"Cô bé Lisa ở lại túp lều tranh. Chẳng có trò chơi gì khác, cô chơi với mấy chiếc lá xanh. Cô lấy kim chọc vào lá và nhìn qua lỗ lên mặt trời. Cô tưởng tượng thấy những cặp mắt sáng ngời của các anh và mỗi lần ánh nắng rọi vào má, cô tưởng như đó là những chiếc hôn nồng cháy của các anh cô âu yếm để lại."
Những đứa trẻ thường ở trong thế giới mộng tưởng riêng và người lớn chẳng bao giờ hiểu được. Chúng như Lisa, một trưa nắng chang chang phơi đầu trần đứng giữa vườn, đặt lên mắt chiếc lá xanh rồi cứ thế mà ngây ra tới khi mặt mày đỏ lựng khiến mẹ vô tình lúc nào đó đi ngang sân thấy hốt hoảng lôi vào nhà tra hỏi.
Tôi nghĩ lúc ấu thơ, khu vườn mới thực sự là căn phòng của trẻ con. Đáng tiếc người lớn không chịu nhận ra điều ấy, cứ bắt ta rời xa căn phòng vào mỗi trưa để duỗi thẳng tay chân trên nệm mỏng dù giấc mơ thật đang bay lượn ở các khóm lá ngoài kia. Trách sao khi bé bỏng vẫn trốn ngủ ra nằm lăn giữa đám cỏ, giơ tay bứt một bông râm bụt ngậm ngậm mút mút chất nhựa ngòn ngọt đầy khoái chí, hoặc cả buổi nhìn không chớp mắt theo chú ốc sên bé xíu bò nhơ nhởn trên cành nhãn thấp. Thậm chí một ngày nọ phát hiện ra cặp chim chích bông đến làm tổ đẻ trứng trong bụi hoa sói của ông, có đứa ngốc xít đã lấy cái bao tải đựng gạo của mẹ trùm vào kín người, và nín thở dòm xuyên những sợi nylon thưa để quan sát 2 con chim bố mẹ cho chim non ăn. Giữa trưa hè nắng gắt, nhiệt độ trong bao tải có thể cao hơn nhiệt độ mùa hè Sài Gòn năm nay, tóc bết vào má và chân run rẩy vì mỏi nhưng vẫn im lìm thở khe khẽ và chăm chú nhìn thiên nhiên kỳ diệu lớn lên chung quanh.
Như nàng Lisa, trẻ con có những hành động lạ lùng, khởi đầu cho trí tưởng tượng lớn lên, mà khu vườn chính là phòng thí nghiệm đơn sơ nhưng lộng lẫy. Những chiếc nồi đất giả nấu cơm với ít gạo bốc vụng từ thạp, những món ốc sên nướng đặc sản nhà hàng với miếng ngói vỡ kê giữa hai viên gạch nung, trang sức dây chuyền, nhẫn, hoa tai lung linh kết từ những chùm hoa thiên lý cao ngất đong đưa phải kiễng chân hái, món phở thơm nức với bánh phở trắng ngần bằng hoa lài;...Những đứa trẻ chạy nhảy, ấu thơ bay trên đầu và tưới lên chúng thứ bụi diệu kỳ, biến chúng trở thành những kẻ hạnh phúc nhất thế giới; kiểu hạnh phúc ung dung tự tại không phụ thuộc vào bất kỳ đơn vị đo lường giàu có hay quyền lực nào mà người lớn mưu toan suốt nhiều năm hòng đạt được chan hòa mồ hôi nước mắt.
Ở trong khu vườn, thân thể lớn lên, áo quần nhuốm màu đất, thơm mùi hoa, tuổi thơ thơm quý trong lành.
Ai đó ngoài cha, ngoài mẹCác bậc sinh thành đè nặng trách nhiệm nuôi dạy đám trẻ con; các Ngài hẳn nghiêm khắc và vai nhiều nặng nề. Rồi các Ngài sẽ bận rộn với rất nhiều lo toan kiếm sống bên ngoài cổng nhà, để sự ngây thơ của những đứa trẻ được tròn trĩnh trong khu vườn của mình. Nhưng vậy sẽ buồn. Dù Mẹ có dành cho bé con rất nhiều yêu thương và Cha rất mực nhân từ thì những đứa trẻ vẫn cần thêm một vài người trong mối quan hệ ruột thịt.
Vậy nên trong căn nhà nhỏ chúng ta thường xuất hiện thêm em trai, em gái, anh chị, tuyệt vời hơn sẽ là ông và bà. Những người được bớt phần nào trách nhiệm liên đới đến sự thành bại của một đời sống, vậy nên họ hồn nhiên hơn tham gia vào những trò trẻ con của chúng ta. Anh chị em là những đồng minh tuyệt vời khi ta lỡ lao vào cuộc chiến bụi mù với đám xóm bên, là thực khách bất đắc dĩ khi ta trổ tài đúc bánh xèo phạm pháp trong góc vườn dưới tán cây mận trắng, là cái thang để ta leo lên bờ tường cao ngắt trộm một nhành phượng vĩ về làm bướm ép tập, là người mếu máo òa khóc xin cho ta bớt bị ăn đòn khi bố mẹ nổi giận.
Ông bà không thể chạy nhô nhào cùng (mà cũng chưa biết chừng), nhưng sẽ gìn giữ thật cẩn thận những tác phẩm nghệ thuật đầu đời của chúng; những bức vẽ, con đất nặn, trang nhật ký ngô nghê. Ông bà có những gia tài đồ sộ để chúng ta được ngang nhiên thừa kế không cần tranh cãi: những câu chuyện, những kệ sách, những ký ức, những thứ tình thương không thể dùng lời để mô tả. Ông ngoại tôi ngày xưa, khi Người ngoài 70 sức khỏe quá yếu không thể đạp xe, đã đặt tôi lên chiếc mini màu đỏ tía của Người và dẫn bộ lên tận nhà bà Đức (một bà bác góa chồng tóc tém trắng phau bán tạp hóa) mua cho tôi ít kẹo gôm hiệu con két thơm nức mùi phương Tây; rồi lại dẫn bộ về chầm chậm. Vừa đi vừa nhìn tôi lắc lư nhai kẹo chóp chép khoe rang sún, Người cười. Hiền từ.
Ở nước ngoài, trẻ con nếu không nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ bố mẹ thường cũng khó được bù đắp tình thương từ ông bà (thường ở nhà riêng rất xa hoặc nghỉ ngơi ở viện dưỡng lão) hay anh chị em (xu hướng sinh con một ngày càng tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế toàn cầu), đó là lúc các em sẽ nghĩ ra một người bạn tưởng tượng. Đó là sự bù đắp tự động của trực giác để giúp thần kinh không tổn thương, một kiểu tự chữa lành rất đáng thương của các em. Hình thức Người bạn tưởng tượng này phổ biến tới mức các ông bố bà mẹ chấp nhận nó như một thành viên trong gia đình, như một thay thế cần thiết để bù đắp cho con mình.
Đời sống ngày càng đủ đầy, còn bạn bè cho trẻ con ngày một ít đi. Trong căn nhà, giữa bố và mẹ, giữa bố mẹ và con, có thêm nhiều bóng người vô hình, mà đáng ra chúng ta đã dễ dàng thay thế chúng bởi những người thân bằng xương bằng thịt.
Từ thiếu thốn...Hầu hết thế hệ 7x, 8x chúng ta lớn lên lúc đất nước đang nghèo, nghèo hơn bây giờ rất nhiều. Vì nghèo mà chúng ta thiếu thốn, thiếu đường sữa, thiếu sách vở, quần áo, thiếu đồ chơi. Dù bố mẹ rất thương, ông bà vẫn để dành cho những phần ngon nhất, tình yêu ấy vẫn đượm mùi xót xa và có những thứ luôn chỉ là ao ước.
Không ipad không Youtube, chúng ta chỉ có mươi mười lăm phút chương trình Những bông hoa nhỏ để nghiến ngấu với những bộ phim hoạt hình Nga màu sắc mơ màng chất lượng không phải HD, những bộ phim chiếu đi chiếu lại đến thuộc cả câu thoại, nhưng tôi chắc rằng thời ấy không cần khuyến mãi thì khung giờ đó vẫn là giờ vàng dành cho các nhãn hàng trẻ em (nếu có). Không có kẹo bánh, nên chỉ thường ngậm cục đường phèn to cồ cộ mà nghĩ ra đủ loại sơn hào hải vị, không nhiều đồ chơi ngoài giấy bút và màu vẽ, không điện thoại nên phải hẹn hò bằng cách viết những dòng chữ to tướng nhét vào cái ông bơ buộc ở cây bạc đầu trước ngõ... Chúng ta thiếu thốn vô vàn, gần như tất cả.
Và đó cũng là lúc chúng ta tìm đến phương án hay ho nhất...
...đến tưởng tượngCả một quãng thời gian ấu thơ của tôi và các anh em được thế giới tưởng tượng bao bọc. Nhà cửa chật chội tù mù? Chúng tôi có thể dành cả một buổi sáng nằm trên chiếc giường sắt nhún tróc sơn trắng của mẹ cho đặt dưới gốc dừa – chiếc giường trong vườn – để cùng nhau xây nhà trong trí tưởng tượng: nào căn phòng của bọn mình sẽ nằm ở tầng cao nhất, lan can thật rộng để hứng nắng, thật nhiều lá dừa cọ qua cọ lại vào chiếc mũ rơm đặt kế một ly cam vắt. Thiếu đồ chơi? Một chiếc chén hạt mít ông cho từ bộ chén nhỏ bàn thờ cũng đủ nghĩ ra lắm trò: bỏ trái banh bóng bàn vào làm quán bán hột vịt lộn, thêm chiếc mâm gỗ giả vờ khề khà uống rượu như đại khách trong phim kiếm hiệp. Thiếu sách báo kính viễn vọng và những bộ phim giả tưởng? Tôi và anh tôi đã đổi kẹo lấy những viên bi thủy tinh nhiều màu, lấy bi áp lên mắt mình, nhìn sâu vào trong lòng, nếu nhìn lâu (cái này sẽ khiến mắt mỏi nhừ) sẽ bắt đầu thấy những đường nứt, những lỗ hổng tựa như thiên hà, tựa như không gian vô cùng ngoài kia, và tôi cứ để mình trôi trong lòng viên bi thủy tinh, nghĩ mình là Hoàng Tử Bé hàng ngày ngoáy sạch các núi lửa để thổi cơm nấu nước.
Những tưởng tượng đáp đền cho hiện thực thiếu thốn. Nhờ sự hoạt động không ngừng nghỉ của trí óc trong sự sáng tạo cả ngày, ban đêm chúng ta chìm đắm trong những giấc mơ đẹp khi giáp mặt thật sự với những gì chúng ta đã nghĩ đến suốt ngày hôm đó. Ngày tưởng tượng nhiều, đêm sẽ đầy hoa mộng.
Muốn biết điều gì đã làm nên một tuổi thơ hoàn hảo cho trẻ con, chắc hẳn chúng ta phải cậy nhờ các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu thật tỉ mỉ trên tất cả các vĩ nhân, chứ không phải nghe tôi kể chuyện, một kẻ bình thường. Nhưng tin rằng, được trở thành một người bình thường hạnh phúc, - điều tất cả các ông bố bà mẹ mong chờ khi ôm con mình trong lòng - một khu vườn, những người bạn, chút thiếu thốn để óc tưởng tượng được dùng đến, là những điều cơ bản không quá khó để nuôi dưỡng một tâm hồn, để trẻ con có được ấu thơ.
Tạo ra trẻ con giờ đây không còn dễ. Tạo ra tuổi thơ cho trẻ con càng không dễ tý nào. Nhưng một khu vườn ta có thể trồng, dù nhỏ hay to, một người ông hoặc người bà chúng ta sẽ có. Sẽ chỉ cần thêm can đảm để tạo ra một ít thiếu thốn để giúp con cái chúng ta thoát khỏi đời sống quá sức đủ đầy đáng sợ hiện tại.
Rồi trẻ con có tuổi thơ. Rồi chúng ta có những người con lớn lên khỏe mạnh bình thường cùng nhiều khát khao. Và đất nước có một thế hệ hạnh phúc để hy vọng.
[Theo tạp chí Style]
WedinMay -
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet