Nội dung

Rạng sáng 12/10, cả trăm cảnh sát PCCC Hà Nội và lực lượng bộ đội vẫn được yêu cầu tỏa đi các căn hộ trong 3 tòa nhà CT4A, CT4B, CT4C - Khu đô thị Xa La (Hà Đông) gõ cửa, rà soát, tìm kiếm những người có khả năng vẫn còn mắc kẹt bên trong.

Khi công tác chữa cháy đi vào giai đoạn cuối, cũng là lúc những người lính cứu nạn cứu hộ tiếp cận hiện trường đầu tiên, được lệnh điểm danh quân số, thu dọn đồ nghề. Họ nằm, ngồi thành tốp phía sau 3 khối nhà, ai nấy đều hít thở khó nhọc.

Chốc chốc, trong tốp chiến sĩ lại có người ho khan cả tràng, dịch đen trào ra từ họng, giọng lạc đi vì nhiễm khói.

Cảnh sát trẻ cứu hơn 50 người ở vụ cháy chung cư

Nhiều người già, trẻ nhỏ được cảnh sát PCCC cứu ra ngoài an toàn. Ảnh: Anh Tuấn.

Chiến sĩ mới hơn một năm làm việc trong lực cứu nạn cứu hộ, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 7 (đóng ở huyện Thanh Trì) kể, đơn vị được điều động, chi viện khá sớm do gần hiện trường.Phút nghỉ ngơi cũng là lúc những câu chuyện cứu nạn được chia sẻ. Trong số lính cứu hỏa làm nhiệm vụ cứu nạn tại nhà CT4B, hạ sĩ Trương Duy Tùng được chỉ huy đơn vị ghi nhận là một trong những cảnh sát cứu được nhiều người nhất.

Một cán bộ Sở Phòng cháy chữa cháy chia sẻ, hỏa hoạn xảy ra vào giờ nhiều người đang ăn cơm tối nên mật độ dân cư tập trung đông. Mọi người chủ quan không thoát nhanh xuống sảnh nên bị mắc kẹt.

“Tôi được lệnh cùng tiểu đội trưởng đeo mặt nạ phòng độc, xách theo bình thở oxy khẩn cấp theo thang bộ lên cứu người mắc kẹt” - Tùng kể.

Trèo thang bộ từ tầng 1 lên tầng 19 tòa nhà, Tùng cùng đồng đội ghé tất cả căn hộ để gọi nhưng không thấy ai ra mở. Phán đoán người dân ở tầng thấp có thể đã kịp thoát chạy, hai chiến sĩ di chuyển nhanh lên trên.

Tới tầng 20, hai anh gặp người phụ nữ trung niên ngồi bệt ở bậc cầu thang, kiệt sức. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, biết người này có thể tiếp tục đi, cấp trên của Tùng nhường bình oxy cho người dân rồi dìu xuống sảnh.

Cảnh sát trẻ cứu hơn 50 người ở vụ cháy chung cư

Hạ sĩ Trương Duy Tùng - Phòng Cảnh sát PCCC số 7 (Cảnh sát PCCC Hà Nội). Ảnh: Việt Đức.

Một mình anh sau đó chạy bộ từ tầng 20 lên 28 thì gặp những tốp người dân mắc kẹt tiếp theo. “Nhiều gia đình sợ hãi đóng chặt cửa nhà, dùng khăn bịt kín các khe hở để ngăn khói xâm nhập. Nghe tiếng gõ cửa, họ lao ra cầu cứu” - Tùng kể.Khói trên các tầng cao dày đặc, khiến ánh đèn pin từ chiếc mũ bảo hộ không giúp quan sát được xa. Để hạn chế khói, Tùng buộc phải dùng dụng cụ đập vỡ nhiều ô kính nhằm thoát khí độc, tạo thuận lợi cho việc di chuyển.

Dân mắc kẹt đa phần là người già, trẻ nhỏ nên chàng lính trẻ mất nhiều thời gian để trấn an tinh thần, hỏi thăm sức khỏe và cùng họ tìm lối di chuyển sao cho an toàn nhất. Anh sau đó hướng dẫn người dân bịt mặt bằng khăn ướt, dắt tay cả đoàn lên sân thượng trên tầng 35.

Ở tầng thượng lúc đó đã khá đông người, họ báo dưới tầng 32-33-34 còn nhiều trẻ em, phụ nữ có thai đang mắc kẹt và nhờ anh xuống cứu.

Mỗi sàn nhà CT4B hơn 10 căn hộ, nên việc rà soát, tìm người trong bóng tối khá khó khăn và tốn không ít thời  gian. Vì thế, bước chân của chàng lính trẻ càng trở nên gấp gáp. Trở lại phía dưới, tìm đến một căn hộ thuộc tầng 32, Tùng xưng cảnh sát, đập cửa gọi lớn thì phát hiện một phụ nữ đang run rẩy, ngồi ôm đứa con mới vài ngày tuổi ngoài ban công

Biết sức khỏe 2 mẹ con ổn định, anh thông tin với họ đám cháy đã được khống chế, nhường bình oxy rồi dắt họ lên sân thượng theo lối thang bộ.

Nhớ lại những phút cứu người, Tùng lo lắng nhất khi chứng kiến 2 cặp mẹ con sơ sinh đứng trên sân thượng trong thời tiết gió lạnh. Được gia đình đồng ý, anh trở lại tầng nhà tìm đồ ăn, chăn lên đưa cho họ ủ ấm.

Khi nghe chỉ huy chữa cháy phát loa thông báo, lượng khói đã giảm nhiều, Tùng động viên những người có sức khỏe tốt tự di chuyển xuống theo thang bộ, thoát ra ngoài. Hai phụ nữ bế con nhỏ, trụ lại trên nóc nhà luôn sợ hãi.

"Tôi liên tục phải trấn an, động viên họ và thúc bộ đàm để bác sĩ lên hỗ trợ thật nhanh" - Tùng kể.

Một giờ làm việc ở hiện trường, chàng hạ sĩ trải qua nhiều giây phút cảm động. Có đứa trẻ nghe tiếng gõ cửa lao ra mở ngay. Nhìn thấy Tùng, cậu bé ôm chặt, kêu to "Được cứu rồi". Rồi những người già được anh hỗ trợ, giúp thoát lên sân thượng không nén được nước mắt, ôm lấy Tùng nói lời cảm ơn...

Trong khi đó, việc phải chạy bộ liên tục hàng chục tầng, hít nhiều khói đen khiến Tùng bị tức ngực, đau đầu. “Lúc tôi đuối sức cũng là khi anh em chi viện tìm thấy. Họ cùng hướng dẫn, dìu người dân xuống dưới an toàn" - Tùng kể.

Theo ghi nhận bước đầu của đơn vị, hạ sĩ Trương Duy Tùng đã cứu giúp, đưa hơn 50 người tìm đến vị trí an toàn và thoát khỏi tòa nhà. Ngoài Tùng, một số cảnh sát làm nhiệm vụ mất sức, hít phải khói độc đã phải nhập viện.

Đại tá Tô Mạnh Thắng - Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) chia sẻ, do đám cháy bắt nguồn từ tầng hầm, các vật liệu cháy là ôtô, xe máy nên việc khống chế rất phức tạp.

"Khói tập trung một lượng rất lớn ở hầm, chúng tôi phải huy động gần như toàn bộ lực lượng, phương tiện khu vực lân cận ứng cứu", đại tá Thắng cho hay.

Theo vị Trưởng phòng này, thiệt hại chưa thể thống kê nhưng tập trung ở tầng hầm 1 (tòa chung cư có 2 tầng hầm).

Khu đô thị Xa La có 14 tòa chung cư cao 21-34 tầng cùng 500 nhà ở liền kề và hơn 200 biệt thự, nằm trên trục đường 70, gần bệnh viện 103, cách cầu Trắng (Hà Đông) khoảng 1 km.

Các tòa CT4, CT5, CT6 (diện tích 50-100 m2) đang được rao bán giá từ 15,5 triệu đồng. Do chỉ cần bỏ ra hơn 1 tỷ đồng là có căn hộ ở luôn nên nhiều gia đình trẻ đã chọn mua các căn hộ ở Xa La.

Tuy nhiên, điểm trừ của khu đô thị này là mật độ xây dựng quá lớn, hạ tầng kém. Các chung cư của Công ty xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên (của ông Lê Thanh Thản) gần đây liên tiếp xảy ra hỏa hoạn.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Bạn thân à, tớ thích cậu!

Sáu năm bên nhau rồi đấy, chúng ta có bao nhiêu cái sáu năm trong cuộc đời cậu nhỉ? Mình học chung lớp cấp ba, cậu bàn dưới, tớ bàn trên. Bao nhiêu cảm...

Xem thêm  

Đi xe SH mới là đẳng cấp

"Trên thế giới chẳng còn nước nào quan tâm đến xe hai bánh, nó chỉ được coi là phương tiện 'thể thao nguy hiểm'. Ở ta vẫn quan trọng hóa vấn đề, rằng nó thể hiện đẳng cấp của người đi, thật...

Xem thêm  

10 status ấn tượng trong tuần trên Facebook

'Già rồi hãy sống và làm những điều mình yêu thích, đơn giản vì mình không còn nhiều thời gian', Kỳ Duyên viết. Status số 1 "Người đàn ông mang đến hoa hồng chỉ để vui chứ không nên quá coi trọng....

Xem thêm