này khi mang đất về, tôi cẩn thận phơi, sau đó trộn vôi bột, xới tơi đất, trộn phân đầy đủ rồi mới bắt đầu công đoạn trồng trọt. Việc phơi đất và trộn vôi bột rất quan trọng để diệt mầm mống của trứng sâu bệnh. Các bạn đừng vội và đừng lười mà bỏ qua bước này.
3. Ủ phân
Tôi chuẩn bị cho công đoạn ủ phân này trước đó cả tháng. Tôi thích dùng phân hữu cơ tự ủ từ thức ăn thừa, cọng rau hoặc lá cây hoại mục. Thức ăn thừa như canh rau, xương cá, gà, vỏ trứng được đổ vào thùng xốp, phủ một lớp đất lên trên và đậy nắp lại. Sau mỗi bữa ăn, tôi lại làm như vậy, khoảng một tuần là đầy một thùng. Thức ăn đã chiên xào thì cho nước vào gạn qua cho bớt mặn và mỡ. Khi ủ, các bạn không cho nước vào thùng, mở hé nắp thùng cho có không khí. Như vậy, phân sẽ hoại mục nhanh, khoảng một tháng là dùng được. Các bạn cho càng nhiều vỏ chuối càng tốt vì chuối chứa nhiều Kali rất tốt để bón cho cây thời kỳ ra hoa, quả.
Cách 2 để ủ phân là hoa quả, vỏ hoa quả thừa cắt nhỏ, ngâm vào nước cho lên men, khoảng một tuần là dùng được, sau đó pha với nước sạch, tưới cho rau.
Bạn nào hay làm sữa đậu nành và dầu dừa, mang hết bã đậu nành, bã dừa ủ trộn vào đất ủ mục, bón cho cây.
Tôi thấy ủ phân hữu cơ không bị mùi lắm nên vẫn trung thành với phương pháp này. Bạn nào không thích thì có thể mua phân NPK về bón.
4. Phân NPK
Có một số loại cây dài ngày như mướp, bầu cần nhiều dinh dưỡng nên thỉnh thoảng, tôi cũng phải bón thêm NPK bổ sung, nhất là giai đoạn cây ra hoa, quả. Thông thường, tôi bón khoảng một lần một tuần, dừng bón 15 ngày trước khi thu hoạch.
Các bạn cũng có thể mua riêng từng loại của NPK là Kali (K), Đạm (N), Lân (P) để có thể điều chỉnh liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cây. Tác dụng của từng loại như sau:
- (N): Phân đạm có màu trắng, là loại dinh dưỡng quan trọng nhất, có tác dụng làm cây xanh tốt, sinh trưởng chiều cao và thân lá, hình thành hoa quả, mầm chồi.
- (P): Phân lân có màu đen, tốt cho việc ra rễ, ra hoa.
- (K): Phân kali có màu đỏ, làm cây cứng cáp, giúp trái lớn nhanh, hạt mẩy, tăng độ ngọt và màu sắc quả.
Những loại cây rễ chùm nhiều như mướp, bầu cần nhiều nước và dinh dưỡng. Các bạn nên làm thùng có đặt những chai nước lọc đục lỗ ở dưới đáy để trữ được nước trong ngày nắng nóng. Trước khi trồng, nên trộn đất với phân lân, lân hữu cơ hoại mục và phân bò khô.
Rau xanh non nhờ các loại phân tự ủ, không tốn kém mà có lợi cho đất. Ảnh: Lê Bắc. |
5. Chuẩn bị hạt giống
Trước khi gieo hạt, bạn nên phơi hạt trong nắng nhẹ một nắng (có thể phơi hoặc không, tôi cẩn thận nên phơi để tiêu diệt mầm bệnh của cây). Hạt giống được ngâm theo công thức 2 sôi, 3 lạnh khoảng 7 tiếng. Sau đó, bạn vớt hạt lên ủ vào giấy ướt khoảng một ngày là hạt nứt, bắt đầu mọc rễ.
Lúc này, mọi người bắt đầu gieo hạt, đừng để rễ dài quá thì khi gieo dễ bị đứt rễ. Bạn nên gieo hạt vào lúc chiều mát. Các loại hạt nhỏ như cải canh nên gieo rất khó do bị ướt và dính vào nhau thì nên trộn thêm chút cát khô vào hạt rau sau đó mới vãi. Sau khi gieo hạt, ủ một lớp trấu hoặc lớp đất mỏng lên trên.
Nếu gieo vào buổi chiều tối, bạn mở thùng rau, để qua đêm cho sương xuống. Sáng hôm sau, bạn đậy thùng xốp lại, tránh sự thoát nước để cây ra rễ và phát triển nhanh hơn (không đậy kín mít). Đậy khoảng 3 ngày thì bỏ ra, lúc đó cây đã lớn được khoảng 3 cm. Bạn tưới nước đều đặn cho cây mỗi ngày, tốt nhất là dùng bình xịt để cây đỡ bị xê dịch và ngả rạp.
Đối với hạt rau muống, ngâm theo tỷ lệ 3 sôi, một lạnh, tỷ lệ nước nóng nhiều hơn thì hạt rau muống mới nảy mầm đều được.
- Đối với hạt mướp, sau khi ngâm nước một ngày, phải bẻ một chút phần đầu nhọn của hạt ra, mầm mới chồi lên nhanh được.
6. Trồng bằng cây hoặc cành có sẵn
Đối với một số loại cây, các bạn nên trồng bằng cành hoặc cây có sẵn, bón phân, tưới nước đầy đủ là cây lên rào rào. Với cần tây bán ngoài chợ vẫn còn gốc, bạn cắt gần sát gốc. Bộ rễ cắt một chút rồi mang cây trồng xuống thùng xốp, khoảng 2 tuần sau thì cây bắt đầu nhú những lá mới. Hành lá cũng vậy, phần trắng và rễ có thể cắm xuống đất trồng. Củ sả mua về ngâm trong nước mấy ngày cho ra rễ, sau đó đem trồng thùng xốp, chỉ một tháng là xanh tốt.
Cành già của rau ngót, cắm xuống đất ẩm, bón thêm chút NPK để cây nảy mầm, ra rễ nhanh chóng. Rau muống chừa lại một phần cuộng khoảng 5 cm, vặt hết lá, cắm xuống đất, tưới thật nhiều nước vào, khoảng một tuần, rau sẽ mọc mầm và lên lá. Những lần sau, ngắt gần sát gốc để lấy rau ăn, rau sẽ tự mọc lại để ăn các đợt tiếp theo.
Lá lốt cũng trồng bằng cành, chỉ cần cắm xuống đất là lên xanh tốt. Ngải cứu mua về lấy phần lá, để lại cành cắm xuống đất cũng tự mọc được.
Bạn có thể sử dụng các loại gừng, tỏi ớt... để chế thành thuốc trừ sâu thảo mộc. Ảnh: Lê Bắc. |
7. Chăm sóc cây
Nếu các bạn đã chuẩn bị đầy đủ khâu làm đất, ủ phân thì chỉ cần chăm sóc, tưới đầy đủ cho cây là được. Nhà tôi trồng trên sân thượng, nắng gắt nên tưới nước 2 lần một ngày. Hơi vất vả chút nhưng tôi lại thích thời gian mò mẫm trên đó với cây cối, vườn tược nên không thấy gì là vất vả cả.
Đa số các loại cây như ớt, dưa chuột, bầu, mướp, cà chua đều cần phải nhiều nắng mới ra quả và không bị bệnh phấn trắng. Tôi đã bị một lần trồng dưa chuột và ớt ở hành lang tầng 2, lá thì tốt um, mà quả thì chẳng thấy đâu.
Với các cây không ưa nắng như lá lốt, rau càng cua, tôi nhét thùng rau dưới giàn dưa chuột hoặc giàn mướp.
8. Thụ phấn cho cây
Sự thụ phấn của cây thường diễn ra tự nhiên nhờ gió hoặc côn trùng. Tôi trồng trên sân thượng, gió thì sẵn nhưng côn trùng thì ít. Bởi vậy, tôi quyết định tự làm công cuộc "mai mối cho anh hoa đực và em hoa cái".
Tôi thấy có nhiều người không biết được hoa đực và hoa cái. Các bông hoa đực chỉ có phần hoa thôi. Hoa cái có phần bầu nhỏ, sau đó mới đến phần hoa. Hoa cái nếu được thụ phấn thì sẽ phát triển thành quả, nếu không được thì những hoa này sẽ bị rụng. Để cho năng suất cao, bạn nên thụ phấn chủ động cho cây.
Những loại như như mướp, dưa leo, hoa thường nở buổi sáng, khoảng 7-8h sáng. Bạn ngắt hoa đực ra vặt hết cánh hoa, sau đó cho phần nhị hoa chạm vào bông hoa cái. Cây bầu nở hoa vào lúc 17-18h nên mọi người canh lúc đi làm về thì thụ phấn.
9. Tiêu diệt sâu bọ
Sâu bọ chủ yếu phát sinh từ ấu trùng trứng có sẵn trong đất, nên công đoạn làm đất, mọi người cần làm đất kỹ càng, phơi nắng và trộn vôi bột. Tuy nhiên, khả năng vẫn còn sót lại một số trứng sâu là chuyện bình thường. Sâu bệnh cũng có thể do những loại bướm, côn trùng mang đến.
Để tiêu diệt sâu bọ, các bạn không thể sử dụng phương pháp giống như nông dân là phun thuốc sâu được, bởi nếu làm vậy, các bạn đã thất bại trong vụ trồng rau sạch. Tôi có cách pha chế thuốc diệt sâu bằng nguyên liệu tỏi, ớt, gừng khá hiệu nghiệm. Công thức tôi sưu tầm và ứng dụng như sau: Giã tỏi, ớt, gừng (mỗi thứ 1 kg) với 3 lít rượu trong thùng kín ở nơi không nắng nóng. Sau 15 ngày, các chất gây cay có trong nguyên liệu trộn đều vào rượu. Dung dịch này có thể dùng được trong vòng 6 tháng.
Thuốc thảo mộc tự chế này có thể phòng trừ sâu khoang, sâu tơ, bọ nhảy…
Mỗi lần phun, bạn chỉ cần lấy khoảng 200-300 ml hòa cùng 5 lít nước rồi phun đều lên mặt lá và xuôi theo chiều gió để hạn chế thuốc bay vào mắt, gây cay rát cho người phun.
Để phòng bệnh, khoảng 7-10 ngày phun một lần, khi thấy cây có hiện tượng bị sâu bệnh là phun ngay. Thời gian cách ly 3 ngày.
Thuốc thảo mộc nên hầu như không có nguy cơ gây độc nhưng không nên phun quá đậm đặc, gây lãng phí và khiến cây sẽ bị cháy lá.
Tỏi và gừng đều có chất tinh dầu tạo mùi cay nồng có tác dụng xua đuổi côn trùng. Bạn có thể dùng chúng pha trong nước với tỷ lệ 10g với một lít nước, 2 muỗng dầu và một ít xà bông. Cả tỏi và gừng đều giúp giảm số lá bị thiệt hại do sâu ăn lá, sâu đục bông và sâu đục trái.
10. Thu hoạch
Các bạn không nên để trái quá già và quá chín mới thu hoạch, như vậy rất hại cho cây vì phải dồn hết dinh dưỡng để nuôi quả. Khi quả vừa bắt đầu chín nên thu hoạch ngay, như cà chua, tôi thường thu hoạch lúc quả ương ương, để 1-2 hôm là quả chín mọng.
Đối với các loại rau cải, bạn chỉ nên tỉa lá để ăn, đừng nhổ cả cây lên. Các lá khác sẽ mọc lên, nên một cây cải sẽ ăn được rất lâu.
Lê Bắc
Chia sẻ căn nhà hoặc vườn đẹp của bạn bằng cách gửi mail về giadinh@vnexpress.net.
Vườn hoa ban công tưới bằng điện thoại điều khiển từ xa | Chủ vườn 70 m2 nhàn rỗi nhờ hệ thống tưới 100 nghìn đồng |
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet