Đường chân trời của Chicago
Hiếm có thành phố nào lại hiện đại và mang phong cách độc đáo như Chicago. Sức sáng tạo không giới hạn trong kiến trúc mà người ta thấy ở thành phố bên hồ Michigan ngày nay bắt nguồn từ một thảm kịch xảy ra năm 1871.
Đó là vụ đại hỏa hoạn kéo dài 36 giờ đồng hồ hồi tháng 10 năm đó đã thiêu rụi gần như hoàn toàn các công trình nhà cửa bằng gỗ ở trung tâm Chicago, làm thiệt mạng ít nhất 300 người và đẩy 1/3 dân số thành phố ra đường. Vụ hoả hoạn kinh khủng đến nỗi ba năm sau đó, Chicago ra luật cấm những công trình bằng gỗ được xây trong nội đô.
Dù vậy, thảm kịch đã đem đến cho thành phố cơ hội để tái sinh. Năm 1884, tòa nhà chọc trời đầu tiên của thế giới “Home Insurance Building” ra đời đã thống trị đường chân trời của Chicago. Từ đó đến nay, chẳng ngạc nhiên mà thành phố này được coi là nơi mà sức sáng tạo trong kiến trúc được đẩy đến đỉnh cao.
Từ lối đi bộ bên hồ Michigan nhìn vào thành phố, đường chân trời Chicago ngày nay đã được bao phủ bởi hàng dài những cao ốc chọc trời, nhiều trong số chúng đến nay vẫn nằm trong danh sách những toà nhà cao nhất thế giới như Willis (tên cũ là Sears), Trump International, Aon Center, John Hancock Center,….Tuy nhiên, biểu tượng của thành phố không phải là các cao ốc vươn thẳng lên trời xanh mà lại là Cổng Mây - Cloud Gate, một tác phẩm điêu khắc công cộng tại thành phố Chicago của nghệ sĩ Anh gốc Ấn Độ - Anish Kapoor.
Phía trong mặt gương
Cổng Mây được đặt giữa công viên Thiên Niên Kỷ (Millenium), ngay trung tâm thành phố để bất cứ ai cũng có thể chạm vào, đi ngang qua hay ngồi hàng giờ ngoài trời để nhìn ngắm.
Cloud Gate hay còn gọi là The Bean - "Hạt đậu" (vì hình dáng của nó giống hạt đậu và cái tên này còn trở nên phố biến hơn cả tên gốc). Công trình được xây dựng từ giữa năm 2004 đến giữa 2006, được làm từ 168 tấm thép không gỉ hàn lại với nhau. Bên ngoài của "Hạt đậu" có độ bóng cao nên đường nối gần như không thể nhìn thấy.
Kiến trúc được lấy cảm hứng từ thủy ngân lỏng, bề mặt của tác phẩm điêu khắc phản ánh và làm biến dạng đường chân trời của thành phố. Bên trong hạt đậu khổng lồ này, thành phố có thật bên ngoài kia bỗng chốc biến thành một thế giới huyền ảo khi bạn đưa tay chạm khẽ vào chính mình bên kia mặt gương.
Bên cạnh Clould Gate là một công viên dành cho các buổi trình diễn âm nhạc cho dân chúng thưởng thức. Vào lễ thánh Saint Patrick - ngày lễ thánh của người Iceland, tất cả những người diễu hành và tham dự đều mặc quần áo màu xanh lá cây, đội mũ xanh, thậm chí nhiều người còn nhuộm tóc xanh, vẽ lên mặt những biểu tượng xanh lá cây, những chuỗi hạt đá ngộ nghĩnh màu xanh lá cây rất đẹp mắt. Đã vậy, cờ quạt, băng rôn, xe cộ, tất cả đều được phủ màu xanh.
Thế là trong ngày đặc biệt này, người Chicago còn làm cho dòng sông chảy qua thành phố đổi màu thành… xanh! Một chiếc thuyền chở những nhân vật cổ xưa: vua, hoàng tử, công chúa thật lộng lẫy và chiếc thuyền đi tới đâu là dòng sông biến thành màu xanh đến đấy.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet