Vespa cổ thường có bộ truyền lực nên bền hơn các loại xe vận hành bằng xích. Tuy nhiên, bộ côn xe thường xuyên gặp sự cố, hiện tượng là khi đạp cần khởi động thấy trơn tuột. Ở đây có hai trường hợp xảy ra: Côn đã bị cháy hoặc nhông bị mòn, nếu thấy khói xe ra nhiều, đậm đặc là phớt bên côn bị hỏng, cần phải thay.
Tay côn của xe được lắp ở phần đầu xe nhưng máy lại nằm ở phía đuôi nên dây côn rất dài, chỉ đồ đặc chủng của Vespa mới dùng được. Nếu đang đi giữa đường mà đứt dây côn thì chỉ còn cách dắt bộ hoặc thuê xe kéo về. Dây ga của xe cũng rất dài và chạy lắt léo theo thân xe nên phải chịu lực rất lớn và rất dễ bị đứt, các chủ xe Vespa kinh nghiệm thường mua sẵn dây côn và dây ga để trong cốp xe phòng khi bất trắc.
Nhiều chủ xe đã "phát điên" khi đạp đến cả trăm lần mà xe vẫn ỳ ra, tình trạng đạp khó nổ chủ yếu có ba nguyên nhân: hơi nén xilanh kém, séc-măng hở, lửa và xăng chỉnh không hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó nổ thường do xe đã bị sục xăng, khi dừng xe nên khoá xăng lại để tránh tình trạng này.
Buổi sáng, lúc khởi động xe, cần đạp nhiều lần trước khi mở khóa điện để thải hết xăng thừa. Sau đó để nguyên tay ga ở vị trí đóng cho khởi động. Tuyệt đối không được bấm nút đề nhiều lần liên tục. Hành động này sẽ làm vỡ bánh răng đề, hậu quả là tốn 300.000-500.000 đồng để thay hoặc đến cửa hàng uy tín để cuộn lại.
Khi đã ngồi lên xe vi vu rồi, nhiều người đã choáng ngợp vì xe mình quá ăn xăng, nguyên do là các loại Vespa là xe 2 thì. chỉ cần để sai chế độ xăng, lửa một chút là rất hao xăng. Tất cả các loại xe Vespa cổ đều có thể chuyển vít lửa sang sử dụng IC như những loại đời mới để xe ít hao xăng, chạy êm và dễ nổ hơn.
Hệ thống giảm xóc hay bị hỏng, liệt, lúc xe chạy sẽ bị xóc mạnh cũng là một vấn đề, bạn có thể khắc phục bằng cách mang đi phục hồi hoặc thay mới vì giá giảm xóc không quá đắt. Vespa có một tiện lợi là có bánh xe sơ - cua nhưng việc thay được bánh lại không hề đơn giản. Do phần đuôi xe nặng hơn đầu xe rất nhiều nên nếu không kê tốt sẽ không thể giữ đuôi ở vị trí thuận lợi để thay. Có người phải luôn mang theo trong cốp một tấm gỗ đủ để kê được đuôi xe phòng thủng săm giữa đường.
Xe Vespa chạy xăng pha dầu nhớt nhưng tùy từng đời máy có thể chia làm 2 loại: pha dầu trực tiếp và bơm dầu. Xăng tại các cây xăng thường pha tỷ lệ 2%, tuy nhiên có thể pha 2- 4% dầu nhờn dùng chạy trong thành phố, 6% dầu nhờn chạy đường trường. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng pha nhiều quá vì như vậy sẽ làm đen và bẩn bugi dẫn đến khó nổ hoặc chết máy. Với loại động cơ pha dầu bằng bơm, cần thường xuyên bảo dưỡng bơm vì nếu hỏng hoặc bơm quá nhiều dầu sẽ phá tan động cơ. Những người kinh nghiệm thường bỏ bộ bơm dầu và pha trực tiếp vào xăng.
Vespa chạy xăng pha dầu nên xe có khá nhiều muội, điều này khiến pô xe hay bị tắc. Khi xe khó nổ, máy không thoáng dù chế độ xăng gió đều tốt là lúc cần thông lại pô. Cần tháo pô và mang đến hiệu chuyên sửa bởi công việc này không thể tự làm được.
Ngay cả chuyện đi xe cũng phải có kỹ thuật. Do Vespa có bánh đà rất khỏe nên ở tốc độ nhất định máy mới nổ ngọt. Người không quen xe, đi trong nội thành thường không giữ được xe nổ bình thường và việc làm chết máy là khó tránh khỏi. Chỉ người làm chủ xe tới mức độ như "thợ" mới có thể chạy Vespa một cách "ngon lành".
Những địa chỉ sửa chữa chăm sóc Vespa cổ:
Tại Hà Nội:
1. Bác Lộc ở 9A ngõ Huế
2. Bác Hân cây xăng Hàn Thuyên
3. Bác Đạt 191 giảng võ
4. Anh Lâm - Đội Cấn.
5. Anh Kiên – Lê văn Lương
Tại TPHCM:
1. Ông chủ 7 Tuý ( Đường Võ thị Sáu )
2. Vespa 136 Nơ Trang Long ngã 5 Bình Hoà - Bình Thạnh
3. Tiệm bác Tư Trung - ngã tư bến xe miền Đông
4. Vespa cổ – Nguyễn Văn Cừ gần cầu chữ Y
Và còn khá nhiều địa chỉ uy tín nữa đang chờ các bạn khám phá .
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet