Quê chị ở tận Nam Định, chị cùng đứa em kém vài tuổi theo mẹ vào Sài Gòn định cư sau giải phóng. Nhà chẳng khá giả gì mấy, ngày xưa lúc mới vào đây, cái gọi là nhà của chị cũng chỉ là một mái chòi lụp xụp không đủ để 3 mẹ con che nắng che mưa, cuộc sống tạm bợ khiến cho 2 chị em chẳng bao giờ nghĩ đến việc có thể cắp xách đến trường để học lấy cái chữ, mấy năm nay nhờ người bà con gần cho miếng đất và giúp xây ngôi nhà để mẹ con chị "an cư", lại thêm mấy căn phòng trọ cho thuê để kiếm cái "lạc nghiệp". Thế rồi, khi cuộc sống ổn định, có thể nghĩ đến việc học thì tuổi của chị cũng đã đến gần nửa con dốc cuộc đời.
Cha chị - người đàn ông duy nhất của gia đình đi theo người phụ nữ khác từ những ngày đầu khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn vì không chịu nổi cái nghèo đeo bám, phần vì sự cám dỗ quá ngọt ngào từ người phụ nữ giàu có kia. Mẹ con chị, 3 người phụ nữ phải chật vật giữa Sài Gòn như đang vật lộn với con mãnh thú hung hãn để có thể sống, những đôi tay yếu ướt cứ dần chai sạn và dày lên theo thời gian, nhiều lúc sờ tay mẹ, chị bất giác rơi nước mắt vì đôi tay ấy đã thô rát sần sùi chi chít cả những vết nứt. Cứ thế chị lớn lên với nổi mặc cảm và tự ti, đó là những vết thương lớn trong tâm hồn mà sẽ mãi không bao giờ có thể xóa bỏ được, một nổi ám ảnh dày vò hằng đêm trong từng giấc ngủ của chị.
Sài Gòn với chị là cả một thế giới rộng lớn bởi nửa cuộc đời mình chị chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ, hầu như cuộc sống của chị tách biệt với bên ngoài, nó khiến chị sợ hãi mỗi khi bước ra đường. Chị sợ người, sợ xe, sợ nơi đông đúc, sợ cả những con phố trước mặt, sợ họ biết chị là một kẻ không biết chữ, là kẻ ngu đần giữa cái thành phố hoa lệ hiện đại, sự khinh bỉ trong chính suy nghĩ của mình khiến chị không đủ tự tin để bước "rồi họ sẽ cười cợt mà rằng: vẫn còn những đứa thất học như thế này cơ à, làm bẩn thành phố văn minh quá đi mất". Thế nên, chị chẳng biết cái gì gọi là siêu thị, cái gì là máy rút tiền tự động hay phải sử dụng cái di động ra làm sao.... vậy đấy, cuộc sống của chị ngày nối tiếp ngày trôi qua thật tẻ nhạt vô vị, đôi lúc xa xăm trong ánh chiều lãng đãng chị chạnh lòng mà rằng "mình chỉ là con người dư thừa của xã hội".
Không biết chữ, chị khó khăn lắm, chị tránh xa những việc đụng chạm đến giấy tờ, 30 tuổi, chị chưa lần nào cầm 1 tờ giấy bước vào ủy ban phường nơi chị ở huống chi là những cơ quan hành chính to lớn, những việc liên quan đến chữ nghĩa khiến chị mặc cảm, nó như con dao khoét sâu hơn vào tim chị. Đôi khi, nhìn đứa cháu ê a tập đọc chị lại thèm thuồng được một lần như vậy, nhưng chị chẳng thể nào đủ dũng cảm mà cầm cuốn sách lên vô tư đọc như đứa trẻ ấy.
Đừng hỏi chị đã yêu chưa, bởi đằng sau cái lắc đầu gượng gạo ấy là một khoảng không đau thương mà chị cố giấu kín. Chị cũng muốn lắm được yêu thương, được quan tâm chia sẽ, được nắm tay một ai đó đi dạo vào buổi hoàng hôn yên ả, nhưng có ai sẽ yêu một người như chị chứ, hoặc giả có ai đó buông lời nồng nàn mật ngọt thì liệu có phải là thật tâm không?. Chị sợ mình sẽ trở thành vật tiêu khiển cho người khác, yêu thương của họ phải chăng chính là sự khinh bỉ được che đậy, họ bỡn cợt rồi hả hê quẳng chị đi khi đã chán ngán cái trò chơi vô vị ấy. Chính những ám ảnh về một người bố đã bỏ rơi mẹ con chị khiến chị không đủ can đảm để tin tưởng vào người đàn ông, vào thứ tình cảm gọi là chung thủy, có lẽ với chị nó chỉ tồn tại trong những câu chuyện cổ tích mà mẹ từng đọc cho chị những đêm co rúm người không thể ngủ vì cơn mưa lộp bộp ướt cả mái chòi lợp tranh xiêu quẹo.
Vậy đấy, liệu một người như chị có quyền được yêu chứ? Liệu rằng cuộc sống có trêu ngươi những kẻ đáng thương đã lạc lõng giữa cuộc sống như thế này nữa không?
Hân Nguyễn -
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet