cung điện Jogja
Người dân indonesia gọi yogyakarta bằng cái tên dân dã: Jogja. Một trong những trung tâm văn hóa đậm nét truyền thống của người dân java tại Yogyakarta chính là cung điện của vua. Đây cũng là điểm du lịch mà hầu hết du khách đến Jogia đều dành khoảng 2 giờ ghé thăm.
Dắt du khách đến khu vực đăng ký vào cung điện, chị Susan đưa cho các thành viên trong đoàn mỗi người một chiếc xà rông. Khách vào cung điện phải quấn trang phục này quanh chân, từ thắt lưng trở xuống. Phía trong khuôn viên cung điện, quần thể các khu nhà xây tách biệt trong một diện tích rộng lớn. Ở mỗi tòa nhà hoặc nơi các cổng ra, cổng nối các khu vực, luôn có những người lính làm công việc canh gác an ninh quanh cung điện. Họ ngồi xếp bằng dưới đất cát hoặc nền nhà, im lặng quan sát người qua lại.
Quan chức phục vụ trong cung điện của vua Yogyakarta. |
Vừa đi vừa chỉ tay về các khu vực riêng dành cho vua, hoàng hậu, các công chúa, hoàng tử, chị Susan vừa giải thích: “Cung vua là nơi linh thiêng nhất. Chỉ khi vua cho phép, vợ, con hay thần dân mới được vào. Ngoài hành lang của cung điện vua ở và làm việc có một ngọn đèn đặc biệt. Nếu đèn bật sáng có nghĩa vua đang ở trong cung, còn đèn tắt có nghĩa vua đã ra ngoài”.
bảo tàng trong cung
cung điện jogja không chỉ đơn thuần là nơi gia đình hoàng tộc sinh sống, mà còn là trung tâm thông tin, cung cấp những kiến thức về các tầng lớp trong xã hội, các nét văn hóa, truyền thống của dân tộc và mở cửa để công chúng có thể tham quan.
Bản thân cung điện là một bảo tàng về đời sống và hoạt động của chế độ quân chủ tại Java. Kiến trúc và cách sắp xếp các quần thể trong cung điện Jogja mang đậm tính lịch sử khi thể hiện sự hòa nhập thông qua kết hợp đặc trưng của các tôn giáo: Hindu, Hồi và Phật giáo cùng một số công trình Tây phương mà người Hà Lan xây dựng trong thời gian Indonesia là thuộc địa.
Một cổng ra vào cung điện. |
Bảo tàng làm vải batik là một điểm ấn tượng trong cung. Nơi đây trưng bày tất cả những thông tin liên quan đến trang phục truyền thống này như dụng cụ và cách thức làm ra loại vải; hình ảnh hoa văn dệt trên quần áo và cách mặc thể hiện người mặc là ai, thuộc tầng lớp nào trong xã hội, đã có gia đình hay còn độc thân. Phụ nữ Java học dệt, vẽ vải batik từ nhỏ và tự may quần áo cho mình và người thân trong gia đình. Vải batik Jogja cũng nổi tiếng nhất tại Indonesia.
Vị vua hiện đại
Vua Jogja được đánh giá là người cởi mở và theo chiều hướng hiện đại. Là một vị vua khá đặc biệt khi kiêm luôn chức tỉnh trưởng tại địa phương, ông bỏ qua nhiều quy định khắt khe cổ xưa, cho lưu hành một số những quy định mới, gần gũi với người dân hơn. Khi người dân trước đây đến gặp vua phải cúi mặt không dám ngước mắt lên nhìn thì ông lại cho phép thần dân nhìn thẳng mặt lúc gặp gỡ hoặc đối thoại. Ông không cưới thêm vợ để sinh con trai nối ngôi, dù nguy cơ phải truyền ngôi cho em trai.
Một khu vực tiếp khách đến thăm viếng cung điện. |
Những người dân thường được tuyển vào làm công việc trong cung luôn cho đây là việc đáng tự hào. Họ tham dự những khóa tuyển chọn công khai, đạt tiêu chuẩn thì được vào làm trong cung điện. Và khi bước chân qua ngưỡng cửa cung điện, toàn bộ người làm phải đi chân trần vì coi đây là vùng đất linh thiêng. Địa vị và công việc của người làm trong cung điện được phân biệt thông qua các loại quần áo vua trao tặng.
Đối với các quan cận thần, chính vua sẽ trao cho họ vũ khí truyền thống của người Java (một con dao) thể hiện người được vua tin tưởng giao trọng trách. Loại vũ khí này được coi là có năng lực siêu nhiên không thể thiếu trong các nghi lễ của người Java.
Bài và ảnh: Kim Dung
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet