Hãy trả lời câu hỏi này: bạn có nhớ được số điện thoại của bố mẹ, hoặc mình đã làm gì vào thứ 2 tuần trước hay không?
Có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc trả lời những câu hỏi trên, bởi internet và các thiết bị điện tử đang ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn. Một nghiên cứu được Kaspersky Lab công bố tháng 7/2015 cho thấy một sự thật bất ngờ: khoảng 90% số người tham gia không thể ghi nhớ những dữ liệu cách xa mình chỉ một vài cú click chuột hay vuốt tay.
3 tháng sau đó, tháng 10/2015, trường Đại học Birmingham, Anh lại công bố một kết quả nghiên cứu khác: rằng thói quen tìm kiếm thông tin khiến con người không thể tạo ra trí nhớ lâu dài. Theo nghiên cứu trên 6.000 người trưởng thành ở Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg được thực hiện bởi tiến sĩ Maria Wimber, hơn 1/3 trong số này phải nhờ đến máy tính để nhớ lại thông tin mình cần. Chỉ 29% số người nhớ được số điện thoại của con mình, 43% nhớ được số máy cơ quan.
Giáo sư Betsy Sparrow của Đại học Columbia cũng có một nghiên cứu về “Hiệu ứng Google” trên trí óc, và kết luận rằng “bộ não của chúng ta dựa vào internet để ghi nhớ tương tự như khi nó dựa vào trí nhớ của bạn bè, người nhà hay đồng nghiệp. Chúng ta nhớ ít thông tin hơn, mà thay vào đó là nhớ nơi nào để tìm được thông tin đó.”
Ngay cả những bức ảnh mà bạn chụp cũng khiến trí nhớ suy giảm. Một nghiên cứu được thực hiện 15 năm trước bởi Đại học Fairfield chỉ ra rằng những người chụp ảnh nơi mình đến nhớ ít chi tiết về chúng hơn là những người chỉ ngắm nhìn. “Bằng cách này, chúng ta ít chú ý đến cuộc sống quanh mình và trở nên tệ hơn trong việc ghi nhớ những sự kiện trong đời sống của chính chúng ta.”
Nhưng liệu những điều trên có làm chúng ta “ngu” đi? Có lẽ là không, bởi công nghệ có thể giúp chúng ta sống khôn ngoan hơn, chỉ ghi nhớ những điều thực sự quan trọng, “oursource” những điều vặt vãnh lên internet. Điều khiến con người khôn ngoan nằm ở việc biết đặt ra những câu hỏi giá trị, còn internet chỉ giúp chúng ta tìm kiếm đáp án cho những câu hỏi đó một cách dễ dàng. Bạn không cần phải hỏi bố mẹ mình cách thay tã cho con, mà chỉ cần đọc nó trên một trang web nào đó.
Nhưng ở một khía cạnh nào đó, có lẽ công nghệ đang làm chúng ta bớt sáng tạo đi. “Ghi nhớ” và “hiểu biết” là hai tiến trình liên quan đến nhau, theo mô hình về tư duy của con người DIKW (data – information – knowledge – wisdom). Càng đặt ra nhiều câu hỏi đa dạng, càng tìm thấy nhiều câu trả lời khác biệt, bạn sẽ càng có nhiều thông tin để suy nghĩ và tạo ra những ý tưởng mới cho mình.
Các engine tìm kiếm chỉ có thể đem lại cho bạn câu trả lời chính xác cho những gì bạn nghĩ ra, thay vì giúp chúng ta tìm thấy những quan điểm mới mẻ, khác biệt cho những gì có liên quan nhưng bạn chưa nghĩ ra.
Vì vậy, tiến sĩ Maria Wimber nói rằng con người nên giảm bớt thời gian online để bảo vệ trí nhớ của mình. “Từ những nghiên cứu về trí nhớ, chúng ta biết mình chỉ nhớ thông tin mà mình chú ý đến. Nếu chỉ bỏ thời gian online hay trải nghiệm cuộc sống qua ống kính camera, chúng ta có thể sẽ mất những trải nghiệm quan trọng và không đưa chúng vào phần trí nhớ lâu dài. Liên tục tìm kiếm thông tin trên mạng cũng không phải là một cách nhớ hiệu quả.”
Sự tràn lan của thông tin đến từ internet cũng có một hậu quả khác: làm suy giảm mức độ tập trung của con người. Trong nghiên cứu của Microsoft vào năm 2016 trên 2.000 người Canada, bằng cách ghi nhận hoạt động của bộ não, họ nhận thấy rằng attention span (thời gian tập trung chú ý) của con người đã giảm từ 12 giây xuống còn 8 giây, thấp hơn cả con số 9 giây mà… cá vàng có được. Thay vào đó, con người trở nên đa nhiệm hơn, chẳng khác gì một CPU “siêu phân luồng” hay một trình duyệt với hàng chục tab.
Ngược lại, game thủ lại có khả năng tập trung tốt hơn người không chơi game, và những người chuyển từ không chơi game sang chơi game lại cải thiện được khả năng tập trung của mình, nhất là về độ tập trung thị giác.
Một phần không thể thiếu của internet ngày nay là các thuật toán. Khi bạn mở Facebook, News Feed của bạn tràn ngập những bài post nhờ thuật toán. Khi tìm kiếm trên Google, kết quả nó đưa ra sẽ được sắp xếp bởi các thuật toán. Chúng dự đoán những gì chúng ta tìm kiếm, món hàng bạn mua, bài hát tôi nghe, và đôi khi là cả người mà bạn muốn hẹn hò.
Chúng giúp chúng ta tìm thấy thứ mình muốn một cách hiệu quả.
Nhưng chỉ khi nào thứ chúng ta muốn giống với những gì mình đã thích trong quá khứ. Lúc bạn gõ những gì mình cần tìm vào Google, bạn chỉ có thể bày tỏ những gì mình đã biết, phần nào đưa tư tưởng của mình vào những kết quả sắp nhận được. Nếu bạn muốn đi từ TPHCM ra Đà Lạt bằng xe, Google có thể cho bạn biết nhà xe nào có tuyến này, chứ không thể nói với bạn rằng có đường bay trực tiếp giá rẻ từ TPHCM ra Đà Lạt.
Chúng ta đặt ra giới hạn cho các thuật toán, và đến lượt các thuật toán giới hạn cách chúng ta nhìn nhận thế giới qua những gì bản thân mình đã biết từ lâu.
Khi các thuật toán ngày càng mạnh mẽ hơn, theo sát sở thích của người dùng hơn, chúng khiến con người mất đi khả năng tìm thấy những điều mới mẻ, khác biệt và xa lạ. Thay vì đưa chúng ta ra khỏi lớp vỏ của mình, thế giới internet quanh bạn lại được xây dựng để đưa cho bạn thứ mình thích, đồng thời đóng lại mọi cánh cửa dẫn đến sự mới mẻ và tự do. Một ví dụ đơn giản: các thuật toán của Facebook nay ưu tiên cho tin địa phương hơn tin thế giới, nên bạn sẽ biết về những gì xảy ra quanh mình nhiều hơn những gì đang diễn ra trên toàn cầu.
Điều thú vị nhất là chúng ta thích thế.
Bạn đọc những bài viết xác nhận niềm tin của mình. Tôi tìm đến các trang bán hàng để mua những thứ tôi muốn. Facebook đề nghị chúng ta tham gia vào những group cùng sở thích. Các ứng dụng hẹn hò dẫn chúng ta đến với những người giống mình.
Bằng cách giới hạn chúng ta vào những nguồn tin nhất định, những nhóm người nhất định và những ý tưởng nhất định, những gì chúng ta nghĩ về cuộc sống được nhấn mạnh, ghi khắc sâu hơn. Để rồi theo thời gian, những nhóm người khác nhau sẽ có những tư tưởng rất khác nhau, được tạo nên bởi sự khác biệt giữa những nguồn tin họ đọc, người họ quen cũng như ý tưởng họ tiếp cận. Các thuật toán ảnh hưởng đến tất cả những đối tượng này, đưa chúng ta vào những con đường hẹp, dẫn đến sự phân hóa lớn hơn và thu hẹp tư tưởng của mỗi người, thay vì giúp tạo ra một trí óc mở mang giúp chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn.
Nhưng chúng ta có thể chống lại sự “thống trị” của các thuật toán để giúp tư tưởng của mình không bị buộc vào những đường hầm được xây dựng bởi những gì mình đã làm trước đây. Hãy thử ăn một món mình chưa từng thử và không xuất hiện trên các kết quả tìm kiếm. Xem một bộ phim thuộc một thể loại mới. Gia nhập một cộng đồng những người có sở thích khác mình. Nói chuyện với một người mới và hỏi họ xem nên ăn gì, xem gì, chơi gì, đi đâu.
Có thể chúng ta sẽ mất nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm những điều mới mẻ mà bản thân yêu thích trước khi thích nghi với một cách sống mới bớt phụ thuộc vào công nghệ. Nhưng khi thời gian trôi qua, bạn sẽ nhận thấy rằng rời khỏi “vùng thích thú” của bản thân là một điều tuyệt vời. Hãy xem, nghe, đọc, nghĩ khác đi, bởi công nghệ là để phục vụ chúng ta, không phải để uốn nắn chúng ta theo con đường của chúng.
Hãy học cách đặt ra những câu hỏi mới với Google, sử dụng những nguồn tìm kiếm khác ngay cả khi nó không chính xác như bạn muốn. Hãy thử Bing, Yahoo, Google Scholar, hay đặt ra những câu hỏi chung chung hơn trên dịch vụ tìm kiếm mình yêu thích, rồi bạn sẽ bất ngờ trước những gì mình tìm ra.
Đừng dùng internet để thay thế suy nghĩ, bởi bạn sẽ bị tụt lại so với những người dùng internet để hỗ trợ cho suy nghĩ của họ, nhưng cũng đừng lo ngại rằng internet sẽ khiến chúng ta “ngu” đi. Thời điểm duy nhất mà chúng thực sự có thể ngăn chúng ta trở nên thông minh hơn có lẽ là khi chúng ta đã biết mọi thứ, và thời điểm đó vẫn còn xa.
Bài viết: Phạm Lê
Minh họa: Pink Phúc
Concept: Phan
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet