Nên dùng tro rơm để bốc bát hương giúp việc cắm hương dễ dàng hơn. Ảnh: Internet
Khí hậu miền Bắc dễ làm cát trắng bết lại
Sau chuyến du lịch tâm lịch tinh ở Nepal trở về, bà Vũ Thị Hạ (ở Đông Anh, Hà Nội) rất hoan hỉ vì đã xin được ít cát trắng mandala của các chùa mang về. Bà bảo nghe nói cát trắng này rất tốt, nên mang về định bốc bát hương cuối năm.
Bốc bát hương cuối năm là tín niệm dân gian, phổ biến ở một số vùng miền phía Bắc, thường làm vào dịp Táo quân chầu trời. Trong bát hương thường đựng cát hay tro sạch mịn và xốp để dễ cắm hương.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Cường (nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phật học), gần đây một số người đi du lịch tâm linh ở các thánh địa nước ngoài có mang cả đất, cát từ đó về nhà bốc bát hương với quan niệm cát trắng là sự trong sạch. Tuy nhiên, đó là do lòng ngưỡng mộ của họ, chứ thực ra không phù hợp lắm. Bởi thời tiết ở Việt Nam khí hậu ẩm, nhất là phía Bắc, cát gặp ẩm và lâu ngày thì sẽ cứng lại, cắm hương rất khó.
Anh Lê Dũng, phiên dịch lâu năm cho các sư thầy ở Tây Tạng cũng cho rằng, cát trắng mandala là do những người tu ở mức cao, dồn toàn bộ tâm trí lực làm mandala cát đó (như ở Đại bảo tháp Tây Thiên). Thứ cát trắng này rất quý và sau đó thường sử dụng vào mục đích tâm linh hoặc đóng gói vào túi nilon đem theo người để cầu mong sức khỏe, an lạc và chủ yếu là dùng trong các việc tang ma như cho vào quan tài, hỏa thiêu… chứ không có tính chất tiền tài, vật chất (đạo Phật không có cầu tài, cầu tiền…) và không phải thứ để dùng thay tro bỏ vào bát hương.
Bốc bát hương tại nhà hay trên chùa?
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, từ xa xưa các cụ chỉ dùng tro để bốc bát hương. Hiện nay có hai xu hướng dùng tro: Một là dùng tro rơm, hai là dùng tro của hương.
Tro hương là xu hướng bốc bát hương mới, do ở các chùa thắp nhiều hương hàng ngày, họ tận thu tàn tro đó giã nhỏ, dần sàng lọc tro để dùng bốc bát hương. Nhưng dù dần sàng kỹ mấy thì sờ tay vào thấy vẫn lổn nhổn, không mịn được như tro rơm nên khi hương cắm sẽ không chắc chân. Thứ tro hương này cũng không tiện ở chỗ thời tiết nước ta mưa ẩm, gió mùa sẽ làm tàn hương hút ẩm, bết cứng lại và sau một thời gian sẽ khó cắm hương.
Bát hương Việt xưa nay các cụ dùng rơm mới đốt thành tro để bốc bát hương. Cuối năm vào vụ thu hoạch thóc nếp nên có rơm nếp thơm hơn rơm tẻ nên các cụ hay dùng tro đó bốc bát hương. Còn bây giờ đa số dùng tro được coi như tro “công nghiệp” đốt và đóng gói sẵn bán ở các chợ.
Dù sao thì tro hương vẫn nhẹ hơn cát. Nếu dùng cát cắm bát hương thì một thời gian cát đông cứng và khó cắm hương. Do đó lời khuyên của các nhà tâm linh là nên dùng tro nếp tự đốt, hoặc tro rơm ở các cửa hàng bốc bát hương tốt hơn cát, nhưng cần dần sàng kỹ để cho mịn, sạch không lẫn thứ khác.
Gần đây nhiều người đưa bát hương lên chùa bốc, nhất là với những nhà có thờ Phật. Vì họ cho rằng như thế bát hương sẽ rất tốt cho gia chủ nếu được nhà sư trực tiếp bốc. Tuy nhiên, các sư thầy không có thời gian để bốc bát hương cho từng nhà mà thường để các bà vãi bốc hàng trăm bát hương sắp đấy, chờ sư thầy về tụng kinh gõ mõ. Như vậy thì bát hương sẽ không linh vì trên chùa có nhiều vong, chẳng may vong nhập vào bát hương thì mang về nhà sẽ bị phá. Vì vậy, tốt nhất là bốc bát hương nên bốc tại nhà mình, đất nhà mình.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet