Khu vực phi quân sự rộng khoảng 4 km và trải dài 240 km dọc theo vĩ tuyến 38, được vạch ra theo hiệp định đình chiến năm 1953, kết thúc 3 năm giao tranh giữa hai nước.
Với việc bức tường Berlin và Liên bang Xô Viết không còn tồn tại, du khách giờ đây đang đổ xô đến khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, khu vực được canh gác cẩn mật nhất thế giới và thiết lập từ 60 năm trước. Tuy nhiên những gì nhìn thấy tại đây có vẻ cuốn hút hơn là đáng sợ.
Những điều hấp dẫn tại khu phi quân sự
Ở phía nam của khu vực phi quân sự này, rất nhiều cửa hàng lưu niệm bán áo phông, chocolate, mũ bóng chày cũng như những mẩu dây thép gai thứ thiệt của khu phi quân sự được gắn trên những mảnh gốm. Nhiều cửa hàng khác thì bán những chai rượu bụi bặm của triều tiên và những mô hình binh lính thu nhỏ.
Một du khách khoe vật lưu niệm tại khu phi quân sự. |
Cách không xa những hàng rào dây thép gai và những người lính bồng súng đứng gác, lũ trẻ đang la hét một cách thích thú khi ngồi trên một con tàu khổng lồ đu đưa trên không trung. Trò chơi mang tên Siêu hải tặc Viking này không hề gợi nhớ gì đến khu vực phi quân sự. Đây là trò tiêu khiển thú vị nhất của Vùng đất Hòa bình - một khu công viên nhỏ với chủ đề siêu thực có tầm nhìn hướng về những dãy núi trùng điệp của Triều Tiên.
Gần đó, những người công nhân đang dựng lên hình tượng một củ nhân sâm khổng lồ được đan từ cây gai dầu cho một lễ hội truyền thống. Khách du lịch cũng đổ về khu vực phía bắc của khu phi quân sự nhưng không khí ở đây có phần trầm lắng hơn.
Một điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch là khu Làng Hòa bình, một khu vực bao gồm nhiều tòa nhà trống thường được người hàn quốc gọi là Làng Tuyên truyền. Cảnh quan đẹp nhất ở đây chính là cột cờ cao 160 m được dựng một cách có chủ ý để trở thành công trình cao nhất ở Làng Hòa bình, một thị trấn nhỏ ở khu vực do Hàn Quốc quản lý tại khu phi quân sự.
Một quầy hàng tại đây. |
Tại khu phi quân sự phía Hàn Quốc còn có một đài quan sát nằm trên một đỉnh núi với rất nhiều những kính thiên văn nhỏ hoạt động bằng tiền xu để du khách có thể nhìn sang phía Triều Tiên. Việc chụp hình chỉ được thực hiện tại một đường vạch khá xa phía sau của khu vực quan sát.
Điều tuyệt vời nhất đối với du khách là được đứng mỗi chân một bên tại khu vực chia cắt 2 nước từ thời Chiến tranh lạnh. Việc này chỉ được thực hiện bên trong một trong những chiếc lều màu xanh của Liên Hợp Quốc tại Khu vực An ninh chung, nơi có kê một chiếc bàn gỗ dọc theo tuyến biên giới.
Một điểm tham quan hấp dẫn nữa là Địa đạo số 3, một trong 4 đường ngầm được người Triều Tiên đào bên dưới khu phi quân sự và bị người Hàn Quốc phát hiện ra. Tới đây, du khách sẽ đội những chiếc mũ cứng và đi xuống dưới những khu buồng giam chật chội. Việc leo lên khỏi địa đạo này cũng rất khó khăn.
Nhóm du khách chụp ảnh bên cạnh bức tượng cảnh sát Hàn Quốc. |
Những điều khách du lịch cần biết
Trong những thuật ngữ liên quan đến khu vực phi quân sự này, biên giới thực sự chia cắt hai miền triều tiên được gọi là Đường cắm mốc quân sự (MDL). Khu vực bên trong khu phi quân sự và gần sát nhất với khu MDL được gọi Khu vực An ninh chung (JSA).
Khách du lịch được khuyến cáo là nên đặt tour và mang theo hộ chiếu bên mình thay vì tự mình lái xe thẳng đến khu vực phi quân sự vì chỉ cần nhầm lẫn một chút là họ có thể tự gây ra rắc rối cho mình.
Họ cũng được khuyên là nên hỏi trước các điểm mà mình sẽ tham quan vì một số danh thắng trong khu vực này đẹp hơn rất nhiều so với những điểm tham quan khác.
Các quy định thông thường không cho phép khách du lịch đi dép xỏ ngón và nhuộm tóc màu sáng vào khu JSA. Việc chỉ trỏ, la hét hay làm động tác hướng về phía Triều Tiên đều bị cấm ngặt và quân đội Mỹ yêu cầu du khách ký vào bản cam kết tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trong trường hợp có điều gì không may xảy ra.
Khách du lịch quan sát Triều Tiên từ phía Hàn Quốc. |
Ở phía bắc của khu vực phi quân sự, các quy định lại được nới lỏng hơn nhiều. Khách du lịch mang dép xỏ ngón và thậm chí là nhuộm tóc xanh vẫn được chấp thuận. Khách du lịch phải xếp hàng để đi vào trong JSA để nghe các sĩ quan Triều Tiên thuyết trình về mối quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc. Câu chuyện của Hàn Quốc có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng không kém phần cường điệu.
Triều Tiên mở cửa cho khách du lịch đến khu vực do mình quản lý vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Hàn Quốc thì bắt đầu khai thác du lịch ở khu vực do mình quản lý từ năm 2002 khi Paju, một thành phố nằm tiếp giáp với khu vực này bắt đầu quảng bá du lịch để thúc đẩy kinh tế địa phương.
Theo VOV
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet